ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 885/QĐ-UBND
|
Lâm Đồng, ngày 10 tháng 05 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG, LÂM, THỦY SẢN TỈNH LÂM ĐỒNG GIAI
ĐOẠN 2013-2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 của Quốc Hội;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính
phủ về quy định chi
tiết thi hành một số điều của Luật An toàn
thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 19/2/2012 của Chính
phủ quy định cơ quan được giao chức năng thực hiện thanh tra chuyên ngành và
hoạt động thanh tra chuyên ngành;
Căn cứ Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 30/5/2011 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm,
thủy sản và muối giai đoạn 2011-2015;
Xét Tờ trình số 54/TTr-SNN ngày 06/5/2013 của Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn Lâm Đồng về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng
nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2013-2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại văn bản thẩm định số 669/STC-HCSN ngày
22 tháng 3 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực
hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý chất
lượng nông, lâm, thủy sản tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2013-2015 với những nội dung
chủ yếu sau:
I. Phạm vi thực hiện: Trên địa bàn các huyện, thành phố
trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
II. Mục tiêu:
1. Kiện toàn và nâng cao năng
lực của hệ thống bộ máy quản lý nhà nước, hệ thống kiểm soát về chất lượng và
an toàn thực phẩm từ tỉnh đến các địa phương;
2. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương và cập nhật hệ
thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật của Trung ương về quản lý
chất lượng và an toàn thực phẩm đối với nông lâm thủy sản phục vụ cho công tác quản lý của các địa phương trong tỉnh;
3. Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về
chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu quản lý và hội nhập trong giai
đoạn mới;
III. Nhiệm vụ:
1. Kiện toàn, củng cố bộ máy tổ chức quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản từ tỉnh đến các địa phương trong tỉnh:
- Kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm
thủy sản của tỉnh, theo hướng quản lý thống nhất từ trang trại đến bàn ăn theo từng chuỗi ngành
hàng thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Xây dựng khung định biên nhân lực theo vị trí việc làm và bổ sung đủ
biên chế cho hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản ở tỉnh và các
địa phương trong tỉnh. Đến cuối năm 2013 toàn tỉnh có 41 cán bộ và đến năm 2015 toàn
tỉnh có 47 cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm chuyên
trách;
- Xây dựng cơ chế điều phối, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn
thực phẩm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương;
- Phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản cho Ủy ban nhân dân các cấp huyện, xã;
2. Đào tạo nâng cao trình độ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng nông
lâm sản và thủy sản của cấp tỉnh, huyện và xã:
- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn về chế độ chính sách, pháp luật
và nghiệp vụ quản lý chất lượng
nông lâm sản và thủy sản, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản
lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn cấp tỉnh;
- Tổng nhu cầu đào tạo, tập huấn cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã hàng năm từ
340 lượt người, trong đó đào tạo trên đại học 4 người, đào tạo từ 2 - 4 tháng chuyên về quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản là khoảng 31 lượt
người/năm, tập huấn 305 lượt
người.
3. Xây dựng và nâng cao hiệu quả, cơ chế phối hợp kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm từ tỉnh đến các địa phương và lực lượng xã hội hóa:
- Đánh giá hiện trạng hệ thống kiểm soát và cơ chế kiểm soát chất lượng
nông lâm sản và thủy sản hiện nay, đề xuất cơ chế và hệ thống kiểm soát chất lượng nông lâm sản và
thủy sản phù hợp với tình
hình phát triển kinh tế của tỉnh;
- Kiện toàn hệ thống cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên
ngành và lực lượng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản ở các
Chi cục và Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương
theo Luật An toàn thực phẩm
và Luật Thanh tra;
- Xây dựng quy trình kiểm soát (giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá), truyền thông, cảnh báo nguy cơ
an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản theo từng ngành hàng, chuỗi an toàn
thực phẩm;
- Xây dựng các chương trình giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi sản xuất
kinh doanh ngành hàng (giám
sát an toàn thực phẩm rau, chè, cà phê, thịt, sữa tươi nguyên liệu, gia cầm, thủy sản…);
- Xây dựng mô hình phối
hợp kiểm soát giữa cơ quan quản lý nhà nước với lực lượng xã hội hóa.
4. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa
phương và cập nhật văn bản của Trung ương.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật của
địa phương để thi hành Luật An toàn thực phẩm;
- Cập nhật và phát hành
hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật của trung ương và địa phương về quản lý chất lượng và
an toàn thực phẩm đối với nông lâm thủy sản để cung cấp cho các địa phương
trong tỉnh thực hiện;
- Rà soát, xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật của các loại sản phẩm đặc thù của địa phương.
5. Xây dựng cơ sở vật chất
kỹ thuật phục vụ quản lý, giám sát về an toàn thực phẩm:
- Đầu tư, xây dựng mới phòng
kiểm nghiệm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm sản và thủy sản thuộc Chi
cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản;
- Đầu tư xây dựng cơ sở
vật chất kỹ thuật khác phục vụ cho công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và
thủy sản, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ về chất
lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh.
