ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 72/2015/QĐ-UBND
|
Phan Rang – Tháp
Chàm, ngày 15 tháng 10 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG
TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng
6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 46/2015/NĐ-CP
ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công
trình xây dựng;
Theo đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 2220/TTr-SXD ngày 15 tháng 9 năm 2015 và Báo cáo
thẩm định văn bản số 1569/BC-STP ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc phân công,
phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận, gồm 3 Chương, 10 Điều.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ
ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm
2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc phân công, phân cấp quản lý về
chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các
Sở, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá
nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Văn
phòng Chính phủ;
- Bộ Xây dựng;
- Cục Kiểm tra Văn bản (Bộ Tư
pháp);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo
cáo);
- Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận;
- Chủ tịch và các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành thuộc tỉnh;
- Thường trực HĐND các huyện,
thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Công báo, Website Ninh Thuận;
- VPUB:
LĐVP, các CV Khối NC - TH;
- Lưu: VT, QHXD (LQĐ).
|
TM.
UỶ BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Võ Đại
|
QUY ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 72/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quyết định này
phân công, phân cấp quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng,
bảo trì công trình và xử lý sự cố công trình xây dựng của Sở Xây dựng, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương (sau đây
gọi tắt là cơ quan chuyên môn về xây dựng), Ủy ban nhân
dân các huyện và thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp, các tổ chức, cá
nhân có liên quan.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
Ban Quản lý các khu công nghiệp.
3. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị
trấn.
4. Các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án.
5. Các tổ chức tư vấn khảo sát, thiết
kế, thi công xây dựng công trình; thẩm tra thiết kế xây dựng công trình; giám
sát chất lượng công trình xây dựng; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; kiểm định,
giám định chất lượng công trình xây dựng có liên quan đến quản lý về chất lượng
công trình xây dựng.
Chương II
QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG
CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG, BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH VÀ XỬ LÝ SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Mục 1. QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG
TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 3. Trách nhiệm của các cơ
quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về chất lượng công
trình xây dựng
1. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối
giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về
chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn, thực hiện các việc sau:
a) Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai các văn bản
quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận;
b) Hướng dẫn Ủy
ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng thực
hiện các quy định của pháp luật về quản
lý chất lượng công trình xây dựng;
c) Kiểm tra thường xuyên, định kỳ
theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các cơ quan,
tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng và chất lượng các công trình xây dựng
trên địa bàn;
d) Chủ trì, phối hợp với Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra việc tuân thủ quy định
về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành;
đ) Thẩm định thiết kế xây dựng công
trình xây dựng chuyên ngành do Sở quản lý theo quy định tại Nghị định về quản
lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
e) Kiểm tra công tác nghiệm
thu công trình xây dựng theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP
ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ đối với công trình xây dựng chuyên ngành
do Sở quản lý;
g) Kiểm tra việc thực hiện bảo trì
công trình xây dựng và đánh giá sự an toàn chịu lực và vận hành công trình
trong quá trình khai thác, sử dụng đối với công trình, xây dựng chuyên ngành do
Sở quản lý;
h) Giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh tổ chức giám định công trình xây dựng khi được yêu cầu và tổ chức
giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Điều 49 Nghị định số
46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ; theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình sự cố
trên địa bàn;
i) Hướng dẫn việc đăng ký thông tin
năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh và đăng
tải trên trang thông tin điện tử do Sở quản lý theo quy định;
k) Báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh định kỳ, đột xuất về việc tuân thủ quy định về quản lý chất
lượng công trình xây dựng và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa
bàn;
l) Giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh tổng hợp và báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình chất lượng công
trình xây dựng trên địa bàn định kỳ hằng năm và đột xuất; báo cáo danh sách các
nhà thầu vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình khi tham gia các hoạt
động xây dựng trên địa bàn.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng
kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản
lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và
chất lượng các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn;
b) Thực hiện quy định tại Điểm
đ, Điểm e Khoản 1 Điều này đối với công trình xây dựng chuyên ngành thuộc phạm
vi quản lý của Sở;
c) Phối hợp với
Sở Xây dựng tổ chức giám định công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu
và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng chuyên
ngành; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Xây dựng
về tình hình chất lượng công trình
xây dựng chuyên ngành trên địa bàn định kỳ hằng năm và đột
xuất.
3. Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, Phòng Quản lý Đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có trách nhiệm:
a) Hướng dẫn Ủy ban
nhân dân cấp xã, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa
bàn thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất
lượng công trình xây dựng;
b) Kiểm tra định kỳ, đột xuất việc
tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình, xây dựng đối với các công
trình xây dựng được ủy quyền quyết định
đầu tư và cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn;
c) Phối hợp với
Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra việc thực hiện bảo trì công trình xây dựng và đánh giá sự an toàn chịu
lực và vận hành công trình trong quá trình khai thác;
d) Phối hợp với
Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu;
đ) Thực hiện quy
định tại Điểm đ, Điểm e Khoản 1 Điều này đối với công trình được phân cấp;
e) Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố
theo quy định của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính
phủ;
g) Tổng hợp và
báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Xây dựng định kỳ hằng
năm, đột xuất việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng
và tình hình chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.
