ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
|
Số: 844/QĐ-UBND
|
Hà Giang, ngày
08 tháng 5 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN GẮN GIÁO DỤC VỚI DẠY NGHỀ CHO HỌC VIÊN TẠI CÁC TRUNG TÂM
GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013-2015, ĐỊNH HƯỚNG
ĐẾN NĂM 2020
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG
Căn cứ Luật tổ chức HĐND - UBND các cấp ngày
26/11/2003;
Chỉ thị số 10 - CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ
Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả
phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh
sau Trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn;
Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 của
Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội đối
với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo
công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng
Chính phủ;
Quyết định số 01/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 02/01/2007
của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của
các TTGDTX;
Quyết định số 08/2007/QĐ-BLĐTBXH, ngày 23/3/2007
của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ban hành Quy chế tuyển sinh
học nghề;
Thông tư liên tịch số 65/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH,
ngày 12/7/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc
hướng dẫn thực hiện chính sách dạy nghề đối với học sinh dân tộc thiểu số Nội
trú;
Thông tư số 17/2010/TT-BLĐTBXH ngày 04/6/2010 của
Bộ Lao động - TBXH về ban hành bảng danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp
nghề, trình độ cao đẳng nghề;
Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ
trình số 69/TTr-SGD ngày 25/4/2013 về việc Phê duyệt Đề án gắn giáo dục với dạy
nghề cho học viên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hà
Giang giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Gắn giáo dục với dạy
nghề cho học viên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Hà
Giang giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020
Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan Thường trực của Đề án có
trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân
các huyện/thành phố triển khai, tổ chức thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Giáo dục và Đào
tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư,
Chủ tịch UBND các huyện/thành phố; Thủ trưởng các sở, ngành chức năng có liên
quan căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày kí
ban hành./.
Nơi nhận:
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- TTr Tỉnh uỷ; TTr HĐND Tỉnh;
- TTr Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, NC, KTTH, VX.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Đàm Văn Bông
|
ĐỀ ÁN
GẮN GIÁO DỤC VỚI DẠY NGHỀ CHO HỌC VIÊN TẠI CÁC TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG
XUYÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013-2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 844/QĐ- UBND ngày 08 tháng 05 năm 2013 của ủy
ban nhân dân tỉnh Hà Giang)
Phần 1
NHỮNG VẤN ĐỀ
CHUNG
I. SỰ CẦN THIẾT
XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Từ Đại hội lần IX đến nay, Đảng ta
luôn khẳng định, mục tiêu đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành một nước công
nghiệp theo hướng hiện đại. Đối với Hà Giang là một tỉnh có điều kiện và tốc độ
phát triển kinh tế thấp, đời sống của nhân dân còn khó khăn. Vì vậy, nếu chúng
ta không nhanh chóng tìm ra những giải pháp mang tính đột phá, đi tắt, đón đầu,
tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển kinh tế xã hội thì chúng ta sẽ càng tụt hậu
xa hơn so với nhiều tỉnh trong khu vực và cả nước. Với những yêu cầu đặt ra
trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế,
đòi hỏi tỉnh ta cùng với cả nước phải có đội ngũ lao động kỹ thuật đủ về số lượng,
có kiến thức, có kỹ năng nghề thành thạo với cơ cấu hợp lí và trình độ đào tạo
phù hợp, đáp ứng nhu cầu xã hội.
