Thông tư liên bộ 26-TT/LB năm 1981 hướng dẫn chính sách đầu tư xây dựng các vùng kinh tế lâm nghiệp theo Quyết định 95-CP do Bộ Lâm nghiệp - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước ban hành

Số hiệu 26-TT/LB
Ngày ban hành 17/07/1981
Ngày có hiệu lực 01/08/1981
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Bộ Lâm nghiệp,Bộ Tài chính,Ngân hàng Nhà nước,Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
Người ký Hồ Viết Thắng,Nguyễn Ly,Nguyễn Văn Chuẩn,Trần Văn Quế
Lĩnh vực Đầu tư,Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

BỘ LÂM NGHIỆP-BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 26-TT/LB

Hà Nội , ngày 17 tháng 7 năm 1981

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ LÂM NGHIỆP-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC-TÀI CHÍNH-NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC SỐ 26-TT/LB NGÀY 17/7/1981 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÁC VÙNG KINH TẾ LÂM NGHIỆP THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP NGÀY 27/3/1980 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
(In trong công báo 1980 - số 6-trang 119)

Thi hành quyết định số 95-CP ngày 27/3/1980 của Hội đồng Chính phủ về chính sách xây dựng vùng kinh tế mới, để vận dụng phù hợp với tình hình đặc điểm sản xuất kinh doanh lâm nghiệp và công tác định canh định cư. Liên Bộ Lâm nghiệp - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Tài chính - Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn công tác kế hoạch, quản lý cấp phát và thanh toán, quyết toán vốn đầu tư, vật tư, lương thực... cho xây dựng các vùng kinh tế lâm nghiệp, vùng định canh định cư như sau:

A. NGUYÊN TẮC ĐẦU TƯ

1. Đầu tư phải đồng bộ tập trung dứt điểm, trước hết là đâu tư chiều sâu để củng cố và phát huy hiệu quả kinh tế các cơ sở sản xuất đã có và đang xây dựng; đầu tư cho các vùng sản xuất tập trung chuyên canh: nguyên liệu giấy sợi, trụ mỏ, đặc sản, gỗ lớn xây dựng cơ bản và xuất khẩu theo hướng thâm canh trong trồng rừng và xây dựng cơ sở định canh định cư có chất lượng.

Việc cung cấp vốn và các yếu tố vật chất khác (lao động, vật tư, lương thực...) cho các đơn vị kinh tế lâm nghiệp phải cân đối, đồng bộ, đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch đã được duyệt sát với tiến độ sản xuất, xây dựng, bảo đảm tính thời vụ trong sản xuất lâm nghiệp (trồng rừng, khai thác) đồng thời phải quản lý chặt chẽ vốn đầu tư theo đúng quy hoạch, thiết kế, đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và định mức kinh tế kỹ thuật.

2. Chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất (liên hiệp lâm, công nghiệp, lâm trường, xí nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở định canh định cư...) và các công trình chung cho từng vùng kinh tế lâm nghiệp sau khi đã tiến hành điều tra khảo sát lập quy hoạch thiết kế, hoặc quy hoạch tổng thể được cấp có thẩm quyền xét duyệt và được ghi trong kế hoạch Nhà nước, kế hoạch ngân sách Nhà nước và kế hoạch tín dụng hàng năm.

Các đơn vị kinh tế lâm nghiệp đã có từ trước ngày ra thông tư liên bộ này, chưa có quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế được duyệt thì phải có phương hướng sản xuất lâu dài ít nhất 5 năm do Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp phê duyệt (đối với các đơn vị thuộc trung ương quản lý) hoặc chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phê duyệt (đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý). Sau hai năm kể từ khi cấp phát theo chế độ này phải có quy hoạch, nhiệm vụ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới tiếp tục được cấp phát và cho vay.

Đối với các công trình được phép vừa thiết kế vừa thi công (do cấp duyệt nhiệm vụ thiết kế quyết định) thì thi công hạng mục công trình nào phải có thiết kế dự toán hạng mục công trình đó, sau thời hạn từ sáu tháng đến một năm (tuỳ theo từng loại công trình) kể từ ngày khởi công phải có thiết kế, dự toán toàn bộ công trình, trường hợp đặc biệt nếu kéo dài quá thời hạn trên mà công trình cần phải cho tiếp tục thi công thì phải có văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản đầu tư xác định rõ thời hạn phải có đủ các tài liệu về thủ tục đầu tư theo quy định của Nhà nước, mới tiếp tục được cấp phát và cho vay.

