BỘ
CHÍNH TRỊ
--------
|
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------
|
Nghị
quyết số: 33-NQ/TW
|
Hà
Nội, ngày 16 tháng 10 năm 2003
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN
ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC
I- TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ XÂY
DỰNG THÀNH PHỐ NHỮNG NĂM QUA
1. Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ
của đất nước, có vị trí trọng yếu cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an
ninh; là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường sắt, đường biển và
đường hàng không, cửa ngõ chính ra Biển Đông của các tỉnh miền Trung, Tây
Nguyên và các nước tiểu vùng Mê Kông.
Đà Nẵng cùng với Quảng Nam là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, kiên cường trong kháng chiến chống
ngoại xâm. Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, Đà Nẵng tiếp tục phát
huy truyền thống cách mạng, năng động, sáng tạo, xây dựng thành phố phát triển
khá trên nhiều mặt, trở thành một thành phố cảng biển lớn, là đô thị trung tâm
cấp quốc gia, là một trong những trọng điểm phát triển của đất nước, góp phần
quan trọng thúc đẩy các tỉnh khác trong khu vực phát triển và trở thành trung
tâm kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Xây dựng và phát triển Đà Nẵng
có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt đối với miền Trung - Tây Nguyên và cả
nước.
2. Từ khi trở thành đơn vị hành
chính trực thuộc Trung ương, nhất là trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại
hội IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVIII của Đảng bộ thành phố, Đảng
bộ và nhân dân Đà Nẵng đã đoàn kết, nhất trí, khắc phục khó khăn, khai thác
tiềm năng, lợi thế, huy động nội lực, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây
dựng và phát triển thành phố đạt được nhiều thành tựu đáng biểu dương, trong
một số lĩnh vực đã có cách làm sáng tạo và có những mô hình tốt.
Thành phố luôn duy trì được nhịp
độ phát triển kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các
ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao; thu nhập bình quân đầu
người tăng nhanh; thu ngân sách tăng khá, là một trong những địa phương có nguồn
thu ngân sách lớn.
Đặc biệt, thành phố đã thực hiện
tốt chủ trương gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, quan
tâm nhân tố con người, chú trọng đầu tư cho giáo dục - đào tạo, khoa học công
nghệ, tích cực thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã
hội, an toàn giao thông...
Trong chỉ đạo điều hành, thành
phố đã có cách làm mới, sáng tạo, khơi dậy và phát huy ý chí, nguồn lực của địa
phương; tạo được sự đồng thuận trong xã hội, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ
quan Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, giữa thành phố với các ban, bộ,
ngành Trung ương và các tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của
địa phương. Thành phố đã đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng trong khai
thác nguồn lực trong dân, khai thác có hiệu quả quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ
tầng và chỉnh trang đô thị; làm tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, không
để xảy ra khiếu kiện đông người, vượt cấp; có giải pháp quản lý chặt chẽ, tiết
kiệm trong đầu tư xây dựng; chương trình "5 không" được sự đồng tình
của nhân dân, đã đem lại kết quả tích cực.
Chính trị, xã hội ổn định; quốc
phòng - an ninh được củng cố. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực
lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng bộ các cấp được nâng lên, hệ thống chính trị
được kiện toàn, đội ngũ cán bộ trưởng thành một bước; quan hệ giữa Đảng với
chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân gắn bó chặt chẽ hơn; nội
bộ cấp uỷ đoàn kết, thống nhất; niềm tin, uy tín của Đảng bộ đối với nhân dân
thành phố ngày càng được nâng cao.
Bước đầu Đà Nẵng đã có một số
lĩnh vực phát huy vai trò trung tâm đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên
như giáo dục - đào tạo, y tế và công nghệ thông tin...
Những thành tựu trên đây là tiền
đề để thành phố vươn lên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ còn lại mà Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, từng bước phát huy vai trò trung tâm của khu
vực và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của đất nước.
3. Tuy nhiên, bên cạnh những
thành tựu đạt được, thành phố Đà Nẵng cũng còn một số tồn tại, yếu kém cần được
khắc phục.