Theo quan điểm của Đảng, trong giai
đoạn 2011-2020, công tác dạy nghề ở nước ta phải thực hiện được hai nhiệm vụ
chiến lược cơ bản, đó là: Đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật trực tiếp trong sản
xuất, kinh doanh có trình độ cao, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu ngành nghề;
có đủ điều kiện và khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, vùng kinh
tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm, đáp ứng
yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác phân
luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, đồng thời tạo nguồn
lực lao động có chất lượng cho xã hội. Trong những năm qua, các Trung tâm Giáo
dục thường xuyên (TTGDTX) của tỉnh đã chủ động liên kết với các trường đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề trên cả nước, đặc biệt
là các trường nghề của tỉnh mở các lớp đào tạo nghề cho học viên với hình thức
vừa học văn hóa (chương trình bổ túc trung học phổ thông) vừa học nghề với
trình độ sơ cấp, trung cấp, công việc đó bước đầu đã thu được những kết quả nhất
định. Tuy nhiên, chất lượng và hiệu quả chưa cao. Để công tác này đi vào hoạt động
có nền nếp, đạt hiệu quả và mang tầm chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển
kinh tế, xã hội của tỉnh, của đất nước, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án “Gắn
giáo dục với dạy nghề cho học viên tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên trên
địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020”
II. CĂN CỨ PHÁP LÝ
ĐỂ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Các văn bản Luật
- Luật Giáo dục.
- Luật Dạy nghề.
2. Các văn bản của Bộ Chính trị,
Chính phủ
- Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày
05/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi,
củng cố kết quả phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở, tăng cường phân
luồng học sinh sau Trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn
- Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày
21/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ
cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các
trường đào tạo công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày
23/12/1997 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Các văn bản của các Bộ, ngành
- Quyết định số 01/2007/QĐ - BGDĐT,
ngày 02/01/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ban hành Quy chế tổ chức
và hoạt động của các TTGDTX.
- Quyết định số 08/2007/QĐ - BLĐTBXH,
ngày 23/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ban hành Quy
chế tuyển sinh học nghề.
- Thông tư liên tịch số
13/2002/TTLT-BGDĐT-BTC, ngày 28/3/2002 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài
chính về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001
của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh mức học bổng chính sách và trợ cấp xã hội
đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường đào tạo
công lập quy định tại Quyết định số 1121/1997/QĐ-TTg ngày 23/12/1997 của Thủ tướng
Chính phủ.
- Thông tư liên tịch số
65/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH, ngày 12/7/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện chính sách dạy nghề đối với học
sinh dân tộc thiểu số Nội trú.
- Thông tư số 17/2010/TT-BLĐTBXH ngày
04/6/2010 của Bộ Lao động - TBXH về ban hành bảng danh mục nghề đào tạo trình độ
trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề.
4. Các văn bản của Tỉnh
- Nghị quyết số 24/2011/NQ-HĐND, ngày
15/7/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang khóa XVI - kỳ họp thứ hai về việc
quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề
nghiệp và giáo dục đại học ở các cơ sở giáo dục đào tạo công lập trên địa bàn tỉnh
Hà Giang từ năm học 2011-2012 đến hết năm học 2014-2015.
III. PHẠM VI VÀ ĐỐI
TƯỢNG
1. Phạm vi
- Đề án áp dụng kết hợp dạy văn hóa
(chương trình bổ túc trung học phổ thông) với dạy nghề trình độ trung cấp hoặc
cao đẳng cho học viên học tại các TTGDTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn
2013-2015, định hướng đến năm 2020.
- Đề án bắt đầu triển khai thực hiện
từ năm học 2013-2014.
2. Đối tượng
Học viên học lớp 10, 11, 12 tại các
TTGDTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Phần 2
THỰC TRẠNG VIỆC
DẠY VĂN HÓA VÀ DẠY NGHỀ CHO HỌC VIÊN TẠI CÁC TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN
I. THỰC TRẠNG
CÁC TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN, TRUNG TÂM KĨ THUẬT TỔNG HỢP - HƯỚNG NGHIỆP
TỈNH
1. Quy mô Trung tâm, học viên
Toàn tỉnh có 11 TTGDTX trực thuộc sở
Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý (trong đó: 01 TTGDTX tỉnh và 10 TTGDTX
huyện), 01 trung tâm Kĩ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh.
Hiện nay, các TTGDTX có tổng số 123 lớp
với 4.834 học viên, trong đó: Khối Bổ túc THCS: 7 lớp với 157 học viên; Khối Bổ
túc THPT: 116 lớp với 4.551 học viên.
