Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 954/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/TTg, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 954/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/07/2014
Ngày có hiệu lực 03/07/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Nguyễn Văn Linh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 954/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 03 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN, BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN THEO QUYẾT ĐỊNH 755/TTG, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG"

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 352/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 539/NQ-UBTVQH13 ngày 30 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS;

Căn cứ Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLTUBDT-BTC-BTNMT ngày 18/11/2013 của Liên Bộ: Ủy ban Dân tộc - Bộ Tài chính – Bộ Tài nguyên và Môi trường, hướng dẫn thực hiện Quyết định 755/TTg;

Xét đề nghị của Ban Dân tộc tại Tờ trình số 12/TTr-BDT ngày 11/6/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755/TTg, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".

(Có Đề án chi tiết kèm theo)

Điều 2. Giao cho Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội, Sở Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên và các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Linh

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN, BẢN ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN THEO QUYẾT ĐỊNH 755/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ, TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG
(Kèm theo Quyết định số 954/QĐ-UBND ngày 03/7/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang)

Phần I

I. Đặc điểm tình hình vùng miền núi và sự cần thiết phải lập Đề án

Bắc Giang là tỉnh miền núi; gồm 9 huyện, 01 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi, 01 huyện vùng cao (là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước); với tổng số 230 xã, phường, thị trấn, trong đó có 188 xã miền núi.

Tổng dân số toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay là 1,6 triệu ng­ười, trong đó người dân tộc thiểu số là 200.538 người, chiếm 12,5% tổng dân số toàn tỉnh. Có 7 dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn là: Nùng 76.878 người, Tày 41.180 người, Sán dìu 27.878 người, Cao lan 13.264 người, Sán chí 12.508 người, Hoa 19.179 người, Dao 9.223 người (chiếm tới 99,79% số dân tộc thiểu số toàn tỉnh); còn lại 13 thành phần dân tộc thiểu số khác với 428 người, do di chuyển cơ học từ các địa phương khác tới định cư sinh sống. Đồng bào các Dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú tập trung ở 105 xã, thị trấn thuộc 06 huyện miền núi: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên hầu hết là các xã thuộc khu vực II, khu vực III.

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành TW Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc; Chương trình phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với xoá đói giảm nghèo 02 giai đoạn (2001-2005 và giai đoạn 2006-2010). Sau 10 năm thực hiện Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình chính sách khác được triển khai đồng bộ và có hiệu quả trên địa bàn đã góp phần giúp cho kinh tế khu vực miền núi, vùng dân tộc có bước phát triển đáng kể. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ngày càng được tăng cường; sự nghiệp giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Toàn tỉnh đã có 14 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn I, 04 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II; 100% số hộ nghèo DTTS thuộc đối tượng theo Quyết định 134/TTg đã đư­­ợc xoá nhà tạm; 98% số xã vùng dân tộc miền núi xe ô tô đã vào đư­­ợc trung tâm xã; 98,2% thôn, bản có điện, trong đó trên 96% số hộ trong vùng đã đư­­ợc sử dụng điện l­ưới quốc gia (năm 2003 mới có 62% số hộ); trên 70% số hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; mức sống của đồng bào được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn giảm đáng kể, từ 66,99% năm 2006, xuống còn 42,41% năm 2010, bình quân giảm 4-6%/năm. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đều tăng: Tiểu học trên 96%, Trung học cơ sở trên 90%, Trung học phổ thông trên 94%. Đã hoàn thành việc xoá mù và phổ cập trung học cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, với địa bàn sinh sống có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, thiếu đất sản xuất; trình độ dân trí, trình độ phát triển của các dân tộc chưa đồng đều, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, vốn đầu tư thấp, cộng thêm những rủi ro về thiên tai, bệnh dịch thường xuyên xẩy ra... nên kinh tế khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, điều kiện của địa phương; cơ cấu kinh tế tuy có sự chuyển dịch, song còn chậm, sản xuất chủ yếu vẫn là thuần nông, năng suất, chất lượng, hiệu quả thấp. Kết cấu hạ tầng tuy có tăng cường, song so với nhu cầu vẫn còn thiếu và chưa đảm bảo phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân. Hiện nay toàn tỉnh vẫn còn 01 huyện nghèo (theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), còn 36 xã khu vực III và 26 xã khu vực II (94 thôn, bản đặc biệt khó khăn) thuộc diện phải đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn III.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số cũng như người kinh sinh sống lâu năm ở vùng miền núi, nhất là ở các xã, thôn (bản) vùng ĐBKK gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của tỉnh (điều tra năm 2013 tỷ lệ nghèo của cả tỉnh là 10,44%, cận nghèo 7,39 % trong đó hộ nghèo người DTTS là 16.712 hộ, chiếm 37,52% số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm 34,20% tổng số hộ DTTS toàn tỉnh), mức hưởng thụ văn hoá của đồng bào còn thấp, chất lượng giáo dục, y tế còn có mặt hạn chế.

Vì vậy, việc tiếp tục triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo Quyết định 755/TTg thay thế cho Quyết định 134/TTg trên địa bàn tỉnh Bắc Giang là rất cần thiết, nhằm tiếp tục hỗ trợ cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo người kinh ở xã, thôn, bản ĐBKK được hưởng chính sách; để từng bước cải thiện cuộc sống và giúp cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo vùng miền núi, dân tộc bền vững.

II. Những căn cứ để xây dựng Đề án

1. Các văn bản chỉ đạo của TW

- Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

[...]