ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 915/QĐ-UBND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 26 tháng 4 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÂY DỰNG THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH XỨ SỞ MAI VÀNG CỦA VIỆT
NAM”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày
10 tháng 12 năm 2019 của Bộ Chính trị về xây dựng
và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045;
Căn cứ Nghị định số 64/2010/NĐ-CP
ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về quản lý
cây xanh đô thị;
Căn cứ Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 04 tháng 6 năm 2018 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc
thực hiện Cuộc vận động toàn dân xây dựng Thừa Thiên Huế sáng - xanh - sạch,
không rác thải;
Căn cứ Quyết định số 139/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê
duyệt Đề án tổ chức Ngày Chủ nhật xanh “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm
Xanh - Sạch - Sáng”;
Căn cứ Quyết định số 2157/QĐ-UBND ngày 24 tháng 8 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê
duyệt Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh
Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Khoa học
và Công nghệ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở
thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” với các nội dung như sau:
I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ
ÁN
1. Mục tiêu chung
Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ
sở Mai vàng của Việt Nam, hướng đến mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành
thành phố di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và
thông minh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phát động phong trào "Mai vàng trước ngõ" nhằm khôi phục truyền thống trồng mai,
chơi mai cảnh của người dân, từ đó đưa phong trào "Mai vàng trước
ngõ" trở thành phong trào trọng điểm gắn với mô hình
"Huế - thành phố bốn mùa hoa", tạo điểm nhấn về
cảnh quan sinh thái nhân văn truyền thống của vùng đất Cố đô.
- Tổ chức các sự kiện (diễn đàn, hội
thảo, lễ hội Mai vàng,...) nhằm quảng bá hình ảnh Mai vàng xứ Huế, hướng đến việc
xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng Việt Nam.
- Tổ chức quy hoạch các khu vực trồng
Mai vàng phù hợp, trong đó:
+ Xây dựng ít nhất 5 rừng mai có quy
mô (diện tích, số lượng, địa điểm tổ chức sự kiện, du lịch, thưởng ngoạn,...)
trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa - du lịch
cho người dân và du khách khi đến Huế.
+ 100% huyện, thị xã và thành phố Huế
xây dựng các tuyến đường, vườn mai có quy mô phù hợp để tạo cảnh quan phục vụ
du lịch là điểm đến đặc sắc của địa phương.
+ 100% cơ quan, công sở trên địa bàn
tỉnh đảm bảo mỹ quan công sở, trong đó chú trọng đến việc bố trí trồng ít nhất
02 cây Mai vàng trong khuôn viên (đối với những đơn vị có điều kiện phù hợp).
+ Vận động, khuyến khích các tổ chức,
đơn vị Trung ương, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh xây dựng quy hoạch các
điểm, vườn mai phù hợp.
- Triển khai các nhiệm vụ khoa học và
công nghệ nhằm bảo tồn lưu giữ và phát triển giống cây Mai vàng Huế; xây dựng
quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, trị sâu bệnh,... cho Mai vàng Huế; xây dựng
thương hiệu Mai vàng Huế (Hoàng mai) dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận và hướng
đến chỉ dẫn địa lý khi đủ các điều kiện cơ sở khoa học về nguồn gốc xuất xứ và
giá trị thương hiệu được khẳng định.
- Hình thành các điểm sản xuất giống
Mai vàng Huế đáp ứng nhu cầu trồng mai ở địa phương hướng đến thương mại hóa sản
phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.
- Nghiên cứu thành lập Hội Mai vàng
Huế để quản lý và phát triển nhãn hiệu, phát huy giá trị kinh tế - xã hội của
Mai vàng Huế.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI
PHÁP
1. Công tác thông tin, tuyên truyền
- Thực hiện công tác tuyên truyền, quảng
bá phong trào “Mai vàng trước ngõ” và Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành
xứ sở Mai vàng của Việt Nam” một cách thường xuyên, liên tục tại các cơ quan,
công sở, địa phương,... trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường quảng bá trên các phương
tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh; tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội
như Fanpage, Instagram, Zalo,...