Trước hết, phát triển kinh tế
chưa thực sự vững chắc, chất lượng chưa cao, quy mô nhỏ, chưa tương xứng với
tiềm năng và vị thế của thành phố. Vai trò trung tâm, sức lan toả, lôi kéo các
tỉnh lân cận và các tỉnh Tây Nguyên còn hạn chế. Kinh tế phát triển nhưng chưa
định hình rõ được ngành mũi nhọn, chưa có sản phẩm chủ lực; việc quan tâm thúc
đẩy các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư phát triển còn hạn chế, vai
trò kinh tế tư nhân chưa được khơi dậy và phát huy tốt; đổi mới công nghệ còn
chậm, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, các
lợi thế về kinh tế biển chưa được khai thác tốt, thu hút vốn đầu tư của nước
ngoài còn thấp.
Hai là, chưa có giải pháp tốt
đối với một số vấn đề xã hội, trong đó có các vấn đề phát sinh trong quá trình
đô thị hoá, công tác tái định cư còn một số nội dung phải tiếp tục quan tâm
giải quyết.
Ba là, công tác xây dựng Đảng
đạt nhiều kết quả, song sự chuyển biến ở một số đơn vị, nhất là cấp cơ sở chưa
mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Bốn là, công tác cán bộ vẫn còn
nhiều bất cập, chưa có giải pháp mang tính đột phá để xây dựng đội ngũ cán bộ
các cấp trưởng thành nhanh hơn, có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu phát
triển của thành phố.
Năm là, phong trào quần chúng
phát triển chưa đều, nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và
các đoàn thể nhân dân ở cơ sở còn lúng túng, bị động.
Những tồn tại, yếu kém trên do
nhiều nguyên nhân.
Về chủ quan, chủ yếu là do năng
lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa đều,
chưa tương xứng và ngang tầm với yêu cầu phát triển của thành phố; chưa làm tốt
công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ; tính chiến
lược về phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn chưa được coi trọng; chưa khai
thác tốt các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Về khách quan, vị trí, vai trò
của Đà Nẵng chưa được xác định và nhận thức rõ; việc quy hoạch và tập trung đầu
tư phát triển để thành phố giữ vai trò trung tâm trong khu vực miền Trung và
Tây Nguyên còn hạn chế.
II- PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ
PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG ĐẾN NĂM 2020
1. Đà Nẵng bước vào thời kỳ phát
triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi, cơ hội lớn, nhưng cũng có nhiều
khó khăn, thách thức gay gắt, đặc biệt thành phố phát triển trong xu thế cạnh
tranh trên thị trường trong nước và nước ngoài ngày càng tăng.
Trên cơ sở tiếp tục quán triệt
Nghị quyết Đại hội IX của Đảng về phương hướng phát triển đất nước, Đảng bộ và
nhân dân thành phố phải nỗ lực phấn đấu vượt bậc, chủ động nắm bắt thời cơ,
vượt qua thách thức, phát huy tính năng động, sáng tạo để xây dựng và phát
triển thành phố theo hướng:
Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở
thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn
của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và
dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển
vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính -
ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và
khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng
về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước.
Đà Nẵng phải phấn đấu để trở
thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện
đại hoá và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
2. Để thực hiện phương hướng,
mục tiêu trên, Đảng bộ thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt
các nhiệm vụ sau đây:
Làm tốt công tác quy hoạch đô
thị, đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, theo hướng
thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại.
Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi
thế so sánh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển thành phố tương xứng với
tầm vóc là trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung, có tác động lan
toả đối với sự phát triển của các tỉnh lân cận, Tây Nguyên và với cả hành lang
kinh tế đông - tây, tiểu vùng Mê Kông.
Có kế hoạch và bước đi trong
chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nay đến năm 2010 theo hướng cơ cấu kinh tế công
nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, sau năm 2010 chuyển sang cơ cấu dịch vụ - công
nghiệp - nông nghiệp. Trong đó chú trọng phát triển công nghiệp có công nghệ
cao, dịch vụ có chất lượng cao, xây dựng trung tâm công nghệ cao; khai thác
tiềm năng kinh tế biển; phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh;
quan tâm đến đổi mới công nghệ, tiếp cận với công nghệ hiện đại.
Phát triển nhanh các dịch vụ mà
thành phố có thế mạnh như vận tải đường sắt, đường bộ, cảng biển, sân bay quốc
tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, tư vấn, chuyển giao
công nghệ. Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của
thành phố; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước, là đầu
mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hoá - dịch vụ của miền Trung - Tây
Nguyên.
Phát huy tiềm năng của các thành
phần kinh tế, đổi mới quản lý, sắp xếp tổ chức lại các doanh nghiệp nhà nước,
đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ 100%
vốn. Phát triển kinh tế tư nhân, hợp tác, hợp tác xã.
