Quyết định 72/2007/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2010 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Số hiệu 72/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/12/2007
Ngày có hiệu lực 31/12/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2007/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 21 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP ĐẾN NĂM 2010 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Quyết định số 112/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010” ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án xây dựng xã hội học tập đến năm 2010 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Mục tiêu:

a) Duy trì bền vững và nâng cao chất lượng kết quả xoá mù chữ, phấn đấu giữ vững tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 35 đạt tỉ lệ 100%; tăng nhanh tỷ lệ xoá mù chữ trong nhóm đối tượng từ 36 đến 40 tuổi.

Huy động 100% trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 14 tuổi vì hoàn cảnh khó khăn không được đi học ở nhà trường được học theo các chương trình phổ cập. Nâng tỉ lệ phổ cập tiểu học đúng độ tuổi 1%/năm để đến năm 2010 đạt 99 - 100%.

Bảo đảm tỷ lệ người biết chữ bằng nhau giữa nam và nữ.

b) Phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80% số cán bộ cấp xã, phường và các quận, huyện được học tập, bồi dưỡng cập nhật kiến thức về quản lý, pháp luật, kinh tế và xã hội nhằm nâng cao năng lực làm việc.

c) Đạt tỷ lệ 100% số cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước được tham gia một trong các khoá đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ…

Kịp thời phát hiện, có chính sách cụ thể để bồi dưỡng nhân tài, nhất là tài năng trẻ trên các lĩnh vực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố thông qua Đề án đào tạo 100 tiến sỹ, thạc sỹ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.

d) Phát triển bền vững Trung tâm Học tập cộng đồng xã, phường; nâng cao chất lượng các mặt hoạt động các Trung tâm Học tập cộng đồng; đạt tỷ lệ trên 95% số người lao động trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp được tiếp cận và thụ hưởng các chương trình về bồi dưỡng nâng cao hiểu biết, khả năng lao động, sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

đ) Chấn chỉnh tổ chức và nâng cao chất lượng các mặt hoạt động của các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp, Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm ngoại ngữ, tin học theo hướng hoàn thiện mô hình tổ chức, tăng cường trách nhiệm cho cơ sở, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đào tạo; quản lý chặt các khâu thi, kiểm tra, cấp văn bằng, chứng chỉ.

Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp: Nâng cấp, sửa chữa cơ sở 1 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Hải Châu và Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Ngũ Hành Sơn; xây thêm phòng học cho các Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Thanh Khê, Liên Chiểu, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Sơn Trà; xây mới Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Hòa Vang, Cẩm Lệ và cơ sở 2 Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp Hải Châu.

Mua sắm thiết bị dạy học cho các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp, Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp để có khả năng thực hiện nhiều chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân.

2. Nhiệm vụ chủ yếu

a) Xây dựng phong trào “Cả thành phố trở thành một xã hội học tập”

- Xây dựng phong trào “Cả thành phố trở thành một xã hội học tập” gắn chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi tập thể trong việc học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời và tham gia xây dựng xã hội học tập để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới của thành phố.

- Thiết lập các nội dung, cơ chế hoạt động, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, ngành giáo dục, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các đoàn thể từ thành phố đến cơ sở để triển khai, tổ chức các hoạt động nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia phong trào xây dựng cả thành phố trở thành một xã hội học tập.

Xây dựng các biện pháp cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện và duy trì thường xuyên phong trào “Cả thành phố trở thành một xã hội học tập” có chất lượng và hiệu quả cao, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 16/4/2004 của Thành uỷ Đà Nẵng về việc tăng cường lãnh đạo phát triển mạng lưới và hoạt động các Trung tâm Học tập cộng đồng.

- Khuyến khích, đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài nhằm huy động, thu hút mọi lực lượng xã hội tham gia xây dựng xã hội học tập, góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam phát triển, lành mạnh, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa từng bước tiếp cận trình độ tiên tiến của thế giới; khắc phục những hạn chế, ngăn chặn những tiêu cực, tạo cơ hội và điều kiện cần thiết cho việc học tập.

- Nhân rộng và phát huy tính hiệu quả của các mô hình “gia đình hiếu học”, “dòng họ khuyến học”, “tổ dân phố văn hóa, thôn văn hóa”, “xã, phường khuyến học”.

- Khuyến khích đẩy mạnh việc áp dụng các thành tựu về khoa học, công nghệ vào sản xuất, cải tiến kỹ thuật, giúp cho các cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi, vùng ven biển cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

[...]