BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------
|
Số:
5115/QĐ-BNN-TCLN
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ SẢN XUẤT DĂM GỖ GIAI ĐOẠN 2014-2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP
ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg
ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông
nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số
1565/QĐ-BNN-TCLN ngày 8/7/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp;
Căn cứ Quyết định số
919/QĐ-BNN-TCLN ngày 5/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ
qua chế biến giai đoạn 2014 - 2020;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Lâm nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Phương án Quản lý sản xuất dăm gỗ giai
đoạn 2014-2020, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU CỦA
PHƯƠNG ÁN
1. Mục tiêu chung: Quản lý chặt chẽ việc sản xuất, chế biến dăm gỗ xuất khẩu, hạn chế tối
đa việc sử dụng nguyên liệu gỗ khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ, nhằm
nâng cao giá trị sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng khai thác trong nước, nâng cao
thu nhập cho người dân trồng rừng góp phần xóa đói giảm nghèo.
2. Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2014-2015: sử dụng không
quá 70% sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ,
tăng giá trị gia tăng trên 01m3 nguyên liệu gỗ khoảng 14% so với năm
2013.
- Giai đoạn 2016-2020: sử dụng không
quá 40% sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng để sản xuất dăm gỗ. Tập
trung phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh và giá trị gia tăng cao như
đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ. Tăng giá trị gia tăng trên
01m3 nguyên liệu gỗ khoảng 54% so với năm 2013.
II. ĐỊNH HƯỚNG SẢN
XUẤT DĂM GỖ
1. Định hướng chung
Đối với các vùng: Tây Bắc bộ, Đồng bằng
Sông Hồng, Tây Nguyên, Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và Vùng Đông Nam bộ: không
phát triển cơ sở sản xuất dăm gỗ. Từng bước hạn chế các cơ sở sản xuất dăm gỗ ở
3 vùng: Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ với sản lượng khoảng 5,5 triệu
tấn trong giai đoạn 2014-2015 và 3,5 triệu tấn ở giai đoạn 2016-2020.
2. Định hướng cụ thể
2.1. Đến năm 2015
- Vùng Đông Bắc bộ: sản xuất dăm gỗ tối
đa khoảng 2,6 triệu tấn/năm.
- Vùng Bắc Trung bộ: sản xuất dăm gỗ
tối đa khoảng 1,1 triệu tấn/năm.
- Vùng Nam Trung bộ: sản xuất dăm gỗ
tối đa khoảng 1,8 triệu tấn/năm.
2.2. Đến năm 2020
- Vùng Đông Bắc bộ: sản xuất dăm gỗ tối
đa khoảng 1,5 triệu tấn/năm.
- Vùng Bắc Trung bộ: sản xuất dăm gỗ
tối đa khoảng 1,0 triệu tấn/năm.
- Vùng Nam Trung bộ: sản xuất dăm gỗ
tối đa khoảng 1,0 triệu tấn/năm.
III. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Sắp xếp, đổi mới nâng cao hiệu
quả các cơ sở sản xuất dăm gỗ
- Đối với các vùng: Tây Bắc bộ, Đồng
bằng Sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long: tạm dừng
phê duyệt dự án xây dựng mới cơ sở sản xuất dăm gỗ. Khuyến khích các cơ sở sản
xuất dăm gỗ hiện có đầu tư chế biến sau dăm, nếu không thực hiện được thì phải
ngừng sản xuất;
- Đối với các vùng: Đông Bắc bộ, Bắc
Trung bộ và Nam Trung bộ hạn chế phê duyệt đầu tư mới cơ sở sản xuất dăm gỗ, chỉ
xem xét trong trường hợp những dự án có đầu tư chế biến sau dăm gỗ ở giai đoạn từ
năm 2016-2020, nhưng phải có thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn.
Căn cứ tình hình thực tế nguyên liệu
trên địa bàn, các địa phương, điều chỉnh quy mô sản xuất dăm gỗ, sản phẩm chế
biến phù hợp.
2. Phát triển chế biến sản phẩm gỗ
- Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ
các nhà đầu tư chế biến gỗ, để đến năm 2020: các cơ sở sản xuất ván sợi MDF,
ván dăm và viên nén chất đốt đi vào sản xuất với sản lượng khoảng đạt khoảng
2,5 triệu tấn sản phẩm/năm và thúc đẩy các nhà máy giấy đạt khoảng 750 nghìn tấn
bột giấy/năm, tiêu thụ khoảng 6,5 triệu m3 gỗ nhỏ. Phát triển thêm
các cơ sở sản xuất ghép thanh và các loại ván nhân tạo khác và các vật liệu hỗ
trợ trong chế biến gỗ.
- Xây dựng và mở rộng các cơ sở chế
biến gỗ ở các khu vực có thuận lợi về cơ sở hạ tầng. Thu hút, khuyến khích đầu
tư xây dựng mới các cơ sở chế biến sản phẩm gỗ ở khu vực vùng sâu, vùng xa có
nhiều nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng.
3. Về thị trường
- Duy trì ổn định các thị trường hiện
có (Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU...) và phát triển các thị trường mới như Nga,
Trung Đông,... Từng bước xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm gỗ Việt Nam tại
nước ngoài. Tổ chức các hội chợ chuyên ngành, phát triển thị trường nội địa.
- Triển khai đàm phán ký kết các hiệp
định song phương và đa phương xúc tiến thương mại, hướng vào các thị trường lớn.
Hỗ trợ về thông tin thị trường định hướng cho các doanh nghiệp chủ động thích ứng
và hạn chế những tác động bất lợi do rào cản thương mại và chính sách bảo hộ của
các thị trường xuất khẩu.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát nhằm tạo ra sự cạnh tranh công bằng cho các sản phẩm gỗ đã công bố về chất
lượng, ghi nhãn và ổn định thị trường nội địa.