Tập trung cao hơn nguồn lực địa
phương và Trung ương, tạo môi trường thuận lợi để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước
ngoài, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và kinh tế đối ngoại.
Quan tâm phát triển văn hóa - xã
hội tương xứng với sự phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục - đào
tạo, y tế, tiếp tục giảm nghèo và nâng cao đời sống của nhân dân, giải quyết
các vấn đề bức xúc về xã hội và môi trường sinh thái, bảo đảm cho sự phát triển
bền vững của thành phố.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng,
an ninh, nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành nội chính, bảo đảm an
ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội
trên địa bàn thành phố.
Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng,
phát huy dân chủ cả trong Đảng và trong xã hội, giữ vững đoàn kết nhất trí
trong Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục chỉ đạo tốt cuộc
vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần
2) khoá VIII và Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khoá IX; xây dựng hệ thống chính
trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng lãnh đạo của tổ chức đảng và sự
phối hợp chặt chẽ giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân
các cấp với phương châm hướng mạnh về cơ sở; kiện toàn hệ thống tổ chức chính
trị cơ sở, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của cơ sở; tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tốt đơn, thư và xử lý nghiêm minh các
vụ việc vi phạm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng.
Tổ chức tốt việc kiểm điểm sơ
kết giữa nhiệm kỳ trong Đảng bộ để đề ra phương hướng, biện pháp thực hiện hoàn
thành các nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao
chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; tiếp tục đổi mới, tạo bước đột phá về
công tác cán bộ, tích cực chuẩn bị nhân sự cho bầu cử Hội đồng nhân dân, Uỷ ban
nhân dân nhiệm kỳ 2004 - 2009 và nhân sự cho Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ
XIX, nhiệm kỳ 2005 - 2010.
Đẩy mạnh cải cách hành chính
trong các cơ quan nhà nước, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt
trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trên địa bàn; kiên quyết đấu tranh chống
mọi biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác.
III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Tập trung sức xây dựng và
phát triển thành phố Đà Nẵng với tốc độ nhanh và bền vững, tạo động lực quan
trọng thúc đẩy các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Đây là trách nhiệm của Đảng
bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng, đồng thời là trách nhiệm của Trung ương Đảng,
Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung
ương và các địa phương trong cả nước.
Các cơ quan Trung ương phải
thường xuyên quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để thành phố
Đà Nẵng thực hiện tốt phương hướng phát triển mà Bộ Chính trị đã đề ra.
Các tỉnh, thành phố trong cả
nước, nhất là các tỉnh trong khu vực cần tích cực xây dựng và củng cố mối quan
hệ liên kết, hợp tác với thành phố, tạo không gian kinh tế thống nhất để cùng
phát triển và thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển.
2. Giao Ban cán sự đảng Chính
phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương thực hiện các nhiệm vụ sau:
Khẩn trương xây dựng quy hoạch,
kế hoạch phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung theo tinh thần Nghị
quyết Đại hội IX của Đảng để Bộ Chính trị cho ý kiến. Trong đó, chú ý đến các
cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho Đà Nẵng là hạt nhân, đóng vai trò động lực
trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Mặt khác, thành phố Đà Nẵng phải
nhận thức rõ hơn nữa trách nhiệm của mình với sự phát triển kinh tế - xã hội
của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để có hướng liên kết, phối hợp tích cực
hơn, khẩn trương hơn.
Trên cơ sở đó, cần tiếp tục chỉ
đạo việc rà soát, bổ sung, điều chỉnh đồng bộ quy hoạch tổng thể phát triển
thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 và năm 2020; đồng thời, có giải pháp và bước đi
trong việc triển khai cụ thể các quy hoạch chi tiết, phù hợp với yêu cầu xây
dựng một thành phố cảng biển, công nghiệp hiện đại theo hướng mở, phát huy mạnh
mẽ những lợi thế của thành phố.
Khẩn trương ban hành quy chế
phối hợp giữa các ngành và các địa phương trong vùng nhằm tạo không gian kinh
tế thống nhất cho toàn vùng, trong đó Đà Nẵng là một cực phát triển, đóng vai
trò trung tâm phối hợp hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác để khai thác
tiềm năng, thế mạnh của cả vùng.
Chỉ đạo thực hiện tốt các cơ
chế, chính sách hiện hành, kiểm tra tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc,
ban hành các cơ chế, chính sách mới nhằm tạo thuận lợi thúc đẩy thành phố phát
triển; tiếp tục phân cấp mạnh hơn, toàn diện hơn cho thành phố, nhất là về thẩm
quyền quyết định đầu tư tài chính, ngân sách.