- Các cơ quan, đoàn thể, chính quyền
các cấp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động về triển khai thực hiện hiệu
quả phong trào “Mai vàng trước ngõ”; tuyên truyền vận động đến tận người dân với
phương châm “người người trồng mai, nhà nhà trồng mai”. Đưa phong trào “Mai
vàng trước ngõ” trở thành phong trào trọng điểm để quảng
bá cho xứ sở Mai vàng của Việt Nam.
- Hằng năm, tổ chức các diễn đàn, hội
thảo khoa học liên quan nhằm xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt
Nam. Tổ chức Lễ hội Mai vàng Huế, tổ chức Hội thảo khoa học: Xây dựng Huế trở
thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam.
- Xây dựng cuốn sách “Huế - Xứ sở Mai
vàng của Việt Nam”.
- Xây dựng, in ấn các ấn phẩm, cẩm
nang, tờ rơi, in ấn pano, bảng hiệu quảng bá trong những sự kiện, ngày lễ... lớn
của tỉnh, đất nước.
2. Quy hoạch các khu vực trồng Mai
vàng phù hợp
a) Quy hoạch, xây dựng các rừng mai
trọng điểm
Các sở, ban, ngành, đơn vị, địa
phương rà soát, nghiên cứu để quy hoạch xây dựng một số vườn mai, rừng mai trọng
điểm nhằm tạo điểm nhấn cho xứ sở Mai vàng của Việt Nam. Các điểm dự kiến quy
hoạch đáp ứng các điều kiện sau:
- Diện tích: Tối thiểu 5ha (bao gồm cả
vùng lõi để phục vụ cho việc tham quan, du lịch và tổ chức các sự kiện).
- Vùng quy hoạch phải đáp ứng được
các điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu, các điều kiện sinh trưởng khác để phát
triển vườn mai, rừng mai; là nơi có cảnh quan phù hợp để thu hút người dân và du
khách đến tham quan, du lịch; tổ chức các hoạt động dã ngoại và các dịch vụ du
lịch, giải trí khác.
- Lựa chọn giống gốc của Mai vàng Huế
để trồng tại các điểm quy hoạch; phát triển nhanh, bền vững các rừng mai dự kiến
quy hoạch bằng việc vận động, xã hội hóa để có được những cây mai có độ tuổi
phù hợp.
- Các địa điểm dự kiến: (i) Khu vực đồi
Vọng Cảnh, phường Thủy Biều, thành phố Huế; (ii) Khu vực
Núi Ngự Bình - Núi Bân - Núi Tam Thai, thành phố Huế; (iii) Khu vực hồ Thủy
Tiên, đồi Thiên An, thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy; (iv) Khu vực Thiền
viện Trúc Lâm Bạch Mã, xã Lộc Hòa,
huyện Phú Lộc; (v) Khu vực Bàu Co, thôn Đông Lâm, xã Phong An, huyện Phong Điền;
(vi) Khu vực Ao cá Bác Hồ, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà.
b) Tại các địa điểm di tích, đền chùa,
khu du lịch văn hóa, khu vực cảnh quan tự nhiên đặc trưng
- Thực hiện việc trồng Mai vàng quanh
khu vực di tích và bên trong khuôn viên di tích nhằm tôn thêm giá trị cảnh quan
của khu vực. Đặc biệt, nghiên cứu khu vực Hoàng Thành để trồng trên các tuyến
đường, khu vườn mai phù hợp với không gian cảnh quan xung quanh, đồng thời gắn
với không gian tổ chức lễ hội Mai vàng hằng năm.
- Hình thành vườn mai trên khu vực Eo
Bầu.
- Nghiên cứu triển khai trồng Mai
vàng kết hợp các loài hoa khác phù hợp dọc tuyến đường Tam Thai kết nối đến khu
Di tích chứng tích lịch sử Chín Hầm, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (Đền thờ Huyền Trân), Học viện Phật giáo Việt Nam
tại Huế. Quy hoạch khu vực Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, Học viện Phật giáo Việt
Nam tại Huế trở thành khu lâm viên trong đó chú trọng đến không gian trồng rừng
mai, vườn Mai vàng Huế.
