Quyết định 70/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống và xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn tỉnh Bắc Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành

Số hiệu 70/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/06/2010
Ngày có hiệu lực 09/07/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Bùi Văn Hạnh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 70/2010/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 29 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ NHÂN, THỢ GIỎI, NGƯỜI CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ VÀO PHÁT TRIỂN Ở NÔNG THÔN TỈNH BẮC GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật thi đua, khen thưởng ngày 20/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Thông tư số 01/2007/TT-BCN, ngày 11/01/2007 của Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công Thương về hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 228/TTr-SCT ngày 12 tháng  5 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống và xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn tỉnh Bắc Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Văn Hạnh

 

QUY CHẾ

XÉT CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ, LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG VÀ XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ NHÂN, THỢ GIỎI, NGƯỜI CÓ CÔNG ĐƯA NGHỀ VÀO PHÁT TRIỂN Ở NÔNG THÔN TỈNH BẮC GIANG
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2010/QĐ-UBND ngày 29/6/2010 của UBND tỉnh Bắc Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định tiêu chuẩn; trình tự, hồ sơ xét công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống và xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn tỉnh Bắc Giang.

Tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú thực hiện theo Thông tư số 01/2007/TT-BCN, ngày 11/01/2007 của Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công Thương về hướng dẫn tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các làng có nghề; công dân Việt Nam đang thường trú tại tỉnh Bắc Giang; người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn không nhất thiết đang thường trú tại tỉnh Bắc Giang.

Điều 3. Nguyên tắc xét công nhận, xét tặng

1. Công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống và tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn chỉ công nhận và tặng 01 lần, không truy tặng.

2. Khi xét tặng danh hiệu nghệ nhân không đạt tiêu chuẩn, nhưng đủ tiêu chuẩn thợ giỏi, thì Hội đồng xét tặng cấp tỉnh xét tặng danh hiệu thợ giỏi mà không phải tiến hành xét lại ở cấp cơ sở.

3. Khi xét tặng danh hiệu nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn tỉnh Bắc Giang, trường hợp một người đạt tiêu chuẩn từ 2 danh hiệu trở lên thì thực hiện như sau:

a) Đạt tiêu chuẩn nghệ nhân và người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn (cùng hoặc khác ngành nghề) thì xét tặng cả hai danh hiệu.

b) Đạt tiêu chuẩn thợ giỏi và người có công đưa nghề vào phát triển ngành nghề nông thôn (cùng hoặc khác ngành nghề) thì xét tặng cả hai danh hiệu.

c) Đạt tiêu chuẩn người có công đưa nghề vào phát triển ở nông thôn ở các nghề khác nhau thì xét tặng danh hiệu ở các nghề.

d) Đạt tiêu chuẩn nghệ nhân và thợ giỏi cùng một nghề thì xét tặng một danh hiệu cao nhất, hai nghề khác nhau thì xét tặng cả hai danh hiệu.

[...]