Quyết định 69/2009/QĐ-UBND Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 69/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/05/2009
Ngày có hiệu lực 28/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Thế Thảo
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 69/2009/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 05 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHONG TẶNG DANH HIỆU NGHỆ NHÂN HÀ NỘI NGÀNH THỦ CÔNG MỸ NGHỆ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005;
Căn cứ Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan;
Căn cứ Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi đua, khen thưởng năm 2005;
Xét Tờ trình số 1094/TTr-SCT ngày 14/4/2009 của Giám đốc Sở Công Thương về việc phê duyệt ban hành “Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ”,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này là Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; các văn bản trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở: Công thương, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành liên quan của Thành phố; Chủ tịch Liên minh HTX Thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thành phố trực thuộc; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Các Bộ: Công thương, NN&PTNT, Tư pháp (để báo cáo);
- Đ/c Bí thư Thành ủy (để báo cáo);
- TTTU, TTHĐND TP; (để báo cáo);
- Đoàn ĐBQH TP Hà Nội (để báo cáo);
- Cục KTVB (Bộ Tư pháp) (để báo cáo);
- CT, Các PCT UBND Thành phố;
- VP Thành ủy, VP ĐĐBQH&HĐND TP;
- Báo HNM, Báo KT&ĐT, TT Công báo, Cổng giao tiếp điện tử Thành phố;
- Các đ/c PVP, các Phòng chuyên viên;
- Lưu VT, SCT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Thảo

 

QUY CHẾ

PHONG TẶNG DANH HIỆU NGHỆ NHÂN HÀ NỘI NGÀNH THỦ CÔNG MỸ NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 69/2009/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2009 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội ngành thủ công mỹ nghệ (sau đây gọi tắt là Nghệ nhân Hà Nội) và một số chế độ khuyến khích đối với người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội.

2. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, đang tham gia hoạt động sản xuất trong ngành thủ công mỹ nghệ.

3. Danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội phong tặng, nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của những người thợ giỏi đang cống hiến tài năng, trí tuệ, sức lực cho việc khôi phục, giữ gìn và phát triển ngành thủ công mỹ nghệ của Thủ đô.

Điều 2. Nguyên tắc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội

1. Danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội chỉ phong tặng một lần cho một người.

2. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội phải là người thợ giỏi tiêu biểu, hội đủ phẩm chất “có đức, có tài và có công” trong hoạt động nghề nghiệp và đối với xã hội.

3. Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội do Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân thành phố Hà Nội (sau đây gọi tắt là Hội đồng) thẩm định và xét chọn hồ sơ, trình Chủ tịch UBND Thành phố quyết định.

Điều 3. Tiêu chuẩn Nghệ nhân Hà Nội

Người được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội phải đạt các tiêu chuẩn sau:

1. Chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, gương mẫu, thực sự là tấm gương sáng cho mọi người và đồng nghiệp noi theo.

2. Là thợ giỏi được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu 10 năm; có trình độ kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp điêu luyện, sáng tác thiết kế được ít nhất 5 mẫu sản phẩm đạt trình độ nghệ thuật cao mà người thợ bình thường không làm được, trực tiếp làm ra ít nhất 10 tác phẩm có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, đáp ứng được một trong các yêu cầu sau:

a. Sản phẩm, tác phẩm đạt giải thưởng vàng, bạc, đồng hoặc tương đương tại các hội chợ triển lãm quốc gia hoặc quốc tế; đạt giải nhất, nhì tại các cuộc thi sản phẩm thủ công do các cơ quan, đơn vị, hiệp hội nghề tổ chức;

[...]