- Quy hoạch các khu vực cho các cơ sở
trồng Mai vàng, mai cảnh vừa triển lãm vừa tạo cảnh quan nghệ thuật tại các khu
vực phù hợp, ưu tiên các điểm công cộng, công viên trong thành phố Huế.
c) Tại các huyện, thị xã, thành phố
Huế
- UBND các huyện, thị xã thành phố Huế
chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức quy hoạch, triển khai
xây dựng các tuyến đường, vườn mai, rừng mai theo các nội dung ở mục a, b nêu
trên.
- UBND thành phố Huế: Tiếp tục đầu tư
phát triển vườn Mai vàng trước Đại Nội và công viên trên đường Lê Duẩn theo quy
hoạch. Nghiên cứu trồng cây Mai vàng trên các tuyến đường, của ngõ ra vào thành
phố, công viên công cộng,... đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của thành phố,
trong đó tập trung ưu tiên vào các vị trí sau:
+ Cửa ngõ phía Bắc: Khu vực công viên
phường An Hòa.
+ Cửa ngõ phía Nam: Khu vực cầu vượt
Thủy Dương.
+ Các tuyến đường hai bên bờ sông
Hương; các tuyến đường xung quanh Đại Nội; đường Lê Duẩn, Lý Thường Kiệt, dải
phân cách đường Tố Hữu,...
+ Nghiên cứu quy hoạch mỗi phường một
vườn mai, trước mắt tập trung ưu tiên các phường có quỹ đất rộng, có nhiều điểm
du lịch như Vỹ Dạ, Kim Long, Thủy Biều, Thủy Xuân.
+ Các cơ quan, đơn vị nhà nước, trường
học, nhà văn hóa cộng đồng,...
+ Đặc biệt, song song với kế hoạch di
dân khu vực Đại Nội, cần xây dựng quy hoạch các tuyến đường, vườn mai, vùng trồng
mai trong kế hoạch chỉnh trang đô thị ở khu vực này.
- UBND các huyện, thị xã: Tập trung
quy hoạch mỗi địa phương ít nhất 2-3 điểm trồng Mai vàng, 01 làng mai: (i) tuyến
đường trung tâm; (ii) các công viên, nhà văn hóa cộng đồng; (iii) các điểm di
tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc trưng của địa phương. Trong đó các địa
phương cần tập trung quy hoạch ở một số vị trí ưu tiên sau:
+ Thị xã Hương Trà: Khu vực vòng xoay
đường tránh Huế.
+ Thị xã Hương Thủy: Khu vực sân bay
quốc tế Phú Bài, khu công nghiệp; xây dựng làng Mai vàng ở Cầu Ngói Thanh Toàn.
+ Huyện Phong Điền: Khu vực cửa ngõ
vào địa bàn tỉnh - Cầu Phò Trạch; làng cổ Phước Tích, nước nóng Thanh Tân; quy
hoạch và phát triển làng nghề truyền thống trồng Mai vàng Thế Chí Tây, xã Điền
Hòa.
+ Huyện Phú Lộc: Nhà lưu niệm Đại tướng
Lê Đức Anh; Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã, các điểm du lịch trên địa bàn.
+ Huyện Quảng Điền: Công viên, Nhà
Lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu.
+ Huyện Phú Vang: Nhà Lưu niệm Bác Hồ
ở làng Dương Nỗ, xã Phú Dương; khu vực về bãi biển Thuận An.
+ Huyện Nam Đông, A Lưới: Khu vực cửa
ngõ ra vào địa phận quản lý của tuyến đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc La Sơn -
Túy Loan.
d) Các điểm khác
- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng quy hoạch phù hợp các vườn mai, rừng mai trong Đề án hưởng ứng
trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng
Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các sở, ban,
ngành và địa phương liên quan làm việc với các tổ chức, đơn vị Trung ương đóng
trên địa bàn để thỏa thuận, hợp tác xây dựng quy hoạch các điểm, vườn mai tại
các đơn vị, tổ chức này, như: Đại học Huế (các đơn vị Trường thành viên), Cảng
Hàng không Quốc tế Phú Bài, Ga Huế, Vườn Quốc gia Bạch Mã, các doanh nghiệp lớn
trên địa bàn tỉnh.
