Quyết định 789/QĐ-BCT năm 2014 phê duyệt Đề án “Tổ chức, sắp xếp cơ sở đào tạo thuộc Bộ đến năm 2020" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành

Số hiệu 789/QĐ-BCT
Ngày ban hành 22/01/2014
Ngày có hiệu lực 22/01/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công thương
Người ký Vũ Huy Hoàng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giáo dục

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 789/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "TỔ CHỨC, SẮP XẾP CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO THUỘC BỘ ĐẾN NĂM 2020"

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Quyết định số 7040/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ ý kiến của các thành viên Ban cán sự về nội dung Đề án "Tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đến năm 2020;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo thuộc Bộ đến năm 2020" với nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ NGUYÊN TẮC

1.1 Quan điểm

- Việc tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo phù hợp và góp phần thực hiện các Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Công Thương giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch mạng lưới - các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 - 2020, các Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của các địa phương, và các vùng kinh tế;

- Việc tổ chức, sắp xếp các cơ sở đào tạo đảm bảo tính hiệu quả của các cơ sở đào tạo, chú trọng về tính, đặc thù ngành nghề, vị trí địa lý, sự ổn định, có điều kiện phát triển các cơ sở đào tạo, góp phần cung cấp đủ số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của ngành Công Thương và của đất nước đến năm 2020; lộ trình thực hiện Đề án có tính linh hoạt, thời gian thực hiện lộ trình có thể kéo dài đến sau năm 2020, tùy thuộc vào biến động về nhu cầu nguồn nhân lực;

- Việc hợp nhất một số trường nhằm hình thành các cơ sở đào tạo có tiềm lực mạnh, tăng khả năng thu hút người học đồng thời giảm bớt áp lực về công tác tuyển sinh trên một số địa bàn, đầu tư tập trung cho các trường phấn đấu trở thành trường đạt tiêu chuẩn khu vực để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực;

- Các trường cao đẳng có đủ điều kiện về tiêu chuẩn trường đại học do Thủ tướng Chính phủ quy định, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới trường đại học của địa phương nơi trường đặt trụ sở chính sẽ được xem xét, đưa vào kế hoạch nâng cấp thành trường đại học.

1.2 Nguyên tắc

- Tổ chức, sắp xếp các cơ sở hướng tới đảm bảo điều kiện, để cơ sở đào tạo đáp ứng các tiêu chí theo quy định, làm cho cơ sở phát triển mạnh lên, nâng cao chất lượng đào tạo;

- Việc hợp nhất các cơ sở đào tạo dựa trên đặc điểm các cơ sở có nhiều ngành nghề trùng nhau trên cùng một địa bàn;

- Việc nâng cấp các cơ sở đào tạo phải phù hợp với quy hoạch mạng các cơ sở đào tạo của các địa phương và quy hoạch tổng thể các cơ sở đào tạo trên cả nước;

- Duy trì các cơ sở đào tạo ngoài cơ sở chính của các trường và nâng cấp thành phân hiệu theo quy định. Trường hợp không duy trì sẽ được cân nhắc chuyển giao cho các địa phương.

II. MỤC TIÊU

2.1 Mục tiêu tổng thể

Tổ chức, sắp xếp hợp lý các cơ sở đào tạo thuộc Bộ nhằm củng cố mạng lưới các cơ sở đào tạo theo các vùng miền, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của các cơ sở đào tạo, đồng thời đáp ứng đáng kể nhu cầu nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao về kỹ thuật, công nghệ của ngành công thương và xã hội.

2.2 Mục tiêu cụ thể

- Phấn đấu đến năm 2020, Bộ Công Thương có thêm từ 5-10 trường đại học được thành lập trên cơ sở các trường cao đẳng thuộc Bộ; Đến năm 2015 có 01 trường đạt đại học trọng điểm quốc gia; Đến năm 2020 có 02 trường đạt đại học trọng điểm quốc gia, mỗi trường; trọng điểm quốc gia và có ít nhất 2 khoa đạt chất lượng tương đương với các trường có uy tín trong khu vực;

- Đến năm 2020, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ phát triển theo hướng tập trung nguồn lực vào các ngành nghề đặc thù có lợi thế và được ưu tiên theo nhu cầu của xã hội; trên từng địa bàn, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tập trung nhiệm vụ đào tạo những ngành nghề có thế mạnh của địa phương và của vùng;

- Tăng cường chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở thuộc Bộ, phấn đấu đến năm 2020, 60% giảng viên cao đẳng và 100% giảng viên đại học đạt trình độ thạc sỹ trở lên, 21% giảng viên đại học và 4% giảng viên cao đẳng đạt trình độ tiến sỹ, 100% giảng viên đại học và cao đẳng sử dụng thành thạo một ngoại ngữ.

III. NỘI DUNG TỔ CHỨC, SẮP XẾP CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO

[...]