Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 65-HĐBT năm 1989 về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 65-HĐBT
Ngày ban hành 12/06/1989
Ngày có hiệu lực 27/06/1989
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65-HĐBT

Hà Nội, ngày 12 tháng 6 năm 1989

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC TỈNH MIỀN NÚI BIÊN GIỚI PHÍA BẮC

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương (khoá VI) nhằm đáp ứng kịp thời các yêu cầu của việc phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc trong tình hình mới, Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị giải quyết một số vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc (kể cả vùng hải đảo của tỉnh Quảng Ninh) như sau:

1. Về lương thực.

Các tỉnh miền núi cần tận lực phát triển sản xuất lương thực tại chỗ trên cơ sở tính toán kỹ hiệu quả, đồng thời thông qua trao đổi hàng hoá, kể cả xuất, nhập khẩu để có đủ lương thực. Giải quyết tốt các biện pháp tập trung thâm canh, tăng vụ trên các diện tích lúa và mầu hiện có, chú trọng đưa ngô xuống ruộng, phát triển diện tích mì, mạch, khoai tây vụ đông. Khuyến khích xây dựng ruộng bậc thang, nương định canh. Nghiêm cấm việc phá rừng làm nương, rẫy...

- Nhà nước miễn thuế nông nghiệp đối với các diện tích ruộng bậc thang, nương định canh ở vùng cao mới xây dựng và trên diện tích tăng vụ, hoặc sản xuất theo phương thức nông - lâm kết hợp.

Giá bán phân bón giao cho các tỉnh miền núi tại chân hàng cấp II ngang với giá giao tại Hà Nội; ngành vật tư nông nghiệp giải quyết theo phương pháp lấy gần bù xa.

Giá bán thuốc trừ sâu được giảm từ 20 đến 30% so với giá kinh doanh bình thường; trích quỹ dự trữ Nhà nước hàng năm về thuốc trừ sâu để bù cho khoản chênh lệch này.

2. Về chăn nuôi.

- Khuyến khích phát triển nuôi trâu, bò, dê, ngựa để sử dụng tại chỗ và bán cho các vùng khác. Phát triển việc nuôi cá; phổ biến áp dụng rộng rãi phương thức VAC.

- Khuyến khích lưu thông trâu, bò. Khôi phục và phát triển các chợ mua bán trâu , bò; cho phép mọi người đều được mua trâu, bò và các sản phẩm chăn nuôi đưa về bán ở miền xuôi.

- Khuyến khích xuất khẩu trâu, bò và các sản phẩm chăn nuôi qua biên giới Trung Quốc để đổi máy móc, tư liệu sản xuất hoặc hàng tiêu dùng thiết yếu.

3. Về cây công nghiệp, lâm nghiệp.

Rà soát lại quy hoạch, mở rộng diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây thuốc có giá trị ở vùng này. Chú trọng trồng và mở rộng rừng đầu nguồn, rừng gỗ trụ mỏ và gỗ nguyên liệu giấy, bảo vệ và chăm sóc rừng hiện có, nhất là rừng đầu nguồn.

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh trong quý III năm 1989 phải rà soát lại quy hoạch của các nông trường, lâm trường, có kế hoạch sử dụng một cách có hiệu quả diện tích đất và rừng được giao, giao lại các diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng không có hiệu quả cho địa phương để sản xuất - kinh doanh.

- Đình chỉ khai thác trong 15 năm rừng phòng hộ đầu nguồn. Bộ Lâm nghiệp quy hoạch ngay các vùng cụ thể để các địa phương thực hiện,

- Đối với các sản phẩm nông, lâm nghiệp dùng làm nguyên liệu (nguyên liệu giấy, chè v.v...) các đơn vị sản xuất (kể cả tư nhân) được quyền bán thẳng cho cơ sở chế biến theo giá thoả thuận, sau khi đã thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo luật định.

- Đối với diện tích cây công nghiệp dài ngày, rừng gia dụng, rừng đặc sản được miễn thuế nông nghiệp trong thời gian 3 năm kể từ năm đầu có thu hoạch sản phẩm.

- Để lại cho địa phương 100% tiền nuôi rừng để xây dựng vốn rừng.

- Tập trung vốn ngân sách đầu tư trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; đối với rừng nguyên liệu giấy và gỗ trụ mỏ thì dùng vốn tự có và vốn vay Ngân hàng với lãi suất ưu đãi để trồng.

- Ưu tiên dành phần lớn các chương trình viện trợ của các tổ chức quốc tế như PAM, FAO cho các tỉnh miền núi biên giới phát triển cây công nghiệp và trồng rừng.

4. Về công tác định canh, định cư.

Trước hết, tập trung củng cố các vùng đã hình thành cả về sản xuất và đời sống. Ngoài phần ngân sách cấp, được vay vốn Ngân hàng với lãi suất ưu đãi để thực hiện công tác định canh, định cư (bao gồm các điểm dân cư, giếng nước ăn, đường dân sinh, bệnh xá, trường học và một số hệ thống thuỷ lợi, hồ đập nhỏ, v.v...) Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể mức lãi suất này.

Miễn thu tiền nuôi rừng đối với số gỗ và lâm sản đồng bào định canh, định cư khai thác rừng tự nhiên để làm nhà, xây dựng trường học, bệnh xá. Bộ Lâm nghiệp cùng chính quyền địa phương quy định cụ thể quy trình khai thác và hướng dẫn khu vực khai thác nhằm bảo vệ được rừng.

5. Về sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.

Uỷ ban Nhân dân các tỉnh và các Bộ có liên quan khẩn trương sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, đổi mới từng phần thiết bị, đối với các xí nghiệp quốc doanh trên địa bàn, nhằm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng và hạ giá thành sản phẩm. Đối với xí nghiệp quốc doanh (kể cả trung ương và địa phương) bị thua lỗ kéo dài mà không có khả năng khắc phục, thì chuyển cho tập thể, tư nhân quản lý hoặc giải thể.

- Các tổ chức, cá nhân lên miền núi để phát triển tiểu thủ công nghiệp được Nhà nước miễn hoặc giảm thuế lợi tức trong một thời gian đối với một số ngành nghề được khuyến khích. Bộ Tài chính trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành các ngành nghề được miễn, giảm.

- Trong một số năm trước mắt, Nhà nước có thể xem xét miễn, giảm thu quốc doanh (hoặc thuế doanh thu) và thuế hàng hoá đối với một số sản phẩm như công cụ lao động, nước mắm, nước chấm, các sản phẩm chế biến từ mầu, các loại đường mật, bánh kẹo, nước giải khát, các hàng tiêu dùng bằng kim khí, sành sứ, gốm, thuỷ tinh, v.v...

[...]