Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 84/2001/QĐ-UB về quy trình tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 84/2001/QĐ-UB
Ngày ban hành 21/09/2001
Ngày có hiệu lực 06/10/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Mai Quốc Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Thủ tục Tố tụng

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 84/2001/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 21 tháng 09 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TRÌNH TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998 và Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 07 tháng 8 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 14 tháng 7 năm 1993 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ngày 02 tháng 12 năm 1998;
Căn cứ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;
Xét tờ trình số 525/CV-TTr ngày 17 tháng 8 năm 2001 của Chánh Thanh tra thành phố;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy trình tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Những quy định trước đây trái với quy trình này đều bãi bỏ.

Điều 3.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng sở-ban-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận-huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3
- Thủ tướng Chính phủ
- Văn phòng Chính phủ
- Thanh tra Nhà nước
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND. TP
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố
- Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP
- Vụ Công tác phía Nam của Quốc hội
- Viện Kiểm sát nhân dân thành phố
- Văn phòng Thành ủy, các Ban Đảng
- Vụ Thanh tra XKT phía Nam (TTNN)
- Sở-Ban ngành thành phố
- Quận ủy, Huyện ủy, UBND Quận-Huyện
- Báo, Đài
- VPHĐ-UB: PVP/NC, các Tổ NCTH, các Phòng
- Lưu (TD)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Quốc Bình

 

 

QUY TRÌNH

TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP, KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 84 /2001/QĐ-UB ngày 21 tháng 9 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

QUY TRÌNH XỬ LÝ, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ NHÀ, ĐẤT (LIÊN QUAN ĐẾN TRÁCH NHIỆM GIẢI QUYẾT CỦA CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC)

Mục I . ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ-PHƯỜNG, THỊ TRẤN

Điều 1.- Nhiệm vụ hòa giải:

Ủy ban nhân dân xã-phường, thị trấn chỉ thực hiện việc hòa giải, không có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết các tranh chấp về nhà, đất.

Không được hòa giải các tranh chấp phát sinh do hành vi vi phạm các quy tắc quản lý Nhà nước về nhà, đất mà theo quy định của pháp luật phải bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Điều 2.- Nguyên tắc hòa giải:

1. Nhà nước khuyến khích việc hòa giải các tranh chấp trong nội bộ nhân dân trước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó nhằm hạn chế khiếu nại phát sinh từ cơ sở.

Ủy ban nhân dân xã-phường, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận, tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế ở cơ sở và công dân hòa giải các tranh chấp đất đai.

2. Việc hòa giải phải phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; tôn trọng sự tự nguyện của các bên, không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải; khách quan, công minh, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, không xâm phạm lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng; kịp thời chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hòa giải.

Điều 3.- Trình tự hòa giải:

1. Người được giao nhiệm vụ hòa giải (sau đây gọi chung là cán bộ hòa giải) phải xem xét nội dung đơn và trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn tranh chấp phải thông báo cho các bên tranh chấp biết, đồng thời xác định ngày, giờ mời các bên tranh chấp đến để tiến hành hòa giải.

2. Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt và phải lập biên bản gồm có các nội dung:

[...]