- Tặng Mai vàng cho các tỉnh, thành
phố lớn (trước mắt ưu tiên các địa phương kết nghĩa với tỉnh Thừa Thiên Huế) trồng
ở các khu trung tâm để tạo điểm nhấn của Mai vàng Việt Nam, đặc biệt là tạo sự
lan tỏa cho phong trào “Mai vàng trước ngõ” của tỉnh Thừa Thiên Huế.
3. Nghiên cứu bảo tồn và phát triển
Mai vàng Huế
a) Triển khai các nhiệm vụ khoa học và
công nghệ
Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ
trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đặt hàng
các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trước mắt tập trung vào các nhiệm vụ sau:
- Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống
Mai vàng Huế
Dự kiến kết quả của nhiệm vụ: (i) xác
định được đặc điểm về giống và loài của Mai vàng hiện có trên địa bàn tỉnh Thừa
Thiên Huế; (ii) xác định số lượng các nguồn giống Mai vàng Huế trên địa bàn tỉnh
có tuổi đời 50-100 năm và trên 100 năm tuổi để lựa chọn các cây đầu dòng giống
Mai vàng Huế nhằm đánh giá để chọn nguồn nhân giống; (iii) xác định bộ chỉ thị
phân tử để xác định xuất xứ của giống Mai vàng Huế từ đó
công bố chỉ thị phân tử trong bộ ngân hàng gen đặc hữu tại Huế làm cơ sở để bảo
tồn nguồn gen và luận cứ khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Mai vàng Huế;
(iv) Xây dựng được các quy trình nhân giống Mai vàng xứ Huế.
- Nghiên cứu xây dựng quy trình trồng, chăm sóc và các giải pháp phòng ngừa sâu bệnh cho Mai vàng Huế
Dự kiến kết quả của nhiệm vụ: (i) đề
xuất được quy trình trồng, chăm sóc điều khiển Mai vàng Huế nở hoa vào dịp Tết
Nguyên đán hằng năm; (ii) nghiên cứu đánh giá các loại sâu bệnh hại và đề xuất
giải pháp phòng và điều trị sâu bệnh hại cho cây Mai vàng Huế.
- Xác lập, quản lý và phát triển nhãn
hiệu chứng nhận “Mai vàng Huế” gắn với mục tiêu xây dựng Huế trở thành xứ sở
Mai vàng của Việt Nam
Dự kiến kết quả của nhiệm vụ: (i)
nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm “Mai vàng Huế” được bảo hộ; (ii) đề xuất phương
án tổ chức phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm “Mai vàng Huế”; (iii)
nhãn hiệu chứng nhận được quảng bá đến các địa phương trong nước và nước ngoài
nhằm phát huy danh tiếng của đặc sản Huế, nâng cao đời sống của người dân vùng
sản xuất kinh - doanh đặc sản và phát huy giá trị văn hóa Huế.
b) Hình thành các điểm sản xuất giống
Mai vàng Huế
- Giao Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố
đô Huế, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế và Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên
lâm nghiệp Tiền Phong, UBND huyện Phong Điền triển khai các hoạt động nhân giống
và cung cấp giống Mai vàng Huế.
- Trước mắt khi chưa hoàn thiện quy
trình sản xuất giống bằng các hình thức giâm hom/lấy hạt, giao các đơn vị sản
xuất thử nghiệm bằng phương pháp hạt
ngay trong năm 2021 nhằm đảm bảo số
lượng cây Mai vàng như sau:
+ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
sản xuất 10.000 cây.
+ UBND huyện Phong Điền chỉ đạo UBND
xã Điền Hòa sản xuất 10.000 cây.
+ Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên
lâm nghiệp Tiền Phong sản xuất 10.000 cây.
