Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Báo cáo 01/BC-BTP về tổng kết công tác tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2018 do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 01/BC-BTP
Ngày ban hành 02/01/2018
Ngày có hiệu lực 02/01/2018
Loại văn bản Báo cáo
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Lê Thành Long
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/BC-BTP

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2018

 

BÁO CÁO

TỔNG KẾT CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2017 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CÔNG TÁC NĂM 2018

Năm 2017, trong bối cảnh thế giới có những bất ổn địa chính trị, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất, bảo hộ mậu dịch ngày càng gia tăng; ở trong nước, diễn biến thời tiết những tháng cuối năm có dấu hiệu bất thường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, đạt và vượt mức cả về 13/13 chỉ tiêu. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước và tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,81%.

Đối với công tác tư pháp, trong bối cảnh khối lượng công việc tăng, nhiều việc phát sinh ngoài kế hoạch, điều kiện về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các cấp, toàn Ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhất là 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 03/01/2017 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2017 và 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2017 và các chương trình, kế hoạch công tác khác.

Tổng kết công tác tư pháp năm 2017, toàn Ngành nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác tư pháp năm 2018.

Phần thứ nhất:

TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2017

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH

1. Kết quả

Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành, địa phương đối với công tác tư pháp, pháp chế bám sát với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, nhà nước và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả cụ thể như sau:

- Nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành, phê duyệt kế hoạch công tác tư pháp/pháp chế sớm hơn so với các năm trước, trong đó xác định đúng trọng tâm, trọng điểm công tác. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã khẩn trương ban hành, chỉ đạo ban hành các chương trình, kế hoạch hành động để cụ thể hoá các nhiệm vụ thực hiện trước mắt và lâu dài, gắn với chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp, như: Chương trình hành động triển khai thực hiện các nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ; Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2017-2020... Tại các Bộ, ngành, địa phương, đã ban hành, phê duyệt các chương trình, kế hoạch công tác tư pháp, pháp chế và kế hoạch trong các lĩnh vực cụ thể như kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, hoặc lồng ghép các nội dung công tác tư pháp, pháp chế trong các chương trình, kế hoạch công tác của mình. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác thi hành án dân sự (THADS), 63/63 Tỉnh/Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Chỉ thị lãnh đạo công tác THADS trên địa bàn.

- Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác bám sát với các chương trình, kế hoạch đã được ban hành. Đồng thời, trong quá trình thực hiện, đã kịp thời cập nhật những chỉ đạo của cấp trên để bổ sung vào các chương trình, kế hoạch công tác; kịp thời nắm bắt để có những điều chỉnh phù hợp đối với những vấn đề đặt ra từ thực tiễn triển khai các nhiệm vụ.

Bộ Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện 313 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, qua đó đã hoàn thành 279 nhiệm vụ, đang tiếp tục thực hiện 34 nhiệm vụ (chủ yếu là nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong năm 2018), không có nhiệm vụ quá hạn. Bộ đã kịp thời trả lời 117/117 kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp Quốc hội; 16/16 kiến nghị của người dân, doanh nghiệp theo đúng Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Bộ, ngành Tư pháp cũng đã kịp thời hơn trong nắm bắt những bất cập, vướng mắc chuyên môn ở cơ sở để chỉ đạo, hướng dẫn.

- Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong công tác pháp chế, nhất là về xây dựng pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, giám định tư pháp. Bộ đã tiếp tục thực hiện hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp đã ký với các cơ quan và tiếp tục ký kết, triển khai các quy chế phối hợp với các Bộ, ngành khác1. Công tác phối hợp liên ngành và phối hợp liên lĩnh vực (như kiểm tra văn bản với xây dựng văn bản, phổ biến, giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý...) đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tại địa phương, việc phối hợp giữa Sở Tư pháp, Cục THADS với các Sở, ngành được chú trọng, tăng cường.

- Để nâng cao hiệu quả các hội nghị, hội thảo, các đợt thanh tra, kiểm tra và các chuyến công tác địa phương, Bộ Tư pháp đã rà soát tổng thể và ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn và các đoàn thanh tra, kiểm tra, khảo sát của Bộ Tư pháp năm 2017 (Quyết định số 506/QĐ-BTP ngày 10/4/2017), trong đó, đã thực hiện mục tiêu lồng ghép nhiều sự kiện, cắt giảm khoảng 25% số lượng các cuộc hội nghị, hội thảo và các chuyến công tác địa phương theo đề xuất ban đầu của các đơn vị và giảm mạnh so với những năm trước, nhưng vẫn bảo đảm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực của Bộ, Ngành; không có tình trạng chồng chéo trong công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã rà soát, ban hành mới Quy chế làm việc (Quyết định số 2402/QĐ-BTP ngày 27/11/2017) phù hợp với yêu cầu hiện nay, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành.

2. Tồn tại, hạn chế

- Tình trạng chậm hướng dẫn nghiệp vụ, chuyên môn, trả lời kiến nghị của các đơn vị vẫn còn, địa phương phải xin hướng dẫn nhiều lần; có trường hợp nội dung hướng dẫn, trả lời còn chung chung.

- Việc kiểm tra công tác ở địa phương vẫn còn tình trạng chồng chéo về nội dung, địa bàn; tổ chức các hội nghị, hội thảo còn tập trung nhiều vào những tháng cuối năm, đã ảnh hưởng đến thời gian giải quyết công việc chung. Chưa có nhiều cải tiến đáng kể trong công tác báo cáo, thống kê; còn tình trạng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo quá nhiều.

II. CÔNG TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ

1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

1.1. Kết quả

a) Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

- Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, các Bộ, ngành đã tích cực hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua 20 dự án luật, nghị quyết (tăng 08 dự án so với năm 2016), cho ý kiến đối với 09 dự án khác (riêng Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao đối với 03 luật, 01 nghị quyết). Trong đó, có nhiều dự án quan trọng được các Bộ, ngành xây dựng để triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và các dự án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật quản lý ngoại thương, Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật quy hoạch, Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh...

- Đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ, ngành: Các Bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 1.105 văn bản (tăng 18 văn bản so với năm 2016), trong đó Bộ Tư pháp đã trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 20 văn bản; một số Bộ, ngành đã nỗ lực xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền số lượng lớn VBQPPL2.

Thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Tư pháp đã thường xuyên đôn đốc, tổ chức làm việc với các Bộ, ngành nợ đọng nhiều văn bản; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các giải pháp tăng cường trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản. Nhờ đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây, đặc biệt, không còn văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ3.

- Tại các địa phương, cơ quan tư pháp, pháp chế đã tham mưu ban hành 4.111 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 75 văn bản so với năm 2016); 3.682 VBQPPL cấp huyện (giảm 38,3% so với năm 2016); 18.434 VBQPPL cấp xã (giảm khoảng 55% so với năm 2016). Kết quả này cho thấy việc thực hiện nghiêm túc các quy định về giảm số lượng văn bản ở cấp huyện, cấp xã trong Luật ban hành VBQPPL năm 2015.

- Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thực hiện Luật ban hành VBQPPL năm 2015, kịp thời hướng dẫn xử lý các vướng mắc phát sinh; đã có báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Luật, trong đó đề xuất nhiều giải pháp thực hiện các quy định mới của Luật và dự kiến sửa đổi, bổ sung Luật.

b) Công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật và pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

[...]