3. Trách nhiệm của cơ quan chủ quản đầu tư (Bộ Lâm nghiệp, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố) phải xác định đúng đắn phương hướng sản xuất để có kế hoạch đầu tư phù hợp với từng vùng từng đơn vị sản xuất (liên hiệp lâm công nghiệp, lâm trường, xí nghiệp, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp, cơ sở định canh định cư...) và chịu trách nhiệm trước Hội đồng Bộ trưởng về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Các đơn vị được đầu tư phải có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền có chủ đầu tư theo quy định của Nhà nước. Chủ đầu tư phải có trách nhiệm sử dụng đất đai, tài nguyên, tiền vốn, vật tư, lương thực, theo đúng quy hoạch, kế hoạch, thiết kế, đúng chính sách, chế độ.

Riêng các cơ sở định canh định cư của đồng bào dân tộc ít người là vùng xa xôi hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn kinh tế chưa phát triển, trình độ quản lý còn thấp, thủ tục đầu tư tuy có châm chước nhưng cũng phải có các điều kiện sau đây:

- Có kế hoạch xây dựng cơ bản hàng năm được Nhà nước duyệt;

- Có dự toán công trình xây dựng cơ bản: dự toán chi sự nghiệp của cơ sở nhận vốn và có thông báo duyệt vốn của cơ quan chủ quản;

- Có tổ chức bộ máy quản lý vốn.

B. PHẠM VI ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ VÀ ÁP DỤNG PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ VỐN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP.

I. CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH VÀ TẬP THỂ DƯỚI ĐÂY ĐƯỢC ÁP DỤNG ĐẦY ĐỦ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP.

1. Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh.

Các liên hiệp lâm công nghiệp được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh: nguyên liệu giấy sợi, trụ mỏ, đặc sản, gỗ lớn xây dựng cơ bản và xuất khẩu; các lâm trường quốc doanh trung ương và địa phương khai thác và trồng rừng mới thành lập từ sau ngày có thông tư liên bộ này (dưới đây gọi tắt là vùng kinh tế lâm nghiệp).

2. Đối với các đơn vị kinh tế tập thể.

- Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp mới thành lập phải đưa dân từ nơi khác đến được Nhà nước giao đất giao rừng để quản lý kinh doanh xây dựng vùng kinh tế lâm nghiệp nhằm cung cấp sản phẩm cho Nhà nước (dưới đây gọi tắt là hợp tác xã, tập đoàn sản xuất mới thành lập trong vùng).

- Các cơ sở định canh định cư trong cả nước.

II. CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH VÀ TẬP THỂ DƯỚI ĐÂY ĐƯỢC VẬN DỤNG TỪNG PHẦN CỦA CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG VÙNG KINH TẾ MỚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 95-CP.

1. Đối với các đơn vị kinh tế quốc doanh:

Các lâm trường quốc doanh thành lập trước khi có thông tư liên bộ này, từ nay về sau nếu anh chị em công nhân viên đang làm việc đưa gia đình lên hoặc tuyển thêm người vào mà có đưa gia đình đi theo để xây dựng lâm trường, thì được áp dụng chính sách đối với người lao động và gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới theo các mục II, III, V của quyết định số 95-CP.

2. Đối với các đơn vị kinh tế tập thể:

a. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp đã có trong vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương được giao đất giao rừng để quản lý kinh doanh nhằm cung cấp sản phẩm cho Nhà nước, được ngân sách trung ương đầu tư hỗ trợ phần vốn trồng rừng, chăm sóc, tu bổ, cải tạo tái sinh rừng tự nhiên (dưới đây gọi tắ là hợp tác xã, tập đoàn sản xuất đã có trong vùng).

b. Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông, lâm nghiệp hiện đã có mà nằm ngoài vùng kinh tế lâm nghiệp trung ương, nếu được địa phương giao đất giao rừng để quản lý kinh doanh nhằm cung cấp nguyên liệu cho nhu cầu địa phương hoặc cho trung ương, được ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ như điểm a trên đây. Tuỳ theo khả năng tự có của ngân sách địa phương hàng năm mà vận dụng các tiêu chuẩn định mức, đơn giá do Bộ Lâm nghiệp hướng dẫn.

[...]