Trung tâm Kĩ thuật tổng hợp - Hướng
nghiệp (TTKTTH-HN) tỉnh có tổng số 33 lớp với 1082 học viên, trong đó: Học nghề
phổ thông: 30 lớp với 995 học viên; Nghề trung cấp: 3 lớp với 87 học viên.
2. Đội ngũ giáo viên, nhân viên
- Các TTGDTX trong tỉnh có tổng số
cán bộ giáo viên, nhân viên là 292 người, trong đó: Cán bộ quản lý: 24 người,
giáo viên cơ hữu: 210 người, giáo viên hợp đồng: 03 người, cán bộ hành chính:
82 người.
- Trung tâm KTTHHN tỉnh có tổng số
cán bộ, giáo viên, nhân viên là 29 người, trong đó: cán bộ quản lý: 02 người,
giáo viên: 20 người, giáo vụ: 02 người, cán bộ hành chính, phục vụ: 05 người.
3. Cơ sở vật chất, thiết bị
- Trung tâm GDTX có: 112 phòng học,
trong đó: 92 phòng kiên cố; 07 phòng thí nghiệm; 10 phòng thư viện, 184 máy
tính.
- Trung tâm KTTHHN tỉnh có: 16 phòng
học, trong đó: 14 phòng kiên cố; 07 phòng học bộ môn; 01 thư viện; 70 máy tính;
01 xưởng thực hành (nhà tạm đã xuống cấp)
II. CÁC CƠ SỞ ĐÀO
TẠO NGHỀ
1. Quy mô, ngành nghề
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang
có 2 cơ sở đào tạo nghề (Trường Cao đẳng nghề tỉnh Hà Giang và trường Trung cấp
nghề Bắc Quang) có chức năng và được cấp phép dạy nghề theo quy định ở trình độ
trung cấp nghề bao gồm các nghề: Kỹ thuật xây dựng; Công nghệ ô tô; Chăn nuôi
gia súc, gia cầm; Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Điện tử dân dụng; Quản trị
cơ sở dữ liệu; May thời trang; Vận hành máy thủy điện; Gia công thiết kế sản phẩm
mộc; Thú y; Trồng cây lương thực, thực phẩm; Lâm sinh; Hàn; Xây dựng và hoàn
thiện công trình thủy lợi; Công tác xã hội; Công nghệ thông tin và các ngành
nghề khác khi người học có nhu cầu. Có 13 Trung tâm Dạy nghề được phép dạy sơ cấp
nghề và liên kết dạy nghề hệ Trung cấp nghề.
Ngoài ra, các TTGDTX còn liên kết với
một số cơ sở đào tạo nghề ngoài tỉnh để tổ chức đào tạo nghề trình độ trung cấp
cho học viên như: Trường Cao đẳng nghề Cơ điện - Luyện kim Thái Nguyên, Trường
Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ, Trường Cao đẳng nghề và Công nghệ
Nông lâm Đông Bắc.
2. Đội ngũ giáo viên
- Trường Trung cấp nghề Bắc Quang có
tổng số 35 giáo viên, trong đó: có 04 giáo viên dạy lý thuyết; 07 giáo viên dạy
thực hành, 24 giáo viên dạy tích hợp (vừa dạy lí thuyết, vừa dạy thực hành).
- Trường Cao đẳng nghề Hà Giang có tổng
số 70 giáo viên, trong đó: có 10 giáo viên dạy thực hành, 60 giáo viên dạy tích
hợp.
3. Cơ sở vật chất, thiết bị, giáo
trình, tài liệu
Hai cơ sở đào tạo nghề có đầy đủ cơ sở
vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu đảm bảo cho công tác dạy và học
các nghề được cấp phép đăng ký hoạt động.
