Chỉ thị 04/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh Long An

Số hiệu 04/CT-UBND
Ngày ban hành 24/01/2014
Ngày có hiệu lực 24/01/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Đỗ Hữu Lâm
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/CT-UBND

Long An, ngày 24 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP, AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN

Thời gian qua, các cấp, các ngành, đặc biệt ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai các hoạt động quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), an toàn thực phẩm (ATTP) nông lâm thủy sản và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, nhận thức của người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản có những chuyển biến tích cực, chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản được cải thiện.

Tuy nhiên, một số nơi chất lượng VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản vẫn chưa đạt yêu cầu; tình trạng phân bón, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng còn xảy ra nhiều; người dân chưa thực hiện đúng thời gian cách ly, ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch, xuất bán sản phẩm nông lâm thủy sản; việc sử dụng thuốc, hóa chất, chất phụ gia và chất bảo quản cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản vẫn còn diễn ra; chất lượng nước sinh hoạt nông thôn chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia còn phổ biến; còn nhiều cơ sở chưa đủ điều kiện bảo đảm ATTP trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về chất lượng VTNN và vệ sinh ATTP chưa sâu rộng và kịp thời; sự phối hợp giữa các sở, ngành tỉnh và các địa phương chưa thật chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các ngành chức năng chưa đồng bộ và thiếu kiên quyết.

Để tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh chỉ thị các Sở ngành, các cấp chính quyền nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện)

a) Quán triệt sâu rộng trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành nhận thức đầy đủ, ý nghĩa về công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo đảm chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản;

b) Thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong quản lý nhà nước đối với chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản;

c) Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản;

d) Báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Triển khai thực hiện tốt hoạt động kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngay 29/3/2011, Thông tư số 53/2011/TT-BNNPTNT ngày 02/8/2011, Thông tư số 01/2013/TT-BNNPTNT ngày 04/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ cao về kém chất lượng và mất an toàn thực phẩm (sản phẩm: rau, củ, quả, thịt, thủy sản; VTNN: thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón);

b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan cấp giấy chứng nhận đầu tư, đăng ký kinh doanh thực hiện rà soát, thống kê danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản theo đúng quy định;

c) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản theo phương châm: Kiểm tra theo chuỗi để xác định và tập trung kiểm soát sản phẩm xung yếu, khâu xung yếu dễ gây mất ATTP. Kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản; đặc biệt là việc sử dụng các loại thuốc, hóa chất, chất phụ gia, chất bảo quản cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản;

d) Đẩy mạnh triển khai, hướng dẫn áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP, HACCP, GMP, SSOP....) trong sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Xây dựng các vùng sản xuất nông lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đủ điều kiện bảo đảm ATTP; thí điểm và nhân rộng mô hình chuỗi sản xuất - phân phối ATTP;

đ) Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án về việc triển khai thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản và công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh;

e) Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; củng cố đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước đối với chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức của cơ quan kiểm tra cấp huyện, UBND cấp xã.

g) Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho tổ liên kết, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; xây dựng thí điểm mô hình chuỗi sản xuất - phân phối ATTP; xây dựng dự toán kinh phí hàng năm và hướng dẫn việc cấp, sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh;

h) Định kỳ, đột xuất báo cáo công tác quản lý chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thủy sản trên đại bàn tỉnh theo đúng quy định.

3. Sở Y tế

a) Phối hợp với các sở, ngành tỉnh và UBND cấp huyện thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; đôn đốc các sở, ngành tỉnh và địa phương thực hiện trách nhiệm được phân công về bảo đảm ATTP.

b) Tham mưu UBND tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức, tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp.

c) Chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương và Công an tỉnh xây dựng quy chế phối hợp về công tác vệ sinh ATTP.

4. Sở Công Thương

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng VTTN, ATTP nông lâm thủy sản; kiểm soát, ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng và thực phẩm nhập lậu.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí Chương trình Mục tiêu quốc gia vệ sinh ATTP và ngân sách tỉnh để triển khai thực hiện các nội dung hoạt động về quản lý chất lượng VTNN, ATTP nông lâm thủy sản.

b) Cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phối hợp trong việc xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản khi có yêu cầu.

[...]