- UBND huyện Phong Điền, Công ty TNHH
Nhà nước 1 Thành viên lâm nghiệp Tiền Phong và Trung tâm Công viên cây xanh Huế
xây dựng vườn ươm giống thương mại phục vụ hoạt động sản xuất trồng Mai vàng
cung ứng cho thị trường.
4. Xây dựng các thiết chế quảng bá
hình ảnh và phát huy giá trị thương hiệu xứ sở Mai vàng của Việt Nam
- Xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển
khai Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam”. Các
sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai thực hiện Đề án; huy động toàn
thể lực lượng, người dân tham gia phong trào “Mai vàng trước ngõ”.
- Tổ chức quảng bá đề án, đặc biệt là
phong trào “Mai vàng trước ngõ” trên các phương tiện thông tin đại chúng: Xây dựng
các chuyên đề, chuyên mục trên đài truyền hình, báo chí và các phương tiện
khác.
- Triển khai các giải pháp phát triển
thương hiệu Mai vàng Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của Huế - Việt Nam.
- Đưa Mai vàng Huế vào danh mục sản
phẩm chủ lực của tỉnh; xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm Mai vàng Huế, trong
đó khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ sở, câu lạc bộ... phát triển Mai vàng
Huế trở thành sản phẩm thương mại có giá trị cao.
- Lồng ghép các nội dung phù hợp của
Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” vào đề án
Hưởng ứng trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ
trên địa bàn tỉnh.
- Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Sinh vật
cảnh tỉnh và các đơn vị liên quan xúc tiến thành lập Hội Mai vàng Huế bao gồm
các chi hội, câu lạc bộ Mai vàng Huế và các doanh nghiệp, cá nhân, nghệ nhân
sinh vật cảnh sản xuất - kinh doanh Mai vàng Huế.... Hội Mai vàng Huế là chủ
thể thực hiện các hoạt động sau đây:
+ Quy tụ nghệ nhân, những người yêu
thích cây Mai vàng trên toàn tỉnh, nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các giải
pháp phát triển Mai vàng Huế.
+ Được giao làm chủ sở hữu nhãn hiệu
Mai vàng Huế, nhằm quản lý các cơ sở Mai vàng Huế đúng chuẩn được sử dụng
thương hiệu, đồng thời bảo vệ quyền khai thác, sử dụng quyền sở hữu trí tuệ -
thương hiệu Mai vàng Huế.
+ Tổ chức các cuộc thi, triển lãm nghệ
thuật bonsai Mai vàng Huế; tổ chức các lễ hội Mai vàng Huế hằng năm vào dịp Tết
Nguyên đán.
- Triển khai các giải pháp khuyến
khích phát triển kinh tế sinh vật cảnh thông qua phát triển thương hiệu Mai
vàng Huế, hỗ trợ các cơ sở trồng, kinh doanh mai bonsai, mai cảnh Huế, xây dựng
các thiết chế phát huy giá trị thương hiệu Mai vàng Huế gắn với xứ sở Mai vàng
của Việt Nam.
III. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
1. Nguồn ngân sách nhà nước
- Hằng năm, căn cứ khả năng cân đối
ngân sách của địa phương, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn sự
nghiệp trong dự toán ngân sách hằng năm của tỉnh hỗ trợ có mục tiêu cho ngân
sách cấp huyện, cho các sở, ban, ngành để thực hiện hỗ trợ thực hiện Đề án “Xây
dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” với nội dung thực hiện
phù hợp.
- Sử dụng nguồn sự nghiệp khoa học và
công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng, quảng bá và
phát triển thương hiệu Mai vàng Huế; các hội thảo, diễn đàn...
- Nguồn vốn lồng ghép triển khai các
chương trình, đề án có liên quan, như: Đề án hưởng ứng trồng một tỷ cây xanh
giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh; chương trình
phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; chương
trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đề án Tổ chức
Ngày Chủ nhật xanh; đề án “Khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen tỉnh Thừa Thiên
Huế giai đoạn 2021-2025; đề án thành phố bốn mùa hoa... và các chương trình, đề
án phù hợp khác của các ngành, địa phương.
