Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2011 về phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 899/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/06/2011
Ngày có hiệu lực 10/06/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 899/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG BỨC XẠ TRONG KHÍ TƯỢNG, THỦY VĂN, ĐỊA CHẤT, KHOÁNG SẢN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

2. Phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường được thực hiện đồng bộ về công nghệ, trang thiết bị, nguồn nhân lực và các biện pháp đảm bảo an toàn; đồng thời liên kết, phối hợp chặt chẽ với các ngành khoa học, công nghệ khác để khai thác thế mạnh, đạt hiệu quả ứng dụng cao.

3. Nhà nước quan tâm đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư để phát triển, ứng dụng rộng rãi kỹ thuật bức xạ; chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng bức xạ, bảo đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển cơ sở vật chất và năng lực ứng dụng bức xạ trong nghiên cứu về khí tượng, thủy văn, điều tra, thăm dò, đánh giá về tài nguyên và bảo vệ môi trường đạt trình độ các nước tiên tiến trong khu vực; góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2015:

- Xây dựng, hoàn thiện cơ bản cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ về ứng dụng kỹ thuật bức xạ và kỹ thuật đồng vị cho các đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường theo các chức năng nhiệm vụ được phân công, bao gồm:

+ Hình thành phòng thí nghiệm, đào tạo cán bộ chuyên môn về kỹ thuật đồng vị phục vụ nghiên cứu về cổ khí tượng, khí tượng hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dự báo.

+ Hình thành các phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ về kỹ thuật đồng vị phục vụ nghiên cứu khí tượng thủy văn, điều tra, đánh giá tài nguyên nước tại hai khu vực miền Bắc và miền Nam.

+ Xây dựng mới và nâng cấp các phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ về ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong điều tra, thăm dò địa chất, tìm kiếm khoáng sản, phân tích các mẫu địa chất nhằm tăng cường năng lực cho các liên đoàn địa chất trong công tác nghiên cứu địa chất, thăm dò và tìm kiếm khoáng sản.

+ Nâng cấp phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ cho Tổng cục Môi trường về ứng dụng các kỹ thuật đồng vị và phân tích bằng các kỹ thuật hạt nhân nhằm nâng cao năng lực quan trắc và phân tích môi trường, phục vụ công tác quan trắc và kiểm soát ô nhiễm.

- Triển khai hoạt động nghiên cứu và ứng dụng kỹ thuật đồng vị và kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực:

+ Khí tượng thủy văn: Bước đầu ứng dụng kỹ thuật đồng vị trong nghiên cứu về khí tượng (bao gồm cả cổ khí tượng và khí tượng hiện đại) phục vụ công tác dự báo thời tiết, thiên tai và biến đổi khí hậu; triển khai ứng dụng kỹ thuật đồng vị nghiên cứu về thủy văn, quá trình xói mòn, bồi lắng của các lòng sông, hồ chứa, đập thủy điện và bến cảng.

+ Tài nguyên nước: Triển khai ứng dụng kỹ thuật địa vật lý hạt nhân điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị lớn và các địa bàn có nhu cầu cấp thiết.

+ Địa chất, khoáng sản: Phát triển ứng dụng các kỹ thuật đo bức xạ và phân tích hạt nhân để nghiên cứu, điều tra bổ sung và làm rõ thành phần, cấu trúc địa chất; xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất, môi trường địa chất không thuận lợi cho xây dựng các công trình lớn, khu đô thị, khu dân cư; phát hiện, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản, nguồn địa nhiệt, nguồn nước khoáng, nước nóng.

+ Môi trường: Hoàn thành bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho các khu đô thị, dân cư lớn; ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân và kỹ thuật đồng vị để phát hiện các khu vực môi trường bị ô nhiễm, mức độ ô nhiễm và khu vực lan tỏa ô nhiễm do sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, ô nhiễm từ các bãi chôn lấp chất thải rắn; hoàn thành nghiên cứu khả thi và thử nghiệm xử lý ô nhiễm môi trường do khí thải và nước thải bằng kỹ thuật bức xạ.

b) Đến năm 2020:

- Hoàn thiện, nâng cấp các phòng thí nghiệm và đào tạo cán bộ về ứng dụng các kỹ thuật đồng vị và phân tích hạt nhân trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và môi trường đạt trình độ ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực.

- Xác định các nhóm phương pháp, kỹ thuật đồng vị và phân tích hạt nhân có hiệu quả thiết thực và các hệ thiết bị, công nghệ liên quan để đầu tư xây dựng và triển khai ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật này trong nghiên cứu, điều tra, đánh giá về tài nguyên và môi trường đạt các tiêu chí:

[...]