Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 975/QĐ-BYT năm 2012 hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm Não mô cầu do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 975/QĐ-BYT
Ngày ban hành 29/03/2012
Ngày có hiệu lực 29/03/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Xuyên
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 975/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 29 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHIỄM NÃO MÔ CẦU

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Bộ Y tế;

Xét biên bản họp ngày 14/3/2012 của Hội đồng chuyên môn xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm Não mô cầu;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhiễm Não mô cầu.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng, Tổng Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Website Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Xuyên

 

HƯỚNG DẪN

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NHIỄM NÃO MÔ CẦU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 975/QĐ-BYT ngày 29 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

I. ĐẠI CƯƠNG

1. Khái niệm

Bệnh nhiễm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là viêm màng não mủ và/hoặc nhiễm khuẩn huyết, có thể gây sốc dẫn đến tử vong, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do hít phải các giọt nhỏ dịch tiết mũi họng bị nhiễm Neisseria meningitidis, khả năng lây truyền sẽ tăng nếu có đồng nhiễm cùng các vi rút đường hô hấp.

2. Dịch tễ học

Bệnh xảy ra rải rác hoặc thành dịch ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu vào mùa đông xuân. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp nhất là trẻ dưới 5 tuổi, thanh thiếu niên từ 14 đến 20 tuổi, những người sống trong khu vực tập thể đông người (nhà trẻ, trường học, chung cư v.v…) và các cơ địa suy giảm miễn dịch. Châu Phi cận Sahara là nơi có các vụ dịch lớn xảy ra: vụ dịch 1996-1997 có 250.00 ca mắc và 25.000 ca tử vong, vụ dịch năm 2009 tại 14 nước Châu Phi với 88.199 người mắc và 5.352 người tử vong. Ở Việt Nam, thỉnh thoảng vẫn có các vụ dịch lẻ tẻ ở các địa phương, riêng năm 1977 vụ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh có 1015 ca mắc, do não mô cầu nhóm C gây ra.

Người bệnh và người lành mang vi khuẩn là nguồn chứa duy nhất, ước tính có khoảng 10 – 20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu tại hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng), tỷ lệ này có thể tăng đến 40-50% trong các vụ dịch.

Đã phát hiện 13 typ huyết thanh, trong đó có các typ hay gây bệnh là: A, B, C, X, Y, Z và W135.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Chẩn đoán ca bệnh lâm sàng:

a. Dựa vào yếu tố dịch tễ: Có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc sống trong tập thể (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại,…) có người đã được xác định bị mắc bệnh do não mô cầu.

b. Dựa vào lâm sàng:

- Thời kỳ ủ bệnh trung bình là 4 ngày (2-10 ngày).

[...]