Quyết định 837/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả công tác Thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 837/QĐ-TTg
Ngày ban hành 14/07/2022
Ngày có hiệu lực 14/07/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Bình Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 837/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 7 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI CỦA CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI ĐẾN NĂM 2030”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 29 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 26/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao; Nghị định số 29/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 26/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị định số 72/2015/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác Thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030” (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chính sau đây:

I. QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Bám sát chủ trương, chiến lược, chính sách, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) là “một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng chuyên trách làm nòng cốt”. Theo đó, cần có “sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa thông tin đối nội và đối ngoại, giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân trong hoạt động TTĐN”; trên cơ sở “đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức thông tin, đa dạng hóa phương thức hoạt động TTĐN, thực hiện tốt phương châm chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp từng đối tượng”.

- Bám sát quan điểm, phương châm, mục tiêu, nội dung của dự thảo Chiến lược TTĐN đến năm 2030, tầm nhìn 2045 của Ban Chỉ đạo công tác TTĐN tnh Bộ Chính trị.

- Nằm trong chỉnh thể thống nhất của việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại nói chung và TTĐN nói riêng với 03 nhiệm vụ trọng tâm là: (i) Tích cực tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước và thành tựu phát triển của Việt Nam; (ii) Chủ động, kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch, nhất là trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo để bảo vệ hình ảnh đất nước; (iii) Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc ngoại giao Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đối ngoại trong kỷ nguyên số, phù hợp với thực lực và vị thế của một quốc gia tầm trung, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, góp phần hiện thực hóa khát vọng của dân tộc.

- Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện (CQĐD) là lực lượng tuyến đầu làm công tác TTĐN tại địa bàn ngoài nước, truyền tải thông tin trong nước đến với bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); tiếp thu tinh hoa văn hóa, kinh nghiệm phát triển của các nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng vai trò của Thủ trưởng các CQĐD.

- Bảo đảm thông tin liên tục, thúc đẩy công tác TTĐN của các CQĐD trên mọi phương diện; tăng cường sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí trong nước với các CQĐD, phát huy tối đa các cơ quan báo chí thường trú (Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...), các kênh truyền thông sở tại, các kênh thông tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) cũng như tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác TTĐN của đất nước nói chung và tại các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

- Khai thác tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai truyền thông số, triển khai công tác TTĐN qua các nền tảng mạng xã hội... nhằm đem lại hiệu quả và sức lan tỏa cao nhất.

II. MỤC TIÊU CHUNG CỦA ĐỀ ÁN

- Phục vụ việc quảng bá, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thu thập những thông tin có chọn lọc về tình hình, sự phát triển của thế giới, khu vực, về các vấn đề được dư luận và nhân dân trong nước quan tâm; đu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, sự hợp tác hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Tạo chuyển biến về nhận thức trong các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc công tác TTĐN của CQĐD chỉ có thể làm tốt khi huy động được sức mạnh, sự hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị, trong đó CQĐD là đơn vị tuyến đầu triển khai công tác TTĐN tại nước ngoài.

- Củng cố mối quan hệ thường xuyên, liên tục với các nhóm đối tượng cần tranh thủ ở nước ngoài đã hiểu biết về Việt Nam cũng như ưu tiên xây dựng quan hệ và tạo thiện cảm của các đối tượng như giới báo chí, giới trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...

- Triển khai chuyển đổi số, tạo biến chuyển mạnh mẽ trong nội dung, cách thức TTĐN của các CQĐD.

III. CÁC NHÓM NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

Đề án tiếp tục phát huy những giải pháp hiệu quả trong thời gian qua, đồng thời đề ra những cách làm mới, giải pháp mới nhằm khắc phục hạn chế và tạo bứt phá với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau:

1. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về nâng cao nhận thức

Nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về việc cùng phối hợp, hỗ trợ cung cấp thông tin, nguồn lực cho các CQĐD; nâng cao nhận thức của các trưởng CQĐD, cán bộ ngoại giao trong nước và ở nước ngoài về việc các CQĐD là lực lượng tuyến đầu trong việc triển khai TTĐN tại nước ngoài; coi công tác TTĐN là nhiệm vụ chung, thường xuyên, liên tục, phục vụ chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Chính phủ tại nước ngoài; nêu cao vai trò, trách nhiệm, sự chủ động của người đứng đầu, của Trưởng các CQĐD trong việc chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong triển khai công tác TTĐN tại địa bàn.

2. Nhóm nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý

Hoàn thiện các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong nước, trong đó có Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị, một số địa phương, các cơ quan báo chí chủ chốt với Bộ Ngoại giao và các CQĐD; xây dựng hành lang pháp lý để triển khai các biện pháp truyền thông mới, qua đó bắt kịp xu thế chuyển đổi số trong TTĐN.

[...]