3. Về một số vấn đề cụ thể.
Sớm có quyết định đầu tư xây
dựng các công trình trọng điểm, có tác động đến sự phát triển của vùng kinh tế
trọng điểm miền Trung, như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Đà
Nẵng - Hội An, nâng cấp mở rộng ga hàng không quốc tế Đà Nẵng; nghiên cứu việc
chuẩn bị xây dựng cảng Liên Chiểu và đường sắt hai chiều Đà Nẵng - Quảng Ngãi,
xây dựng Làng đại học Đà Nẵng trở thành một trong ba trung tâm đại học của cả
nước; xây dựng khu liên hợp thể thao theo tiêu chuẩn hiện đại đóng vai trò là
một trong những trung tâm quốc gia tại Đà Nẵng; đầu tư xây dựng khu công nghệ
cao; xây dựng các viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành; di dời ga đường sắt,
kho vũ khí, kho xăng dầu ra khỏi trung tâm thành phố, khu dân cư và các điểm du
lịch.
Thành phố Đà Nẵng cùng với Bộ
Quốc phòng xây dựng các phương án kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các địa
bàn chiến lược của thành phố, đặc biệt là khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Vân;
thống nhất xác định cụ thể việc quy hoạch sử dụng khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải
Vân phục vụ cho phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch - dịch vụ gắn với quốc
phòng - an ninh, trừ một số khu vực có các công trình phòng thủ; có phương án
triển khai và giải pháp bảo đảm bí mật cho các công trình quốc phòng.
Điều chỉnh quy hoạch, sử dụng
khu vực sân bay Nước Mặn cho phát triển du lịch, đồng thời bảo đảm có thể huy
động sử dụng tốt cho công tác quốc phòng - an ninh khi cần thiết. Trước mắt,
đồng ý với kết luận của Bộ Quốc phòng tại Thông báo số 3646/VP, ngày 15-9-2003
về sân bay Nước Mặn. Khi triển khai xây dựng các dự án cụ thể, thành phố cần
trao đổi để có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng.
Sớm xây dựng thành phố Đà Nẵng
thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế. Có cơ chế để thực
hiện thí điểm kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước xây dựng một số khu du lịch
cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó cho phép mở dịch vụ vui chơi có thưởng
dành riêng cho người nước ngoài, trên cơ sở phải có biện pháp quản lý chặt chẽ.
Thành phố phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng đề án từng bước triển khai
thực hiện.
Thực hiện thí điểm việc bán nhà
gắn liền với quyền sử dụng đất đối với người nước ngoài có tham gia đầu tư,
hoặc thường trú lâu dài ở Việt Nam tại những vị trí hợp lý, đảm bảo kiểm soát
được, theo quy định của pháp luật.
Thành phố có phương án trình
Chính phủ phê duyệt thí điểm thực hiện một số cơ chế mới đối với những vấn đề
mà thực tiễn thành phố đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã quy định nhưng
không còn phù hợp.
Về cơ chế tạo vốn đầu tư phát
triển, thành phố cần huy động tối đa các nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các
thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho đầu tư phát
triển thành phố.
Tăng thoả đáng tỷ lệ điều tiết
cho ngân sách thành phố đối với các khoản thu phân chia giữa Trung ương và
thành phố và ổn định trong 5 năm, đồng thời hàng năm ngân sách Trung ương hỗ
trợ nguồn vốn đầu tư phát triển có mục tiêu theo dự án đối với các công trình
cơ sở hạ tầng quan trọng do thành phố quản lý. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ
đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết
định.
Thực hiện thí điểm từng bước
phát hành trái phiếu đô thị thành phố cho đầu tư một số công trình quan trọng.
Bộ Tài chính tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố được vay vốn từ nước ngoài
để đầu tư một số dự án có tính khả thi cao, có yêu cầu đầu tư nhanh trên cơ sở
kiểm soát được nợ vay của Chính phủ, thành phố bảo đảm khả năng và tiến độ trả
nợ.
4. Ban Bí thư và Chính phủ định
kỳ làm việc với tập thể lãnh đạo thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo xử lý kịp thời
các vướng mắc, tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, bền vững trong
thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
|
TỔNG
BÍ THƯ
Nông Đức Mạnh
|