2. Nguồn kinh phí tài trợ, xã hội
hóa hợp pháp
Đây là nguồn kinh phí chủ yếu để thực
hiện Đề án trên, vì vậy các cấp chính quyền, đoàn thể, các sở, ban, ngành càn
tăng cường vận động, kêu gọi hỗ trợ đầu tư khi triển khai các nội dung của Đề
án.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. UBND các cấp
- UBND tỉnh cử đồng chí Phó Chủ tịch
UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo triển khai Đề án trên địa bàn toàn tỉnh.
- UBND các huyện, thị xã và thành phố
Huế cử 01 đồng chí lãnh đạo để chỉ đạo triển khai Đề án và phát động phong trào “Mai vàng trước ngõ”; nghiên cứu quy hoạch các đường mai, vườn mai, rừng mai phù hợp với quy hoạch phát
triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- UBND thành phố Huế xây dựng kế hoạch
thực hiện phong trào “Mai vàng trước ngõ” gắn với mô hình “Huế - thành phố bốn
mùa hoa” với mục tiêu hình thành thành phố bốn mùa hoa; chọn một số tuyến đường
điểm để làm đường hoa bốn mùa; trong đó ưu tiên các vị trí phù hợp tạo điểm nhấn
để trồng Mai vàng Huế. Chỉ đạo Trung tâm Công viên Cây
xanh Huế tiến hành nhân giống, trở thành điểm cung cấp nguồn giống Mai vàng Huế
trên địa bàn thành phố Huế.
- UBND huyện Phong Điền chỉ đạo UBND
xã Điền Hòa nghiên cứu, hình thành cơ sở ươm giống, nhân giống Mai vàng.
2. Các sở, ban, ngành liên quan
a) Sở Khoa học và Công nghệ
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành, địa phương tổ chức triển khai Đề án; xây dựng kế hoạch thực hiện trong từng
giai đoạn; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, tổng hợp báo cáo, sơ kết, tổng
kết việc thực hiện Đề án; đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung một số nội dung
Đề án nếu cần thiết;
- Trực tiếp chủ trì thực hiện các nội
dung được giao tại Đề án. Lồng ghép các nhiệm vụ của Đề án vào các chương trình hỗ trợ phát triển khoa học và công nghệ nhằm đáp ứng mục tiêu bảo tồn,
phát triển Mai vàng Huế.
- Rà soát, bổ sung đưa Mai vàng Huế
vào danh mục sản phẩm chủ lực của tỉnh; phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng
chuỗi giá trị cho sản phẩm Mai vàng Huế; tổ chức đoàn tham quan học tập các mô
hình tương tự nhằm triển khai các nội dung của Đề án một cách hiệu quả nhất.
b) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành liên quan đưa nội dung thực hiện Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành
xứ sở Mai vàng của Việt Nam” vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm
của tỉnh.
- Cân đối nguồn lực, bố trí ngân sách
để thực hiện các hoạt động thuộc Đề án, lồng ghép các mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa
Thiên Huế theo hướng đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện
với môi trường” với các chương trình khác nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh.
c) Sở Tài chính
Hằng năm cân đối ngân sách trình cấp
có thẩm quyền phê duyệt cho các hoạt động theo nội dung Đề án, đồng thời thực hiện công tác kiểm tra,
giám sát việc sử dụng kinh phí theo đúng Luật Ngân sách và các văn bản hướng dẫn
thực hiện Luật Ngân sách.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
- Chủ trì tổ chức và theo dõi hoạt động
trồng hoa và cây xanh, xã hội hóa công tác trồng cây phù hợp với quy hoạch của
tỉnh, địa phương.
- Lồng ghép các nội dung phù hợp của
Đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” vào đề án
Hưởng ứng trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ
trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Trung tâm Công viên
Cây xanh Huế có kế hoạch trồng, chăm sóc cây xanh, bồn hoa thảm cỏ thuộc phạm
vi, chức năng quản lý của ngành.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối
hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức trồng và chăm sóc Mai vàng ở khu dân
cư không thuộc phạm vi quản lý của đơn vị nhằm xanh hóa đô thị và nâng tỷ lệ phủ
xanh.