IV. Các giải pháp chủ yếu:
1. Về cơ chế chính sách:
- Đề xuất cơ chế tài chính phù hợp với đặc thù của hệ thống quản lý, kiểm
soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo hướng kết hợp hài hòa các nguồn lực, kết hợp việc
thu phí và lệ phí với nguồn lực đầu
tư từ ngân sách nhà nước;
- Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích việc xã hội hóa công tác đảm bảo chất lượng, an
toàn thực phẩm theo hướng mở rộng mô hình hợp tác công tư, khuyến khích đầu tư
của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tư
nhân, cổ phần cho các dịch vụ tư vấn, đào tạo, chứng nhận, kiểm nghiệm;
- Hoàn chỉnh biên chế nhân lực
theo vị trí việc làm cho hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông,
lâm, thủy sản ở tỉnh và các địa phương trong tỉnh.
2. Phân cấp công tác kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm,
thủy sản:
- Xây dựng lực lượng kiểm soát an toàn thực phẩm của các địa phương, đồng
thời có chế tài để các cơ sở sản xuất tăng cường công tác tự kiểm soát, giám sát các khâu trong quá
trình sản xuất;
- Thực hiện việc phân cấp quản lý, kiểm soát cho địa phương theo hướng cấp tỉnh quản lý
các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, do cấp tỉnh cấp giấy
chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp huyện quản lý các cơ sở do cấp huyện cấp giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh, cấp xã quản lý các cơ sở sản xuất, hộ nông dân, hộ
tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ và tăng cường sự tham gia của các lực lượng xã
hội;
- Bố trí cán bộ chuyên trách công tác quản lý chất lượng, an toàn thực
phẩm nông, lâm, thủy sản ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thành phố. Đào tạo và giao nhiệm vụ quản lý chất
lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm,
thủy sản cho Ban Nông nghiệp, cán bộ thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông cấp
xã. Nghiên cứu mô hình cộng tác viên giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm
nông lâm thủy sản ở cấp
huyện/xã;
- Xây dựng mô hình quản lý và
kiểm soát từ cơ sở sản xuất;
- Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các
phòng kiểm nghiệm, cung ứng dịch vụ tư vấn, đào
tạo, chứng nhận;
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các
chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong lĩnh
vực quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản.
3. Đào tạo nguồn nhân lực:
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ
cho cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài đối với công tác
quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm;
- Thường xuyên tổ
chức tập huấn, bổ túc, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho công chức
quản lý, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ về các chính sách, quy định mới có liên
quan;
- Tăng cường tổ chức các khóa
bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn ngày cho cán bộ chuyên trách ở cấp huyện,
xã và các đối tượng là lực lượng kiểm soát, nhân viên, cán bộ làm việc tại các cơ sở sản xuất.
4. Cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin:
- Xây dựng và đưa vào hoạt động cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về chất
lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đảm bảo thông tin để chỉ đạo, điều
hành và phục vụ công tác quản lý nhanh, chính xác;
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp;
- Xây dựng hệ thống ISO về thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản, nhất là
các lĩnh vực: Truy xuất nguồn gốc; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP;
cấp giấy chứng nhận về
quảng cáo thực phẩm.
V. Kinh phí thực hiện:
Tổng nhu cầu vốn: 15.660 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 6.264 triệu đồng;
- Ngân sách địa phương: 5.794 triệu đồng;
- Vốn khác: 3.602 triệu đồng.
(Chi tiết
tại Phụ lục I đính kèm)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan thường trực và điều phối thực hiện Kế hoạch, có trách nhiệm:
- Xây dựng kế hoạch cụ thể hàng
năm để triển khai thực hiện.
- Tham mưu đề xuất các cơ chế,
chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
- Hướng dẫn, theo dõi và
tổng hợp tình hình thực hiện tại các địa phương. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức sơ
kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm quá trình triển khai thực hiện.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cân đối kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm, tham mưu lồng ghép nguồn
vốn các chương trình, dự án liên quan, đảm bảo kinh phí thực hiện Kế hoạch.
3. Sở Nội vụ xem xét, cân đối chỉ tiêu biên chế hàng năm cho các cơ quan
quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông
lâm thủy sản từ tỉnh đến các địa phương;
4. UBND các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc chỉ đạo các cơ quan chuyên môn
triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp và đảm bảo tính hiệu quả của
kế hoạch tại địa phương.
5. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ
thuật, đảm bảo điều kiện về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng cơ
chế tự kiểm soát an toàn thực phẩm nội bộ tại cơ sở mình theo đúng quy định của Nhà nước.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND
tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Chủ tịch UBND
các huyện, thành phố và thủ
trưởng các cơ quan, đoàn thể, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này kể từ ngày ký.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- LĐVP; CV: TC, KH;
- Website VP;
- Lưu: VT, NN.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phạm S
|