Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 156/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 156/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 23/06/2005
Ngày có hiệu lực 18/07/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 156/2005/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 06 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 156/2005/QĐ-TTG NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 2005 PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ HỆ THỐNG BẢO TÀNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Di sản văn hoá ngày 29 tháng 6 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2002 của  Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hoá;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin tại tờ trình số 162/TTr-BVHTT ngày 29 tháng 11 năm 2004,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Đối tượng

Các bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tỉnh, thành phố và các bảo tàng khác thuộc quản lý của Nhà nước, tổ chức kinh tế - xã hội và tư nhân trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung:

Kiện toàn và phát triển hệ thống bảo tàng, phục vụ nhu cầu nghiên cứu khoa học, học tập, giảng dạy, phổ biến tri thức về lịch sử, văn hóa, khoa học và hưởng thụ văn hóa của công chúng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Củng cố và nâng cao chất lượng, vai trò nòng cốt của các bảo tàng quốc gia, bảo tàng đầu hệ; phát triển các bảo tàng chuyên ngành về giáo dục, khoa học, kỹ thuật và các bảo tàng ngành nghề truyền thống.

- Sắp xếp và kiện toàn hệ thống bảo tàng tỉnh và thành phố, điều chỉnh và định hướng nội dung trưng bày theo đặc trưng lịch sử, văn hoá của địa phương, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hoạt động của bảo tàng.

- Sắp xếp và kiện toàn hệ thống bảo tàng thuộc lực lượng vũ trang. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động, hòa nhập vào mạng lưới hoạt động chung của bảo tàng cả nước.

- Phát triển các bảo tàng và phòng trưng bày sưu tập tư nhân, thực hiện xã hội hoá hoạt động bảo tàng.

- Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động bảo tàng, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ trong các khâu công tác của bảo tàng; xây dựng bảo tàng thành trung tâm thông tin về khoa học, lịch sử, văn hoá, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Nội dung cụ thể của quy hoạch

a) Quy hoạch hệ thống bảo tàng

- Bảo tàng cấp quốc gia:

Chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động của các bảo tàng cấp quốc gia hiện tại gồm: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đó là những bảo tàng hạt nhân của hệ thống bảo tàng Việt Nam, có quy mô, vị trí xứng đáng trong khu vực và quốc tế.

Từng bước phát triển, xây dựng một số bảo tàng mới cấp quốc gia như Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Sinh thái Hạ Long, đáp ứng nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hoá, khoa học và nghiên cứu, giáo dục khoa học, phục vụ lợi ích cộng đồng.

Từng bước hoàn thiện, nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động cấp quốc gia đối với một số bảo tàng chuyên ngành có các bộ sưu tập quý hiếm, có giá trị nghiên cứu khoa học, trưng bày và giới thiệu, nhằm thu hút khách tham quan và phát triển du lịch (Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải dương học, Bảo tàng Địa chất Việt Nam và Bảo tàng Điêu khắc Chăm...).

- Bảo tàng chuyên ngành:

Chỉnh lý nội dung trưng bày, hoàn thiện xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới phương thức hoạt động của các bảo tàng chuyên ngành hiện có như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Công an nhân dân; phát triển các bảo tàng chuyên ngành về khoa học kỹ thuật trực thuộc các Bộ, ngành hoặc các trường đại học để tăng cường, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục khoa học thông qua hình thức hoạt động bảo tàng.

- Bảo tàng tỉnh, thành phố:

+ Tăng cường công tác sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hoàn chỉnh về đặc trưng văn hóa địa phương. Mỗi bảo tàng cần xác định và giới thiệu các chủ đề trưng bày mang tính đặc thù và tiêu biểu nhằm phản ánh bức tranh đa dạng về văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng tỉnh, thành phố phải trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới kinh tế - xã hội của địa phương.

+ Trong các khu vực quy hoạch phát triển du lịch trọng điểm, khi có đủ điều kiện thành lập bảo tàng theo quy định của Luật Di sản văn hoá, ngoài bảo tàng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hiện có, được phát triển thêm các bảo tàng chuyên đề về ngành nghề thủ công truyền thống, văn hoá nghệ thuật (thuộc các hình thức sở hữu khác nhau).

[...]