Quyết định 733/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020

Số hiệu 733/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/05/2014
Ngày có hiệu lực 19/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Nguyễn Văn Thanh
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 733/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 19 tháng 5 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ VÀ CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg, ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 684/QĐ-UBND, ngày 24/4/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020 tỉnh Vĩnh Long;

Xét Tờ trình số 39/THKHVL, ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch của Hội Khuyến học tỉnh về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.

(Kèm theo Kế hoạch số 38/KH-HKHVL, ngày 14/5/2014 của Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh).

Điều 2. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh chủ trì, phối hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch được phê duyệt.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Thanh

 

HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM
TỈNH HỘI VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/KH-HKHVL

Vĩnh Long, ngày 14 tháng 5 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ VÀ CỘNG ĐỒNG Ở TỈNH VĨNH LONG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 733/QĐ-UBND, ngày 19/5/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ ĐỂ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG:

1. Cơ sở lý luận:

1.1. Học tập suốt đời - xu thế phát triển tất yếu trên toàn thế giới:

Thế giới chúng ta đã bước sang năm thứ 14 của thế kỷ XXI, đã và đang chứng kiến “sự bùng nổ thông tin” do sự phát triển như vũ bão của tri thức nhân loại và những thành tựu kỳ diệu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin. Người ta tính rằng trung bình cứ 10 năm, khối lượng kiến thức của nhân loại sẽ tăng, lên gấp đôi. Với tốc độ gia tăng kiến thức như vậy, những kiến thức tiếp thu được trong nhà trường, kể cả ở bậc đại học và sau đại học, đã trở nên ít ỏi, nhanh chóng, lạc hậu và không đủ dùng trong suốt cuộc đời. Chính vì vậy, việc học tập thường xuyên (HTTX), học tập suốt đời (HTSĐ) trở nên rất cần thiết đối với tất cả mọi người nếu muốn tồn tại trong thời đại ngày nay.

Ở Việt Nam, tư tưởng HTSĐ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất hiện từ rất sớm. Sau cách mạng tháng Tám (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài phát biểu, bài viết về HTSD. Người không những chủ trương phải HTSĐ mà còn mong muốn mọi người đều được học, được bình đẳng trong giáo dục. Người căn dặn: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ càng thấy cần phải học thêm” (Thư gửi Quân nhân học báo, tháng 4/1949). Tư tưởng Hồ Chí Minh về HTSĐ từ những năm 45 đã bắt gặp xu thế lớn của thời đại xuất hiện từ đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Ngày nay, ngày càng nhiều người, kể cả những người có trình độ văn hoá cao, ngày càng ý thức được nhu cầu cần phải học tập thường xuyên, HTSD. Và phong trào HTSĐ trong cán bộ và nhân dân ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. "Học tập - kho báu tiềm ẩn" một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của học tập suốt đời và coi HTSĐ là chìa khoá bước vào thế kỷ XXI.

1.2. Vị trí, vai trò của gia đình, dòng họ và cộng đồng trong việc đẩy mạnh phong trào HTSĐ:

[...]