III. ĐÁNH GIÁ THỰC
TRẠNG GẮN DẠY VĂN HÓA VỚI DẠY NGHỀ CHO HỌC VIÊN TẠI CÁC TRUNG TÂM GDTX
1. Đánh giá thực trạng
Với chức năng nhiệm vụ quy định,
trong những năm qua. các TTGDTX trên địa bàn tỉnh đã tích cực liên kết với các
cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề cho học viên với
hình thức vừa học văn hóa (chương trình bổ túc trung học phổ thông) vừa học nghề
trình độ trung cấp, góp phần đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học
cơ sở và trung học phổ thông, đồng thời tạo nguồn lực lao động có chất lượng
cho tỉnh (hiện đang có 10 Trung tâm GDTX cấp huyện đã tổ chức liên kết dạy nghề
hệ trung cấp).
Trong quá trình tổ chức thực hiện còn
gặp không ít khó khăn, hạn chế như:
- Công tác tuyển sinh: Việc tuyên
truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về nghề nghiệp còn nhiều hạn chế, bất cập.
Do điều kiện kinh tế, phần lớn các học viên gặp nhiều khó khăn trong việc đóng
học phí để vừa học văn hóa vừa học nghề. Vì vậy, tỷ lệ học viên học theo hình
thức này còn thấp (khoảng gần 40%), hầu hết là các em trong diện được miễn học
phí và hưởng trợ cấp xã hội.
- Cơ sở vật chất: Các TTGDTX cơ sở vật
chất còn thiếu như: Phòng học văn hóa, phòng học lý thuyết nghề,..., ảnh hưởng
không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả dạy văn hóa và dạy nghề. Đến nay, toàn tỉnh
còn thiếu 29 phòng học văn hóa và lý thuyết nghề (chi tiết theo biểu đính kèm).
- Tổ chức thực hiện trong những năm
qua: Công tác này chưa đi vào hoạt động thường xuyên, nền nếp, hiệu quả đào tạo
chưa cao, kế hoạch đào tạo chưa mang tầm chiến lược, nhiều ngành nghề chất lượng
còn thấp, đầu ra không có hoặc không đáp ứng thị trường lao động, nguyên nhân
chủ yếu là:
+ Một số học viên chưa chủ động tham
gia học nghề, chưa xác định học nghề để lập thân, lập nghiệp nên đi học mang
tính hình thức, để được lấy tiền trợ cấp.
+ Do đào tạo chủ yếu là lưu động tại
Trung tâm giáo dục thường xuyên các huyện nên công tác phối hợp quản lý học
viên chưa được thường xuyên. Đội ngũ giáo viên một số ngành nghề còn thiếu; một
số giáo viên mới ra trường chất lượng chuyên môn, phương pháp và kỹ năng nghề của
giáo viên còn hạn chế; công tác phối hợp quản lý, thăm lớp dự giờ đánh giá chất
lượng giảng dạy chưa thường xuyên.
+ Cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư đồng
bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu nhiều; Một số nghề trang thiết bị
nặng, cồng kềnh, khó vận chuyển lưu động, dẫn đến một số nghề khâu thực hành
còn nhiều hạn chế.
+ Một số lớp nghề còn tuyển sinh học
viên vào học nghề từ lớp 11, do vậy dẫn đến quá tải với học viên (học viên học
cả thứ 7 và học hè mới đảm bảo hoàn thành chương trình nghề).
+ Công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo
chưa gắn với địa chỉ sử dụng, chất lượng đào tạo còn thấp nên nhiều học viên ra
trường không có việc làm hoặc không đáp ứng thị trường lao động.
2. Kết quả đạt được
- Các Trung tâm GDTX đã và đang tổ chức
được tổng số 47 lớp với 1.864 học viên, trong đó: Đã được cấp bằng tốt nghiệp bổ
túc trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung cấp nghề là 162 học viên; hiện
đang duy trì 43 lớp, 16 nghề với 1.702 học viên.
