Quyết định 884/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ lập “Quy hoạch phát triển chế biến gỗ và lâm sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”

Số hiệu 884/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/03/2016
Ngày có hiệu lực 30/03/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Ngọc Hai
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
BÌNH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 884/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 30 tháng 03 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ LẬP “QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN ĐếN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”;

Căn cứ Thông tư số 01/2012/TT-BKHĐT ngày 09 tháng 02 năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xác định mức chi phí lập, thẩm định và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 08 tháng 7 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-BNN-TCLN ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến và Quyết định số 957/QĐ-BNN-TCLN ngày 08 tháng 5 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN ngày 01 tháng 12 năm 2014, Quyết định số 651/QĐ-BNN-TCLN ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án và Kế hoạch triển khai phương án quản lý sản xuất dăm gỗ giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 07/2015/QĐ-UBND ngày 25 tháng 02 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Căn cứ Quyết định số 3540/QĐ-UBND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đán Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 23/TTr-SNN ngày 29 tháng 02 năm 2016 và kết quả thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 499/SKHĐT-KH ngày 26 tháng 02 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ lập “Quy hoạch phát triển chế biến gỗ và lâm sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, với các nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch phát triển chế biến gỗ và lâm sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

2. Phạm vi thực hiện:

- Địa bàn thực hiện: Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có hoạt động chế biến gỗ và lâm sản.

- Về thời gian: Cập nhật đánh giá hiện trạng giai đoạn 2005 - 2015; xây dựng quy hoạch chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (các mốc quy hoạch 2020, 2030).

3. Cơ quan chủ dự án: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Mục tiêu lập quy hoạch:

Trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng, phân tích và luận chứng có cơ sở khoa học và thực tiễn về tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực phát triển, những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với ngành chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đề xuất quy hoạch phát triển chế biến gỗ của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có tính khả thi, phù hợp định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và định hướng tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, đảm bảo hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường, với các mục tiêu cụ thể:

- Cân đối, sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu; đề xuất phát triển công nghệ chế biến và cơ cấu sản phẩm phù hợp, nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm gỗ của địa phương.

- Sắp xếp hợp lý, khoa học, ổn định, bền vững mạng lưới các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh.

- Định hướng phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản chế biến có hiệu quả.

- Phát triển chế biến gỗ và lâm sản trở thành mũi nhọn kinh tế lâm nghiệp địa phương; tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.

- Bảo đảm về môi trường, phát triển bền vững.

5. Nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch

[...]