- Triển khai các giải pháp khuyến
khích phát triển kinh tế sinh vật cảnh thông qua phát triển thương hiệu Mai
vàng Huế, hỗ trợ các cơ sở trồng, kinh doanh mai bonsai, mai cảnh Huế, xây dựng
các thiết chế phát huy giá trị thương hiệu Mai vàng Huế gắn với xứ sở Mai vàng
của Việt Nam.
đ) Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì phối hợp với cơ quan thông tấn
báo chí quảng bá đề án, đặc biệt là phong trào “Mai vàng trước ngõ” trên các
phương tiện thông tin đại chúng.
e) Sở Du lịch
- Tăng cường quảng bá giới thiệu các
điểm, tuyến và vườn Mai vàng Huế đến du khách.
- Triển khai các giải pháp phát triển
thương hiệu Mai vàng Huế hướng đến xây dựng Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt
Nam.
- Chỉ đạo các đơn vị quản lý lưu trú,
lữ hành, đơn vị tổ chức lễ hội, đơn vị quản lý các khu di tích thực hiện trồng
hoa và cây xanh, nhất là Mai vàng Huế.
g) Sở Văn hóa và Thể thao
- Lồng ghép các nội dung của Đề án
“Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam” vào các đề án,
chương trình phù hợp của ngành để bảo tồn, phát huy, quảng bá nét văn hóa đặc
trưng của Huế.
- Chỉ đạo các đơn vị liên quan triển
khai các nội dung của Đề án.
- Nghiên cứu quy hoạch, xây dựng các
đường mai, vườn mai, rừng mai tại các điểm di tích, khu văn hóa, cảnh quan tự nhiên do ngành quản lý phù hợp với quy hoạch phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh.
h) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố
đô Huế
- Tăng cường trồng cây, hoa và đầu tư
hệ thống chiếu sáng các di tích nhằm phát huy giá trị các di tích, góp phần làm
cho Huế xanh - sạch - sáng hơn.
- Nghiên cứu, bảo tồn một số loài hoa
và cây có giá trị lịch sử để ươm tạo và nhân rộng ở một số điểm di tích cũng
như những khu cảnh quan khác như Sen trắng, Ngô đồng...
- Chủ trì thực hiện các nội dung quy
hoạch các điểm, vườn mai tại các điểm di tích thuộc phạm vi quản lý.
i) Các đơn vị dịch vụ công ích, doanh
nghiệp
- Trung tâm Công viên Cây xanh Huế
xây dựng phương án tạo vườn ươm nhân giống Mai vàng Huế, triển khai các dự án
trồng Mai vàng theo bố trí của UBND thành phố Huế.
- Công ty TNHH Nhà nước 1 Thành viên lâm
nghiệp Tiền Phong triển khai các giải pháp nhân giống xây dựng vườn
ươm giống Mai vàng đảm bảo đủ cung cấp 10.000 cây giống/năm.
k) Các cơ quan thông tấn, báo chí
- Các cơ quan thông tấn, báo chí của
địa phương, Trung ương kịp thời đưa tin, đăng bài về các hoạt động triển khai,
tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng phong trào “Mai vàng trước ngõ” và các nội
dung thuộc đề án “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở Mai vàng của Việt
Nam”.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh,
Báo Thừa Thiên Huế,... đưa tin kịp thời các cá nhân, đơn vị điển hình đã có những
thành tích đóng góp cho phong trào “Mai vàng trước ngõ” và các nội dung của Đề
án; thường xuyên xây dựng các chuyên đề tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của
việc xây dựng “Huế - thành phố bốn
mùa hoa”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các cơ
quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trên địa
bàn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; Thủ trưởng các cơ
quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- VP: LĐ và các CV;
- Lưu: VT, NN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Phan Ngọc Thọ
|