- Trung tâm KTTHHN tỉnh: Thực hiện Đề
án 661/ĐA-GDĐT ngày 18/10/2001 của UBND tỉnh, từ năm 2001 đến 2013 trung tâm đã
phối hợp với TTGDTX tỉnh và các cơ sở đào tạo nghề, tổ chức dạy văn hóa kết hợp
với dạy nghề cho 991 học viên, trong đó đã được cấp bằng tốt nghiệp bổ túc
trung học phổ thông và bằng tốt nghiệp trung cấp nghề: 904 học viên; hiện đang
duy trì 03 lớp, 03 nghề với 87 học viên.
3. Dự báo số học viên vừa học văn
hóa vừa học nghề trên địa bàn tỉnh
Mỗi năm trung bình tỷ lệ học sinh tốt
nghiệp sau trung học cơ sở vào học lớp 10 bổ túc trung học phổ thông tại các
TTGDTX trong toàn tỉnh trung bình khoảng 1.500 học viên/năm. Huy động vào học
nghề giai đoạn 2013-2015 (03 năm): 4.500 học viên, giai đoạn 2016-2020 (05
năm): 7.500 học viên.
Phần 3
NỘI DUNG CỦA ĐỀ
ÁN
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Thực hiện dạy văn hóa gắn với dạy nghề
trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho học viên tại các TTGDTX trên địa bàn
tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013- 2015, định hướng đến năm 2020, nhằm góp phần đẩy
mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông, đồng
thời đào tạo được nguồn lực lao động có chất lượng cho tỉnh và xã hội, góp phần
chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Giải quyết và đáp ứng một phần
nhu cầu học tập, đào tạo của con, em đồng bào các dân tộc trong tỉnh, nhất là đối
với những học viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc năng lực học tập không cao.
2.2. Đào tạo nguồn nhân lực có trình
độ văn hóa, có kiến thức nghề nghiệp, giảm bớt khó khăn cho gia đình do con em
có nhu cầu được học nghề không phải đi học xa.
2.3. Huy động tối đa số học viên
TTGDTX vừa học văn hóa (chương trình trung học phổ thông) vừa học nghề trình độ
trung cấp. Hàng năm phấn đấu huy động từ 100% số học viên các TTGDTX vừa học
văn hóa vừa học nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề.
2.4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả
công tác dạy văn hóa, gắn với dạy nghề tại các TTGDTX để sau 3 năm học, học
viên sẽ đạt trình độ văn hóa cấp THPT (hệ bổ túc) và trình độ Trung cấp nghề. Học
viên được trang bị hành trang cơ bản, vững chắc để có thể tiếp tục theo học ở
trình độ cao hơn hoặc đi vào cuộc sống lao động một cách vững vàng .
2.5. Duy trì củng cố hệ thống TTGDTX,
cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất,
trang thiết bị dạy và học cho các TTGDTX, cơ sở dạy nghề để đáp ứng yêu cầu cho
công tác vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho các học viên TTGDTX.
II. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP
1. Tăng cường công tác tuyên truyền với
nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về nghề nghiệp.
2. Đổi mới và thực hiện tốt công tác
giáo dục, tư vấn và định hướng nghề nghiệp cho các học sinh trong các nhà trường
phổ thông. Tuyển sinh học nghề đối với học viên ngay từ lớp 10, đồng thời phải
xây dựng chương trình dạy nghề, bố trí lịch học phù hợp với đối tượng là học
viên vừa học văn hóa vừa học nghề.
3. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật
chất, trang thiết bị, bố trí và sử dụng đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên,
nhân viên cho các TTGDTX, các cơ sở dạy nghề, đáp ứng yêu cầu dạy và học.
4. Tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo,
nâng cao chất lượng đào tạo, xác định ngành nghề đào tạo vừa phải phù hợp theo
nhu cầu thị trường lao động, vừa phải phù hợp với công tác đào tạo nghề lưu động
đối với các cơ sở dạy nghề. Mỗi cơ sở dạy nghề cần xác định các doanh nghiệp là
đơn vị đối tác chiến lược, ổn định lâu dài trong việc phối hợp đào tạo, tiếp nhận
và sử dụng nguồn nhân lực nghề.