4. Ban quản lý các khu công nghiệp có
trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá
nhân tham gia xây dựng công trình và chất lượng các công trình xây dựng trong
phạm vi khu công nghiệp, cụm công nghiệp được giao quản lý;
b) Thực hiện quy định tại Điểm đ, Điểm
e Khoản 1 Điều này đối với công trình xây dựng trong phạm vi khu công nghiệp, cụm
công nghiệp được giao quản lý;
c) Phối hợp với Sở Xây dựng tổ chức
giám định công trình xây dựng chuyên ngành khi được yêu cầu và tổ chức giám định
nguyên nhân sự cố đối với công trình xây dựng trong phạm vi khu công nghiệp, cụm
công nghiệp; tổng hợp, báo cáo Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh, Sở Xây dựng về tình hình chất lượng công trình xây dựng
trong phạm vi khu công nghiệp, cụm công nghiệp được giao quản lý định kỳ hằng
năm và đột xuất.
Điều 4. Thẩm quyền
kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng
Cơ quan chuyên môn về xây dựng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp kiểm
tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình xây dựng theo
chuyên ngành quản lý như sau:
1. Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm
thu công trình xây dựng đối với công trình dân dụng; công trình công nghiệp vật liệu xây dựng, công trình công nghiệp nhẹ; công trình hạ
tầng kỹ thuật; công trình giao thông trong đô thị trừ công trình đường sắt,
công trình cầu vượt sông và đường quốc lộ.
2. Sở Giao thông vận tải kiểm tra
công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với công trình giao thông trừ
các công trình giao thông do Sở Xây dựng quản lý.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng đối với công trình nông
nghiệp và phát triển nông thôn.
4. Sở Công thương kiểm tra công tác
nghiệm thu công trình xây dựng đối với công trình công nghiệp trừ các công
trình công nghiệp do Sở Xây dựng quản lý.
5. Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, Phòng Quản lý Đô thị thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang - Tháp Chàm:
Kiểm tra công tác nghiệm thu công
trình xây dựng đối với công trình được ủy quyền quyết định đầu tư và cấp phép
xây dựng trên địa bàn.
6. Ban Quản lý các khu công nghiệp:
Kiểm tra công tác nghiệm thu công
trình xây dựng đối với các công trình trong phạm vi khu công nghiệp, cụm công
nghiệp được giao quản lý.
Phân loại công trình xây dựng theo Phụ
lục I ban hành kèm theo Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của
Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.
Mục 2. BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 5. Công bố định mức xây dựng
phục vụ bảo trì công trình xây dựng
Sở Xây dựng và Sở quản lý công trình xây
dựng chuyên ngành căn cứ phương pháp lập định mức xây dựng phục vụ bảo trì công
trình xây dựng do Bộ Xây dựng hướng dẫn, tổ chức xây dựng và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công bố các định mức xây dựng phục vụ bảo trì cho
các công trình phù hợp với đặc thù của tỉnh và gửi về Bộ Xây dựng để theo dõi,
quản lý.
Điều 6. Thẩm quyền kiểm tra
công tác đánh giá an toàn chịu lực, an toàn vận hành trong quá trình khai thác,
sử dụng công trình
1. Sở Xây dựng và Sở quản lý công trình
xây dựng chuyên ngành kiểm tra đối với công trình trên địa bàn từ cấp II trở xuống
theo chuyên ngành quản lý quy định tại Khoản 4 Điều 51 của Nghị định số
46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Chính phủ.
2. Ban quản lý các khu công nghiệp kiểm
tra đối với công trình cấp III, cấp IV trong phạm vi khu công nghiệp, cụm công
nghiệp được giao quản lý.
Điều 7. Trách nhiệm thông báo
và thẩm quyền xử lý đối với công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng
tiếp
1. Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các
công trình cấp I, cấp II trên địa bàn tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố đối với các công trình còn lại trên địa bàn huyện, thành phố.
Mục 3. SỰ CỐ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Điều 8. Báo cáo sự cố công
trình xây dựng
1. Ngay sau khi xảy
ra sự cố, bằng phương pháp nhanh nhất chủ đầu tư phải báo cáo tóm tắt về sự cố
cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi xảy ra sự cố
và cơ quan cấp trên của mình, Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn ngay sau khi nhận được thông tin phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và ban nhân dân tỉnh về sự cố.
2. Trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra
sự cố, chủ đầu tư báo cáo về sự cố bằng văn bản tới Ủy ban
nhân dân huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân tỉnh nơi xảy
ra sự cố. Đối với tất cả các loại sự cố, nếu có thiệt hại về người thì chủ đầu tư gửi báo cáo cho Bộ Xây dựng
và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3. Sau khi nhận được báo cáo bằng văn
bản hoặc nhận được thông tin về sự cố, Sở Xây dựng tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh gửi báo cáo sự cố cho Bộ Xây dựng
và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với các sự cố sự cố cấp I và
các sự cố khác có thiệt hại về người.
Điều 9. Trách nhiệm
giải quyết sự cố công trình xây dựng, giám định nguyên nhân sự cố công trình
xây dựng
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì giải
quyết sự cố đối với công trình cấp II trên địa bàn tỉnh
Ninh Thuận.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành
phố chủ trì giải quyết sự cố đối với các công trình xây dựng
cấp III trên địa bàn huyện, thành phố.
3. Sở Xây dựng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức giám định nguyên nhân các sự cố cấp II, cấp
III theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 5 năm
2015 của Chính phủ.
4. Sở Giao thông vận tải, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương giúp Ủy ban
nhân dân tỉnh tổ chức giám định nguyên nhân các sự cố cấp
II, cấp III đối với công trình xây dựng chuyên ngành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Tổ chức
thực hiện
Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban,
Ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc quy định này. Quá
trình thực hiện nếu có vướng mắc, phát sinh kịp thời phản ánh gửi về Sở Xây dựng
để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.