Quyết định 90/2003/QĐ-BBCVT ban hành "Quy định về việc phát hành tem bưu chính kỷ niệm" do Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông ban hành
Số hiệu | 90/2003/QĐ-BBCVT |
Ngày ban hành | 15/05/2003 |
Ngày có hiệu lực | 30/05/2003 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Bộ Bưu chính, Viễn thông |
Người ký | Trần Ngọc Bình |
Lĩnh vực | Lĩnh vực khác |
BỘ BƯU CHÍNH-VIỄN THÔNG |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/2003/QĐ-BBCVT |
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2003 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHỈNH VIỄN THÔNG SỐ 90/2003/QĐ-BBCVT NGÀY 15 THÁNG 5 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÁT HÀNH TEM BƯU CHÍNH KỶ NIỆM"
BỘ TRƯỞNG BỘ BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002,
Căn cứ Nghị định số 90/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Bưu chính Viễn thông,
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Bưu chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản "Quy định về việc phát hành tem bưu chính kỷ niệm".
Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng Vụ Bưu chính, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục trưởng các Cục Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin khu vực và thủ trưởng các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
Trần Ngọc Bình (Đã ký) |
QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÁT HÀNH TEM BƯU CHÍNH KỶ NIỆM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 90/2003/QĐ-BBCVT, ngày 15 tháng 5 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích và ý nghĩa
1. Quy định này ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc quy hoạch, xây dựng chương trình đề tài phát hành tem bưu chính kỷ niệm, ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm (dưới đây gọi là tem kỷ niệm); hướng dẫn tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất đề tài phát hành tem kỷ niệm; tạo điều kiện chủ động Bưu chính Việt Nam trong các hoạt động liên quan đến tem bưu chính; đồng thời phục vụ người sử dụng, người sưu tập tem bưu chính.
Việc ban hành bản quy định này cũng nhằm mục đích thống nhất quản lý công tác phát hành tem bưu chính, nâng cao chất lượng và giá trị tem bưu chính Việt Nam thông qua việc đa dạng hóa nội dung thể hiện và thể loại đề tài tem kỷ niệm phát hành hàng năm.
2. Bộ Bưu chính Viễn thông thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến việc quy hoạch, xây dựng chương trình đề tài tem kỷ niệm thông qua việc quản lý các nội dung cụ thể sau:
- Đề tài phát hành tem kỷ niệm;
- Thời điểm phát hành tem kỷ niệm;
- Tần suất phát hành tem kỷ niệm; Thủ tục đề xuất phát hành tem kỷ niệm; Trách nhiệm xây dựng, quyết định chương trình đề tài tem.
Mọi tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan phải tuân thủ các quy định nêu trong văn bản này.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
Trong bản quy định này, một số thuật ngữ sử dụng được hiểu như sau:
1. Tem bưu chính kỷ niệm: là tem bưu chính có nội dung gắn với một sự kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội hoặc với một nhân vật được phát hành nhân ngày kỷ niệm hoặc nhân dịp sự kiện có liên quan.
2. Ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm: là ấn phẩm tem bưu chính có nội dung gắn với một sự kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội hoặc một nhân vật được phát hành nhân ngày kỷ niệm hoặc nhân dịp sự kiện có liên quan. Ấn phẩm tem bưu chính kỷ niệm được quy định trong văn bản này gồm: thư nhẹ máy bay (Aerogramme), phong bì in sẵn tem, bưu ảnh in sẵn tem.
3. Đề tài tem kỷ niệm: là chủ đề về sự kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội và nhân vật được lựa chọn để phát hành tem kỷ niệm.
Chương 2:
ĐỀ TÀI PHÁT HÀNH TEM KỶ NIỆM
Điều 3. Quy định chung về đề tài tem kỷ niệm.
Đề tài tem kỷ niệm phát hành phải đề cập đến hoặc có liên quan đến các vấn đề sau:
- Nhân vật, sự kiện về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội Việt Nam;
- Nhân vật, sự kiện về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội nước ngoài có liên quan hoặc có ảnh hưởng đến Việt Nam; Nhân vật, sự kiện về lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội thế giới có ý nghĩa to lớn đối với nhân loại.
Điều 4. Đề tài về sự kiện lịch sử trong nước
Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện lịch sử trong nước phải phản ánh được:
- Sự kiện lịch sử trọng đại, có ý nghĩa to lớn trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam;
- Sự kiện lịch sử tiêu biểu, nổi bật của từng thời kỳ, là những mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển của đất nước;
- Sự kiện lịch sử tiêu biểu, có ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới.
Điều 5. Đề tài về sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội trong nước
Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội trong nước phải phản ánh được:
- Chủ trương, đường lối, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, chương trình quốc gia lớn trong từng thời kỳ phát triển của đất nước;
- Sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội tiêu biểu, có ý nghĩa và có ảnh hưởng lớn trong từng thời ký phát triển của đất nước;
- Truyền thống văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam;
- Tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, ý chí của nhân dân Việt Nam.
Điều 6. Đề tài về nhân vật trong nước
Đề tài tem kỷ niệm về nhân vật trong nước phải giới thiệu được:
- Nhân vật tiêu biểu có những đóng góp to lớn cho đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội;
- Nhà cách mạng, chí sĩ yêu nước, anh hùng tiêu biểu trong từng thời kỳ phát triển của đất nước;
- Nhà khoa học, nhà văn hóa tiêu biểu, có những đóng góp to lớn cho nền khoa học, nền văn hóa của Việt Nam và thế giới.