5. Về chế độ, chính sách: Học viên học
văn hóa và học nghề tại các TTGDTX được hưởng cả 2 chế độ hỗ trợ cho người học
tại TTGDTX và cơ sở dạy nghề theo quy định của nhà nước. Học viên không thuộc
vùng khó khăn được miễn học phí học nghề tại TTGDTX. Khuyến khích cán bộ xã
đang học văn hóa ở TTGDTX tham gia học nghề.
III. CHƯƠNG
TRÌNH ĐÀO TẠO, ĐƠN VỊ PHỐI HỢP
1. Nội dung chương trình
- Học văn hóa: Học văn hóa theo
chương trình bổ túc trung học phổ thông do Bộ GD&ĐT quy định.
- Học nghề: Học nghề trình độ trung cấp
hoặc cao đẳng theo chương trình khung của từng nghề có trong danh mục đào tạo
nghề được quy định tại Thông tư số 17/2010/TT-BLĐTBXH ngày 04/6/2010 của Bộ Lao
động - TBXH về ban hành bảng danh mục nghề đào tạo trình độ trung cấp nghề,
trình độ cao đẳng nghề.
2. Thời gian đào tạo
Học văn hóa (lớp 10,11,12) và thi tốt
nghiệp trung học học phổ thông (hệ bổ túc) thời gian 3 năm. Học nghề trình độ
trung cấp hoặc cao đẳng với thời gian học 3 năm, học viên sẽ học cả ngày, học
văn hóa xen kẽ với học nghề, học 5 ngày/tuần, thời gian nghỉ hè của học viên là
20-30 ngày/năm, thời điểm học nghề được thực hiện ngay đối với những học viên
nhập học từ đầu năm học lớp 10.
3. Đơn vị phối hợp thực hiện: Các TTGDTX chủ trì, phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài
tỉnh.
IV. QUY MÔ THỰC HIỆN
ĐỀ ÁN
1. Yêu cầu kết hợp dạy văn hóa với
dạy nghề tại các trung tâm giáo dục thường xuyên
- Học văn hóa theo chương trình bổ
túc trung học phổ thông: Từ lớp 10 đến lớp 12.
- Các nghề đào tạo: Phải đảm bảo đáp ứng
theo nhu cầu của người học, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương, với vùng miền và xu thế phát triển chung của xã hội
2. Quy mô đào tạo
- Học văn hóa: Học viên vào học lớp
10 tại các TTGDTX giai đoạn 2013- 2015 (3 năm): 4.500 học viên, giai đoạn
2016-2020 (5 năm): 7.500 học viên.
- Học nghề: Học viên các TTGDTX tham
gia học nghề giai đoạn 2013-2015 (3 năm): 4.500 học viên, giai đoạn 2016-2020
(5 năm): 7.500 học viên.
V. ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Về tổ chức
- Đối với các TTGDTX: Thực hiện công
tác tuyển sinh, quản lý, tổ chức dạy và học văn hóa cho các học viên theo quy định,
đồng thời thực hiện chức năng tư vấn nghề nghiệp, liên kết đào tạo với các cơ sở
dạy nghề trong và ngoài tỉnh đã được các cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề cấp
giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề.
- Đối với các cơ sở dạy nghề: Thực hiện
công tác tuyển sinh dạy nghề theo quy định, tổ chức lớp học, kinh phí đào tạo,
xây dựng kế hoạch đào tạo, chương trình đào tạo, bố trí đủ giáo viên, giảng
viên, trang thiết bị đào tạo và các điều kiện khác đảm bảo cho công tác dạy nghề.
2. Về trang thiết bị, cơ sở vật chất
phục vụ đào tạo
- Tận dụng cơ sở vật chất hiện có của
TTGDTX và Trung tâm dạy nghề các huyện. Ngoài ra, có thể bố trí kinh phí đầu tư
cho các TTGDTX xây dựng thêm phòng học văn hóa và lý thuyết nghề còn thiếu, để
đảm bảo cho công tác vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề tại các TTGDTX. Riêng TTGDTX
tỉnh có thể tận dụng cơ sở vật chất của Trung tâm KTTHHN tỉnh.
