Quyết định 86/QĐ-BYT năm 2018 về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế

Số hiệu 86/QĐ-BYT
Ngày ban hành 08/01/2018
Ngày có hiệu lực 08/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Thị Kim Tiến
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 86/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG Y TẾ THUỘC BỘ Y TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí chức năng

1. Cục Quản lý môi trường y tế là cục chuyên ngành thuộc Bộ Y tế, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về các lĩnh vực: vệ sinh sức khỏe môi trường; vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; vệ sinh sức khỏe trường học; vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng chống thương tích; quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế theo quy định của pháp luật.

2. Cục Quản lý môi trường y tế có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại Thành phố Hà Nội.

Điều 2. Nhiệm vụ, quyền hạn

1. Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các lĩnh vực: vệ sinh sức khỏe môi trường; vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt; vệ sinh sức khỏe trường học; vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng chống thương tích; quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế theo quy định của pháp luật.

2. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về lĩnh vực được phân công, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo, tổ chức triển khai, hướng dẫn thực hiện sau khi được phê duyệt.

3. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi bổ sung danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

4. Về vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt:

a) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt theo quy định của pháp luật;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu tới sức khỏe do các yếu tố nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, các vấn đề y tế công cộng liên quan đến ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe con người trước tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các yếu tố môi trường bất lợi trong phạm vi chức năng, quyền hạn được giao;

c) Tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn nâng cao năng lực về vệ sinh sức khỏe môi trường, vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh cá nhân, vệ sinh chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt;

d) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc ứng phó với các tình huống khẩn cấp về y tế công cộng liên quan đến ô nhiễm môi trường.

5. Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về vệ sinh trong việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, hỏa táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện hoạt động vệ sinh sức khỏe trường học.

7. Về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng chống thương tích.

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nghề nghiệp; điều tra bệnh nghề nghiệp; xây dựng danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại và đặc biệt nặng nhọc độc hại cho người lao động trong ngành y tế;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở y tế; vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở lao động theo quy định của pháp luật;

c) Quản lý, hướng dẫn và tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc môi trường lao động tại cơ sở lao động; chỉ đạo quan trắc môi trường lao động tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp; đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc; xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động quan trắc môi trường lao động; tổ chức thẩm định và công bố các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế có đủ năng lực, điều kiện quan trắc môi trường lao động hoặc đình chỉ hoạt động các tổ chức này theo quy định của pháp luật;

d) Hướng dẫn theo thẩm quyền công tác quản lý vệ sinh lao động, khám sức khỏe người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, quản lý sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; quản lý về công tác cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, huấn luyện sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; tổ chức thẩm định, trình cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám, điều trị bệnh nghề nghiệp; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, công bố đơn vị y tế đủ điều kiện huấn luyện cấp chứng chỉ, chứng nhận chuyên môn về y tế lao động theo quy định của pháp luật;

e) Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động bao gồm cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động: làng nghề, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, lao động tự do;

g) Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện theo thẩm quyền về công tác phòng chống thương tích, sơ cấp cứu tại cộng đồng và sơ cấp cứu tại nơi làm việc.

[...]