Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 8941/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt đề án quy hoạch hệ thống các bảo tàng đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 8941/QĐ-UBND
Ngày ban hành 28/10/2008
Ngày có hiệu lực 28/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8941/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH HỆ THỐNG CÁC BẢO TÀNG  TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước;

Căn cứ Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Công văn số 1005/CV-VHTT về việc xin phê duyệt Đề án Quy hoạch hệ thống bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm Quyết định này Đề án Quy hoạch hệ thống các bảo tàng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020.

Điều 2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về việc thực hiện Đề án nêu trên.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn có liên quan thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

QUY HOẠCH HỆ THỐNG CÁC BẢO TÀNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 8941/QĐ-UBND ngày 28 tháng 10 năm 2008 của UBND thành phố Đà Nẵng)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Vị thế Đà Nẵng trong bối cảnh không gian miền Trung và cả nước

Đà Nẵng đóng một vai trò quan trọng tại khu vực miền Trung, gắn liền với công cuộc mở mang bờ cõi và là một cửa ngõ giao thương với quốc tế từ những thế kỷ trước.

Với truyền thống của mảnh đất kiên cường, hai lần đi đầu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, diện mạo thành phố thay đổi nhanh, Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu trở thành một thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, Tây Nguyên và cả nước, với những ngành kinh tế mũi nhọn như Cảng biển, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính, ngân hàng... Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của miền Trung, Đà Nẵng còn là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 2003 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã xác định: “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung, với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển, vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của khu vực Nam Trung Bộ và cả nước”.

Là một thành phố vừa có vùng núi, trung du, đồng bằng, vừa nằm ở vị trí cận kề với 3 di sản văn hoá thế giới: Quần thể di tích Cố đô Huế, di sản Mỹ Sơn và khu đô thị cổ Hội An, Đà Nẵng có cơ hội để phát triển du lịch và khai thác các giá trị di sản văn hoá theo hướng hoạt động du lịch văn hoá, du lịch sinh thái.

Thành phố Đà Nẵng nằm trên vành đai biển Đông, một thời là cầu nối giao thương trong khu vực Đông Nam Á; thì ngày nay, trong vận hội mới, lại một lần nữa trở thành cầu nối quan trọng trên trục phát triển xuyên Á với vai trò là điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Từ những ưu thế và giá trị nêu trên, ngành văn hóa sẽ cung cấp cho du khách trong nước và ngoài nước những chương trình tham quan không chỉ có những thắng cảnh, những di tích, mà còn làm sống lại đời sống văn hóa thông qua hoạt động của các bảo tàng, làng văn hóa, làng nghề cổ truyền...

2. Thực trạng hoạt động của các bảo tàng trên địa bàn thành phố

a) Hệ thống Bảo tàng trực thuộc Quân khu 5

[...]