- Các cơ sở dạy nghề phải đảm bảo đầy
đủ điều kiện về giáo viên, chương trình, giáo trình và trang thiết bị, vật tư
phục vụ cho công tác dạy nghề tại các TTGDTX đối với các nghề liên kết đào tạo
theo quy định có chất lượng, hiệu quả.
3. Phương thức tổ chức thực hiện
Cơ sở đào tạo nghề phối hợp với các
TTGDTX xác định rõ ngành nghề đào tạo. Xây dựng kế hoạch, thời khóa biểu dạy
xen kẽ giữa dạy văn hóa và dạy nghề và cử giáo viên, giảng viên giảng dạy trực
tiếp tại các TTGDTX. Địa điểm dạy lý thuyết nghề và một số tiết thực hành đơn
giản (theo đặc thù từng nghề), có thể sử dụng các phòng học của TTGDTX. Riêng
các tiết thực hành phức tạp và chương trình thực tập, học viên sẽ phải thực
hành, thực tập tại cơ sở đào tạo nghề hoặc các cơ sở thực hành, thực tập, do cơ
sở đào tạo nghề liên hệ (Các Trung tâm, Doanh nghiệp, nhà máy....) theo kế hoạch
đào tạo phù hợp.
4. Về kinh phí đào tạo
a) Kinh phí dạy Nghề ( Từ nguồn kinh phí đã giao cho các cơ sở dạy nghề trong dự toán
phân bố hàng năm )
+ Giai đoạn 2013-2015: Định mức kinh
phí dạy nghề trung bình 2.600.000 đồng/học viên/năm, ước tính khoảng 35.100.000.000
đồng
+ Giai đoạn 2016-2020: Ước định mức
kinh phí dạy nghề trung bình 3.000.000 đồng/học viên/năm, ước tính khoảng 65.500.000.000
đồng
Cộng:
100.600.000.000 đồng
b) Kinh phí trợ cấp xã hội (trong dự toán hàng năm giao cho TTGDTX)
(Ước khoảng 85% tổng số học viên được
hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo quy định hiện hành của Nhà nước)
+ Giai đoạn 2013 - 2015:
17.671.500.000 đồng.
+ Giai đoạn 2016 - 2020:
29.452.500.000 đồng.
Cộng:
47.124.000.000 đồng
Cộng (a+b):
147.724.000.000 đồng
5. Kinh phí xây dựng phòng học cho các trung tâm
GDTX
Một số Trung tâm GDTX còn thiếu phòng học, cần được
xây dựng vào giai đoạn 2013-2015, dự toán khoảng 400.000.000 đồng/phòng với tổng
kinh phí là:
400.000.000 đồng X
29 phòng = 11.600.000.000 đồng
Tổng cộng kinh phí dự kiến của Đề án:
Mục 4 + Mục 5 =
159.324.000.000 đồng
6. Phương thức quản lý, sử dụng kinh phí
- Kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (phòng học)
giao cho sở GD&ĐT.
- Kinh phí tư vấn, định hướng nghề nghiệp giao cho
các TTGDTX.
- Kinh phí đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các
cơ sở dạy nghề và kinh phí liên kết đào tạo nghề giao cho Sở Lao động Thương
binh và Xã hội.
- Kinh phí trợ cấp hàng tháng của học viên: Thực hiện
theo quy định tài chính hiện hành.
VI. HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ ÁN
1. Sau 3 năm học ra trường, học viên vừa có bằng tốt
nghiệp bổ túc trung học phổ thông, vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề hoặc
cao đẳng nghề.
2. Đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng
yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, ...
3. Phân luồng được học sinh sau Trung học cơ sở, tạo
công ăn việc làm cho các học viên sau khi ra trường (các học viên có thể tự tạo
việc làm, phát triển ngành nghề đã được đào tạo tại địa phương).
