Quyết định 85/2002/QĐ-BTC về Quy chế quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 85/2002/QĐ-BTC
Ngày ban hành 01/07/2002
Ngày có hiệu lực 26/04/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 85/2002/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 01 tháng 7 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 85/2002/QĐ-BTC NGÀY 01 THÁNG 07 NĂM 2002 VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11 tháng 4 năm 2002 của Chính phủ về Chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Tài chính, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

Điều 2: Uỷ quyền cho Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp làm chủ tài khoản và quản lý, điều hành Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/04/2002 đến hết ngày 31/12/2005.

Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch uỷ ban nhân dân các Tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị các Tổng công ty 91, các đơn vị thuộc hệ thống tài chính, kho bạc nhà nước, và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ HỖ TRỢ LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 85 /2002/QĐ-BTC ngày 01 tháng 07 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: "Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước" (sau đây gọi tắt là Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư) được thành lập để hỗ trợ người lao động bị mất việc hoặc nghỉ hưu sớm (gọi tắt là lao động dôi dư) do cơ cấu lại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Nghị định số 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước (gọi tắt là Nghị định 41/2002/NĐ-CP).

Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư cấp kinh phí cho các doanh nghiệp nhà nước thuộc diện áp dụng các biện pháp sắp xếp lại theo kế hoạch của Chính phủ, các công ty cổ phần được chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước có phương án cơ cấu lại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận trong vòng 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp (gọi tắt là công ty cổ phần), các tổ chức được thành lập để giải quyết lao động dôi dư trong các doanh nghiệp Nhà nước bị giải thể, phá sản (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ sở dạy nghề cho lao động dôi dư.

Điều 2: Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư đặt trụ sở tại Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp - số 4, ngõ Hàng Chuối 1, phố Hàng Chuối, Hà Nội) và mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước Trung ương để tiếp nhận và sử dụng các nguồn vốn theo quy định tại Quy chế này.

Điều 3: Nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư hình thành từ:

- Ngân sách Nhà nước;

- Viện trợ của các tổ chức, cá nhân;

- Các nguồn khác (nếu có).

Điều 4: Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư có trách nhiệm cấp kinh phí đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch. Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư chỉ hỗ trợ kinh phí theo nguyên tắc một lần cho mỗi doanh nghiệp và một lần cho mỗi người lao động.

II - NỘI DUNG HỖ TRỢ CỦA QUỸ HỖ TRỢ LAO ĐỘNG DÔI DƯ

Điều 5: Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư thực hiện hỗ trợ cho người lao động dôi dư theo quy định tại điểm b khoản 1, khoản 2 và điểm b, điểm c khoản 3 Điều 3; khoản 2 Điều 4 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 6: Đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính sau khi đã sử dụng hết số dư Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của doanh nghiệp (được trích lập đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước) mà không đủ nguồn để trả trợ cấp cho người lao động mất việc thuộc phần trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 3, khoản 1 Điều 4 Nghị định số 41/2002/NĐ-CP thì được Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư hỗ trợ phần còn thiếu.

Đối với những doanh nghiệp nhà nước bị giải thể, phá sản, Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư cấp toàn bộ kinh phí để giải quyết chế độ thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp cho người lao động dôi dư được tuyển dụng trước ngày 26/4/2002.

Điều 7: Người lao động đã nhận trợ cấp từ Quỹ Hỗ trợ lao động dôi dư nếu được tái tuyển dụng vào làm việc ở doanh nghiệp đã cho thôi việc, hoặc được doanh nghiệp nhà nước khác tuyển dụng thì phải thực hiện quy định tại điểm 3, phần II Thông tư số 11/2002/TT-BLĐ-TB&XH ngày 12/6/2002 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điều của Nghị định số 41/2002/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Thông tư số 11/2002/TT-BLĐ-TB&XH).

[...]