Quyết định 01/2006/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 01/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 03/01/2006
Ngày có hiệu lực 28/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2006/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 03 tháng 01 năm 2006 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT “CHIẾN LƯỢC ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VÌ MỤC ĐÍCH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện chiến lược

Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân, chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn thực hiện “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020”; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện các vấn đề có tính liên ngành trong nội dung Chiến lược, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao trong Chiến lược, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ  và gửi báo cáo cho Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
-Ban Điều hành 112,
-Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ;
-các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KG (5b). A.310

THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải

 

CHIẾN LƯỢC

 ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VÌ MỤC ĐÍCH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ)

Năng lượng nguyên tử (NLNT) được tạo ra do các biến đổi trạng thái của nguyên tử và hạt nhân có hai dạng là năng lượng bức xạ và năng lượng phân hạch, các dạng năng lượng này đã được ứng dụng trong đời sống kinh tế - xã hội.

Ở Việt Nam, năng lượng bức xạ đã được ứng dụng trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, địa chất, khoáng sản, khí tượng, thủy văn, giao thông, xây dựng, dầu khí,… Tuy nhiên, phạm vi và hiệu quả ứng dụng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chính là do trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta còn thấp và nhận thức của xã hội về vai trò của năng lượng bức xạ còn chưa đầy đủ.

Hện nay, ở nước ta năng lượng phân hạch chưa được ứng dụng để phát điện. Việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân (ĐHN) đã được các cơ quan có liên quan thực hiện trong nhiều năm, kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự cần thiết và tính khả thi của việc xây dựng nhà máy ĐHN ở Việt Nam.

Lịch sử phát triển kinh tế thế giới hiện đại cho thấy, để thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH - HĐH), nhiều quốc gia đã sớm xác định việc ứng dụng NLNT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chính vì vậy, họ sớm xây dựng và thực hiện chiến lược nghiên cứu, ứng dụng và phát triển NLNT. Nhờ đó, NLNT đã phát huy và có đóng góp hiệu quả, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN) của quốc gia, góp phần tích cực vào việc giữ gìn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Việt Nam đang tiến hành công cuộc CNH - HĐH, việc phát triển các ngành công nghiệp cao, đặc biệt là công nghiệp công nghệ hạt nhân, là cơ hội, điều kiện để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ truyền thống, góp phần tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước, thúc đẩy tăng trưởng GDP và hội nhập quốc tế. Việc phát triển ĐHN sẽ góp phần đáp ứng về cơ bản nhu cầu sử dụng điện năng ngày càng tăng, bảo đảm an ninh năng lượng và dự trữ nguồn tài nguyên của đất nước.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng NLNT phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Đảng và Chính phủ đã sớm quan tâm, chỉ đạo lĩnh vực này. Nghị quyết Trung ương lần 2 khóa VIII đã yêu cầu: “Chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000”. Văn kiện Đại hội Đảng khóa IX đã đề ra nhiệm vụ: “Nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng nguyên tử”. Để cụ thể hóa chủ trương này, Chính phủ ban hành Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

Nội dung của Chiến lược gồm 3 chương:

Chương I: Tình hình và triển vọng ứng dụng NLNT.

ChươngII: Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ ứng dụng NLNT ở Việt Nam.

Chương III: Giải pháp thực hiện Chiến lược.

TÌNH HÌNH VÀ TRIỂN VỌNG ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ

I. TÌNH HÌNH ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ TRÊN THẾ GIỚI

1. Ứng dụng năng lượng bức xạ

[...]