Quyết định 733/QĐ-BTP năm 2014 về Kế hoạch tổng kết công tác chứng thực do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 733/QĐ-BTP
Ngày ban hành 31/03/2014
Ngày có hiệu lực 31/03/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Hà Hùng Cường
Lĩnh vực Dịch vụ pháp lý,Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 733/QĐ-BTP

Hà Nội, ngày 31 tháng 03 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG KẾT CÔNG TÁC CHỨNG THỰC

BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tổng kết công tác chứng thực.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ Ngoại giao (để phối hợp);
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để chỉ đạo);
- Sở Tư pháp tỉnh, TP trực thuộc TW (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (để đăng tải);
- Lưu: VT, Cục HTQTCT.

BỘ TRƯỞNG




Hà Hùng Cường

 

KẾ HOẠCH

TỔNG KẾT CÔNG TÁC CHỨNG THỰC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 733/QĐ-BTP ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Trong những năm qua, cùng với công tác công chứng, công tác chứng thực ở nước ta đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chứng thực từng bước được xây dựng; vị trí, vai trò của hoạt động chứng thực trong đời sống xã hội cũng dần được khẳng định, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc tách bạch hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trực tiếp điều chỉnh hoạt động chứng thực chỉ dừng ở cấp độ Nghị định, với nhiều văn bản và còn tản mát, chồng chéo (có tới 04 Nghị định, 03 Thông tư liên tịch và 03 Thông tư cùng điều chỉnh hoạt động chứng thực). Điều đó đã gây khó khăn cho cơ quan thực hiện chứng thực để giải quyết yêu cầu chứng thực của tổ chức, cá nhân; công tác chứng thực còn nhiều bất cập, hạn chế; công tác quản lý nhà nước về chứng thực chưa đi vào nề nếp.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất, sự chuyển biến vững chắc cho công tác chứng thực, thực hiện Nghị quyết số 20/2011/QH13 của Quốc hội ngày 26/11/2011 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Khóa XIII, trong đó có dự án Luật Chứng thực. Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tổng kết, đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong quy trình xây dựng luật (khoản 1 Điều 33), Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch tổng kết công tác chứng thực, bao gồm các nội dung sau đây:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI

1. Mục đích

Đánh giá khách quan, toàn diện về thực trạng pháp luật, việc thi hành pháp luật, mức độ tuân thủ pháp luật về chứng thực; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chứng thực; tác động của hoạt động chứng thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân...  Qua đó rút ra những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, tìm ra nguyên nhân để từ đó đề xuất các giải pháp, nội dung nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chứng thực phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, đồng thời phục vụ việc xây dựng Dự án Luật Chứng thực trong các năm 2015, 2016.

2. Yêu cầu

- Việc tổng kết cần được thực hiện nghiêm túc, bài bản, toàn diện ở tất cả các cấp (từ cấp xã đến cấp Trung ương) và Cơ quan đại diện ngoại giao, Cơ quan đại diện lãnh sự và Cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện).

- Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế khách quan, có phân tích, đánh giá sâu sắc; tránh việc chỉ thực hiện thống kê thuần túy hay báo cáo thành tích. Mỗi cấp ở địa phương và các Cơ quan đại diện phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình để đánh giá từng nội dung tổng kết (theo hướng dẫn tại Mục II của Kế hoạch này); kết quả tổng kết phải xây dựng thành Báo cáo để gửi cơ quan cấp trên đúng thời hạn.

3. Phạm vi

- Đánh giá những văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp hoạt động chứng thực và những văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động chứng thực và tình hình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động chứng thực;

- Việc tổng kết công tác chứng thực được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và tại tất cả các Cơ quan đại diện; thời gian tổng kết tính từ ngày 30/6/2007 (thời điểm Nghị định số 79/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 31/3/2014.

II. NỘI DUNG TỔNG KẾT

[...]