Điều 7. Đề tài về sự kiện lịch sử thế giới
Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện lịch sử thế giới phải phản ánh được:
- Sự kiện lịch sử tiêu biểu trên thế giới có ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu;
- Sự kiện lịch sử tiêu biểu trên thế giới có ý nghĩa to lớn, đánh dấu các mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của nhân loại.
Điều 8. Đề tài về sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội thế giới
Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội thế giới phải phản ánh được:
- Sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội thế giới có ý nghĩa to lớn, có quy mô toàn cầu, là những mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển của nhân loại;
- Sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội thế giới có ảnh hưởng lớn hoặc có liên quan nhiều đến Việt Nam.
Điều 9. Đề tài về nhân vật thế giới
Đề tài tem kỷ niệm về nhân vật thế giới phải giới thiệu được:
- Nhà tư tưởng lớn, nhân vật tiêu biểu cho xu hướng tiến bộ trong từng thời kỳ phát triển của nhân loại;
- Nhân vật tiêu biểu của các phong trào giải phóng dân tộc, tiến bộ xã hội, hòa bình thế giới;
- Nhà khoa học, nhà văn hóa tiêu biểu có những đóng góp to lớn cho nền khoa học, nền văn hóa tiên tiến của nhân loại.
Chương 3:
THỜI ĐIỂM VÀ TẦN SUẤT PHÁT HÀNH TEM KỶ NIỆM
Điều 10. Thời điểm và tần suất phát hành
1. Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện lịch sử trong và ngoài nước được phát hành vào dịp lễ kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống của sự kiện đó ở mốc thời gian là bội số của 50.
2. Đề tài tem kỷ niệm về sự kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội trong và ngoài nước được phát hành trước thời điểm xảy ra sự kiện hoặc vào dịp xảy ra sự kiện hoặc vào các dịp kỷ niệm sự kiện đó ở mốc thời gian là bội số của 50.
3. Đề tài tem kỷ niệm về nhân vật trong và ngoài nước được phát hành vào dịp lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất hoặc nhân dịp sự kiện có liên quan ở mốc thời gian là bội số của 50.
Điều 11. Thời điểm và tần suất phát hành khác
Bộ Bưu chính Viễn thông quyết định việc phát hành tem kỷ niệm về Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về nhân vật, sự kiện lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội trong và ngoài nước có tầm quan trọng đặc biệt vời tần suất phát hành khác với quy định nêu tại Điều 10 của Quy định này.
Chương 4:
THỦ TỤC ĐỀ XUẤT PHÁT HÀNH TEM KỶ NIỆM
Điều 12. Đối với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước
1. Bộ Bưu chính Viễn thông khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đề xuất đề tài phát hành tem kỷ niệm của Việt Nam.
2. Việc đề xuất đề tài phát hành tem kỷ niệm phải được thể hiện bằng văn bản. Văn bản đề xuất đề tài tem kỷ niệm cần nêu rõ tên đề tài, số lượng mẫu tem, ngày phát hành, mục đích, ý nghĩa phát hành, tóm tắt nội dung đề tài và các đề xuất liên quan khác. Đồng thời, tổ chức, cá nhân đề xuất cần gửi các tư liệu chính liên quan đến đề tài.
3. Văn bản đề xuất đề tài tem kỷ niệm phải là lãnh đạo hoặc người được ủy quyền của Bộ, ban, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố hoặc tổ chức ký và đóng dấu hợp lệ (nếu là cơ quan hoặc tổ chức); ghi rõ họ tên và địa chỉ (nếu là cá nhân).
4. Đề xuất đề tài tem kỷ niệm phải được gửi đến Bộ Bưu chính Viễn thông hoặc Bưu chính Việt Nam trước 15 tháng tính đến ngày dự kiến phát hành đề tài tem đề xuất. Trong trường hợp đặc biệt, thời hạn gửi các đề xuất tối thiểu không dưới 12 tháng.
Điều 13. Trách nhiệm xây dựng, quyết định chương trình đề tài tem
1. Chương trình đề tài phát hành tem kỷ niệm bao gồm tên đề tài, số lượng mẫu tem phát hành và thời điểm phát hành đối với mỗi đề tài.
2. Hàng năm, trên cơ sở định hướng của Bộ Bưu chính Viễn thông và đề xuất của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước, Bưu chính Việt Nam nghiên cứu, đề xuất và xây dựng chương trình đề tài tem kỷ niệm, để trình Bộ Bưu chính Viễn thông.
3. Bộ Bưu chính Viễn thông quyết định chương trình đề tài tem kỷ niệm hàng năm trên cơ sở đề nghị của Bưu chính Việt Nam và đề xuất của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước.
Chương 5:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Tổ chức thực hiện
1. Trên cơ sở Quy định này, Bưu chính Viễn thông Việt Nam tổ chức thực hiện, ban hành quy trình và các văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện
2. Tổ chức, cá nhân đề xuất đề tài phát hành tem kỷ niệm theo các quy định tại Điều 12 của Quy định này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề nảy sinh, các tổ chức và cá nhân phản ánh để Bộ Bưu chính Viễn thông xem xét giải quyết.