Phần 4
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan Thường trực của Đề án, chủ trì phối hợp
với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan trình ủy ban
nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo văn hóa gắn với dạy nghề cho học viên
tuyển mới lớp 10 tại các TTGDTX và kế hoạch liên kết dạy nghề với các cơ sở dạy
nghề trong và ngoài tỉnh, bắt đầu thực hiện từ năm học 2013-2014.
- Tổ chức thi, cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ
thông (hệ bổ túc) cho học viên TTGDTX theo quy định của Bộ GD&ĐT.
- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc tình hình thực hiện kế
hoạch dạy văn hóa cho học viên TTGDTX, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo
cáo UBND tỉnh, Bộ GD&ĐT.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, các cơ quan có
liên quan xây dựng kế hoạch tuyển sinh dạy nghề hàng năm trình UBND tỉnh phê
duyệt.
- Thực hiện công tác quản lý nhà nước về dạy nghề
theo quy định.
- Giao nhiệm vụ cho các cơ sở dạy nghề trình độ
trung cấp trên địa bàn tham gia dạy nghề hoặc liên kết dạy nghề cho học viên
các TTGDTX; Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề cho học viên
TTGDTX, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Lao động-
Thương binh và Xã hội theo quy định.
3. Sở Tài chính
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan bố
trí ngân sách chi thường xuyên chương trình sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cho
công tác dạy nghề gắn với học văn hóa của học viên các TTGDTX.
- Phối hợp với sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
Sở GD&ĐT và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám
sát, quá trình quản lí theo chức năng nhiệm vụ được giao.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì phối hợp với Sở GD&ĐT, Lao động -
Thương binh và Xã hội, hàng năm đưa công tác dạy nghề gắn với học văn hóa của học
viên các TTGDTX vào chương trình đào tạo và dạy nghề.
5. Sở Nội vụ
Bố trí đủ giáo viên cho các TTGDTX, các cơ sở dạy
nghề trong tỉnh, bảo đảm trình độ chuyên môn, đủ về số lượng, cơ cấu ngành nghề.
6. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố
- Đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng kế hoạch dạy văn
hóa gắn với dạy nghề cho học viên của TTGDTX trên địa bàn.
- Cho ý kiến về phương án xây dựng kế hoạch dạy văn
hóa gắn với dạy nghề cho học viên tuyển mới lớp 10 tại các TTGDTX thuộc địa bàn
quản lí và kế hoạch liên kết dạy nghề với các cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh,
bắt đầu từ năm học 2013-2014, gửi sở GD&ĐT tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt.
7. Các Trung tâm GDTX
- Chủ trì phối hợp với các cơ sở dạy nghề, xây dựng
kế hoạch tuyển sinh, đề xuất việc liên kết với các cơ sở đào tạo nghề trình
UBND huyện/thành phố cho ý kiến trước khi gửi sở GD&ĐT tổng hợp, trình UBND
tỉnh.
- Lập hồ sơ, sổ sách theo dõi các lớp dạy văn hóa
và đánh giá kết quả dạy văn hóa cho học viên TTGDTX theo quy định của Bộ
GD&DT.
- Tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông (hệ bổ
túc) theo sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT.
- Tổ chức triển khai, quản lí, kiểm tra, đánh giá
hoạt động dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề của đơn vị. Kịp thời phản ánh với cấp
có thẩm quyền về công tác liên kết, dạy nghề của các cơ sở đào tạo nghề tại
TTGDTX.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với sở GD&ĐT
và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
8. Cơ sở dạy nghề
- Phối hợp với các TTGDTX xây dựng kế hoạch tuyển
sinh các lớp dạy văn hóa gắn với dạy nghề cho học viên TTGDTX.
- Tổ chức dạy nghề, đánh giá kết quả dạy nghề, tổ
chức thi tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp nghề cho học viên theo quy định.
- Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Sở GD&ĐT
và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.
Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các ngành, các
đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả.