THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
788/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 05 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG KINH
TẾ - XÃ HỘI, GIẢM NGHÈO VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI CÁC XÃ VÙNG BÃI NGANG, CỒN
BÃI, TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2011-2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư và
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Phê duyệt Đề án thực hiện thí điểm phát triển bền vững kinh tế - xã hội,
giảm nghèo và phòng chống thiên tai các xã vùng bãi ngang, cồn bãi, tỉnh Quảng
Bình giai đoạn từ năm 2011 - 2015 gồm: các xã Ngư Thủy Nam, Ngư Thủy Bắc, Ngư
Thủy Trung, Sen Thủy, Cam Thủy, Hồng Thủy, Hưng Thủy, Hoa Thủy, Thanh Thủy, Trường
Thủy thuộc huyện Lệ Thủy; các xã Hải Ninh, Duy Ninh, Hiền Ninh, huyện Quảng
Ninh; các xã: Mỹ Trạch, Hưng Trạch, Phú Trạch, Liên Trạch, Nhân Trạch thuộc huyện
Bố Trạch; các xã Quảng Đông, Quảng Văn, Quảng Hải, Phù Hóa, Quảng Minh, Quảng
Hưng, Quảng Trung, Quảng Tiên, Quảng Sơn, Quảng Phú, Quảng Trường, Quảng Lộc
thuộc huyện Quảng Trạch và các xã Văn Hóa, Châu Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa. Với
các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
a) Sử dụng có hiệu
quả các cơ chế, chính sách kết hợp với việc khai thác tiềm năng, lợi thế của địa
phương để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm
nghèo; bảo đảm tốt các điều kiện để phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường
sinh thái; từng bước ổn định, nâng cao đời sống cho nhân dân các xã vùng bãi
ngang, cồn bãi, tỉnh Quảng Bình.
b) Phấn đấu đến
năm 2015 thu nhập bình quân đạt trên 12 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ gia đình
được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 85%, có công trình vệ sinh đạt tiêu
chuẩn đạt trên 90%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo
trên 50%, tạo thêm việc làm cho người lao động.
c) Sớm hoàn
thành việc sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch, bảo đảm ổn định đời sống
nhân dân.
d) Xây dựng đồng
bộ các công trình giao thông, thủy lợi và các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội
khác, nhất là nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp; phát triển rừng
phòng hộ ven biển kết hợp với rừng kinh tế để nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 70%
và tăng thu nhập cho người trồng, bảo vệ rừng; chủ động phòng, chống thiên tai,
bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
2.
Nhiệm vụ:
a) Về quy hoạch:
Triển khai xây dựng
quy hoạch các xã của Đề án phù hợp với tiêu chí nông thôn mới; thực hiện Quy hoạch
sắp xếp, bố trí cho khoảng 1.200 hộ dân đang sinh sống ở những nơi thường xuyên
bị ảnh hưởng nặng nề bão lũ, những nơi có nguy cơ cao sạt lở đất thành các điểm
tái định cư sớm ổn định đời sống; thực hiện di dân theo mô hình tái định cư xem
ghép cho trên 1.000 hộ dân đang ở những nơi có mật độ dân cư cao bị thiếu đất
và thiếu nước sản xuất.
b) Xây dựng các
công trình cơ sở hạ tầng:
- Lựa chọn những
công trình quan trọng về giao thông, thủy lợi trên địa bàn ưu tiên đầu tư trước
nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa và
sinh hoạt của nhân dân;
- Tiếp tục đầu
tư xây dựng hoặc cải tạo, nâng cấp các công trình: Trường học, nhà văn hóa, trụ
sở, trạm y tế xã; hệ thống truyền tải điện, trạm biến áp; khu neo đậu tàu thuyền,
các cơ sở chế biến hải sản, tiểu thủ công nghiệp,… phù hợp với quy hoạch.
c) Về phát triển
sản xuất:
Xây dựng các mô
hình điểm về phát triển: Thủy hải sản biển, sản xuất nông nghiệp; mô hình kinh
tế sinh thái (sử dụng đất cát bền vững) vùng bãi ngang, cồn bãi phù hợp với đặc
điểm của vùng; thực hiện hỗ trợ chuyển đổi khoảng 3.500 ha đất ao, hồ, sông, suối
để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thủy hải sản và tiểu thủ công nghiệp gắn
với phát triển các dịch vụ tại chỗ; hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác kinh tế
ven biển cho khoảng 2.000 hộ.
d) Kết hợp mô
hình đào tạo nghề cho nông dân theo Chương trình 30a của Chính phủ để tập huấn
nghề ngắn hạn về kỹ thuật, phương thức sản xuất hàng hóa cho nông dân trong các
lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiểu thủ công nghiệp,… đào tạo
nghề cho khoảng 4.000 người lao động; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ cấp
thôn, xã, cán bộ quản lý dự án về kiến thức tổ chức, quản lý sản xuất, kinh
doanh.
3.
Giải pháp thực hiện
a) Xây dựng các
mô hình sản xuất thí điểm phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, tập quán sản xuất và
tiềm năng lợi thế về điều kiện tự nhiên của từng địa phương trong vùng nhằm chuyển
đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; từ đó triển khai trên diện rộng những
mô hình đã làm thí điểm có hiệu quả cao trong toàn vùng.
b) Nghiên cứu
xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư thuộc các
thành phần kinh tế đầu tư vào các xã thuộc Đề án. Đặc biệt thu hút vốn đầu tư
vào các mô hình sản xuất nông lâm ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản đã thực hiện
thí điểm có hiệu quả kinh tế cao.
c) Khuyến khích
thực hiện cơ chế đấu giá sử dụng đất và đổi đất lấy hạ tầng ở những khu vực đô
thị; huy động vốn đầu tư từ nguồn kinh phí cho thuê đất, tạo môi trường thuận lợi
thu hút vốn của các nhà đầu tư vào bất động sản và du lịch vùng ven biển thuộc
32 xã.
d) Đẩy mạnh thực
hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc bê tông hóa kênh
mương, kiên cố hóa hệ thống giao thông nông thôn.
đ) Thực hiện tốt
các chính sách về giao đất, giao rừng ổn định lâu dài cho nông dân; kiên quyết
thu hồi đất đã giao cho các tổ chức, cá nhân nhưng không sử dụng hoặc sử dụng
kém hiệu quả để giao cho các tổ chức, hộ gia đình có nhu cầu về đất để sản xuất
kinh doanh; ưu tiên đất cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và chế biến thủy hải
sản.
e) Khuyến khích
nông dân thực hiện dồn điền, đổi thửa để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp
theo hướng sản xuất hàng hóa. Nghiên cứu áp dụng mô hình hộ nông dân có đất cho
doanh nghiệp thuê có thời hạn để tập trung đất phát triển sản xuất nông nghiệp,
nhanh chóng tạo ra các vùng chuyên canh có khối lượng hàng hóa lớn, tập trung gắn
với công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy hải sản.
g) Xây dựng
chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác,
liên kết kinh tế bằng nhiều hình thức; chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu
tư phát triển sản xuất kinh doanh tại địa bàn.
h) Phát triển chợ
đầu mối tại các trung tâm giao lưu hàng hóa trên địa bàn nông thôn; đa dạng hóa
hình thức mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; khuyến khích phát
triển mô hình hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp gắn với thực hiện tốt chương
trình “Liên kết 4 nhà”; có cơ chế, chính sách khuyến khích thương nhân, doanh
nghiệp ký hợp đồng bao tiêu nông sản phẩm của nông dân.
i) Tập trung đào
tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kỹ thuật canh tác theo hướng sản xuất
hàng hóa đối với những ngành nghề được xác định là thế mạnh của vùng bãi ngang,
cồn bãi; đồng thời, thực hiện tốt việc liên kết đào tạo một số ngành, nghề bằng
các hình thức thích hợp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong vùng; khuyến
khích các doanh nghiệp đào tạo nghề trực tiếp và sử dụng lao động tại chỗ bằng
các cơ chế, chính sách phù hợp.