4. Về chính sách
Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
ban hành một số chính sách:
- Chính sách thuế: Tăng thuế xuất khẩu
dăm gỗ từ 0% hiện nay lên từ 5-10%. Áp mức thuế giá trị gia tăng là 10% và thuế
thu nhập doanh nghiệp là 25% đối với doanh nghiệp sản xuất dăm gỗ.
- Chính sách tín dụng: Xây dựng chính
sách tín dụng đối với chủ rừng có cam kết trồng mới rừng kinh doanh gỗ lớn hoặc
giữ lại rừng đã trồng kéo dài thời gian chăm sóc để kinh doanh gỗ lớn tối thiểu
là 10 năm với cơ chế: cho chủ rừng được thế chấp rừng vay vốn đầu tư cho trồng,
chăm sóc tối thiểu bằng chu kỳ trồng rừng, với lãi suất ưu đãi không quá
5%/năm, trả tiền gốc và lãi 01 lần sau khi khai thác. Đối với cá nhân, tổ chức
đã có rừng trồng từ 5 tuổi trở lên, nếu giữ lại để kinh doanh gỗ lớn (trên 10
năm) thì hỗ trợ thêm tiền bảo vệ (200.000 đồng/ha/năm).
- Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp:
+ Khuyến khích các doanh nghiệp đầu
tư vào lâm nghiệp, nông thôn phát triển các cơ sở chế biến sử dụng gỗ rừng trồng
(theo quy định) trong nước để sản xuất các sản phẩm mộc có giá trị cao tiêu thụ
trong nước và xuất khẩu trong 5 năm đầu khi bắt đầu sản xuất, với cơ chế: hoàn
lại toàn bộ thuế giá trị gia tăng, miễn tiền thuê đất khi xây dựng nhà máy, hỗ
trợ 50% cước phí vận chuyển nguyên liệu;
+ Hỗ trợ đầu tư, chuyển giao tiến bộ
khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho sản xuất nguyên liệu phù trợ, phục vụ
trong chế biến xuất khẩu gỗ.
5. Về khoa học công nghệ
- Tập trung nghiên cứu, chuyển giao
khoa học-công nghệ, nhất là các đề tài, dự án về thiết kế sản phẩm, vật liệu phụ
trợ.
- Xây dựng các trung tâm nghiên cứu,
thiết kế mẫu mã sản phẩm gỗ từ nguồn kinh phí khoa học công nghệ của Nhà nước.
- Nghiên cứu và áp dụng tiến bộ kỹ
thuật về biến tính gỗ nhằm nâng cao khả năng sử dụng gỗ rừng trồng kích thước
nhỏ, tạo nguyên liệu chất lượng cao để chế biến sản phẩm đồ gỗ có giá trị.
6. Về vốn thực hiện
Tổng vốn dự kiến thực hiện Phương án
là 7.500 triệu đồng, cụ thể:
- Kinh phí cho công tác quản lý, tổ
chức thực hiện Phương án và kiểm tra định kỳ hàng năm (giai đoạn 2015-2020) các
cơ sở chế biến gỗ và sản phẩm gỗ trên toàn quốc: 1.000 triệu đồng.
- Kinh phí cho công tác xây dựng
chính sách hỗ trợ và khuyến khích chế biến gỗ và sản phẩm gỗ sâu; chính sách quản
lý sử dụng nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị chuỗi trong sản xuất lâm nghiệp;
chính sách quản lý rừng bền vững và khoa học kỹ thuật: 1.500 triệu đồng.
- Các dự án ưu tiên về đánh giá thực
trạng sản xuất dăm gỗ và cơ cấu sản phẩm gỗ và sản phẩm của gỗ trên toàn quốc:
5.000 triệu đồng.
Điều 2: Tổ chức
thực hiện
1. Đối với Tổng cục Lâm nghiệp
- Tổ chức thu thập, xử lý, tổng hợp
tình hình, tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện kế
Phương án.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên
quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh hướng dẫn việc triển khai
Phương án, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện.
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên
quan tham mưu và trình Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế chính
sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp/cơ sở chế biến gỗ sâu/tinh sử dụng hết
nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, từng bước giảm dần tỷ trọng nhập khẩu gỗ nguyên
liệu và khai thác gỗ từ rừng tự nhiên trong nước.
- Nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ
các chủ rừng thực hiện quản lý rừng bền vững đạt chứng chỉ cho gỗ nguyên liệu
đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.
2. Đối với các địa phương
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn triển khai quán triệt nội dung Phương án một cách đầy đủ, tham mưu cho cấp
ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo cụ thể trong tổ chức thực hiện Phương án, đồng
thời triển khai các công việc cụ thể sau:
- Tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng quy
hoạch chế biến gỗ của mình trên cơ sở Quy hoạch công nghiệp chế biến gỗ đến năm
2020 và định hướng đến 2030 được Bộ phê duyệt tại Quyết định số 2728/QĐ-BNN-CB
ngày 31/10/2012.
- Tổ chức rà soát, sắp xếp lại các cơ
sở sản xuất dăm gỗ gắn với vùng nguyên liệu theo định hướng đã xác định theo
Phương án.
- Báo cáo kết quả thực hiện về Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Bộ, Tổng
cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Công Thương; KHĐT; Tài Chính; KH&CN; TN&MT;
- Bộ trưởng và Thứ trưởng;
- Các Cục, Vụ: Chế biến NLT sản và Nghề muối; KH; TC; PC; KHCN;
- Các hội, hiệp hội chế biến gỗ;
- Trung tâm tin học Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCLN.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hà Công Tuấn
|