k) Đẩy mạnh đào
tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tại
chỗ; có chính sách thỏa đáng thu hút cán bộ có năng lực, trình độ cao về quản
lý kinh tế, khoa học kỹ thuật; thực hiện tốt việc tuyển chọn, luân chuyển, điều
chuyển cán bộ có trình độ về cơ sở hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ kỹ
thuật tiên tiến vào nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm; tăng cường
công tác khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm giúp người dân chuyển đổi cơ cấu
cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch.
l) Đẩy mạnh ứng
dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu
quả sản xuất kinh doanh; tuyển chọn, sử dụng cây giống, con giống phù hợp với
điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế của địa phương.
m) Có cơ chế
khuyến khích chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật và ứng dụng các công nghệ mới,
tiên tiến trong sản xuất, chế biến nông lâm ngư nghiệp, thủy sản các cơ sở sản
xuất và các hộ dân nhằm tạo ra sản phẩm, hàng hóa có sức cạnh tranh cao trên thị
trường.
n) Nguồn vốn thực
hiện Đề án:
- Ngân sách
Trung ương sẽ hỗ trợ có mục tiêu trên cơ sở kế hoạch hàng năm sẽ cân đối, bố
trí cho các dự án, chương trình có đủ điều kiện đầu tư về vốn đầu tư hạ tầng
thiết yếu, giống, đào tạo nghề;
- Tỉnh Quảng
Bình chủ động bố trí vốn ngân sách địa phương và chỉ đạo thực hiện lồng ghép
các chương trình, dự án trên địa bàn;
- Tổng mức vốn đầu
tư Đề án dự kiến khoảng 3.300 tỷ đồng, trong đó:
+ Ngân sách
Trung ương hỗ trợ có mục tiêu khoảng 950 tỷ đồng;
+ Ngân sách địa
phương khoảng 300 tỷ đồng;
+ Vốn lồng ghép
các chương trình, dự án trên địa bàn khoảng 550 tỷ đồng;
+ Vốn huy động từ
các thành phần kinh tế khác khoảng 1.500 tỷ đồng.
4.
Tổ chức thực hiện:
a) Giao Bộ Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn hỗ trợ có mục
tiêu trong kế hoạch ngân sách hàng năm để thực hiện Đề án đúng tiến độ, thời
gian quy định.
b) Giao Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Tỉnh công tác quy hoạch hệ thống thủy
lợi, quy hoạch dân cư vùng Đề án; phối hợp với tỉnh Quảng Bình và các cơ quan
liên quan nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ về giống, kỹ thuật canh tác, phương thức
sản xuất và xây dựng các mô hình sản xuất thí điểm nêu trên.
c) Các Bộ, ngành
liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phối hợp với tỉnh
Quảng Bình thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án, đồng thời chỉ đạo thực
hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án có liên quan trong vùng.
d) Ủy ban nhân
dân tỉnh Quảng Bình:
- Tổ chức thực
hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả của Đề án; đồng thời phối hợp chặt
chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai, thực hiện; căn cứ tình
hình thực tế của từng xã bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn ngân sách, các nguồn vốn
hợp pháp khác, kể cả huy động các nguồn lực trong dân để thực hiện đầu tư đạt
hiệu quả các mục tiêu đề ra;
- Thành lập Ban
Chỉ đạo thực hiện Đề án do 1 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh làm Trưởng
ban; thành viên Ban Chỉ đạo là lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện thuộc vùng Đề án với Quy chế hoạt động cụ thể;
- Trên cơ sở sắp
xếp thứ tự ưu tiên các dự án; làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính
thống nhất mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, khả năng cân đối ngân sách địa
phương đối với các dự án đầu tư;
- Thực hiện lồng
ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư xây dựng
các công trình phù hợp với khả năng bố trí vốn; chỉ đạo quản lý, sử dụng có hiệu
quả vốn đầu tư; chỉ đạo kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình và định kỳ hàng
năm sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và hiệu quả của Đề án, báo cáo Bộ Kế hoạch
và Đầu tư để tổng hợp chung, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, các Bộ
trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của QH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trân Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐP (5b)
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Sinh Hùng
|