Quyết định 69/2006/QĐ-UBND sửa đổi quy định quản lý, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang kèm theo Quyết định 84/2003/QĐ-UB

Số hiệu 69/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/11/2006
Ngày có hiệu lực 17/11/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Nguyễn Công Bộ
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2006/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 07 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý, sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; Nghị định số 47/CP ngày 12 tháng 8 năm 1996 của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005, Thông tư số 04/2006/TT-BCN ngày 27 tháng 4 năm 2006 của Bộ Công nghiệp sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 về hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;

Căn cứ Nghị định 08/2001/NĐ-CP ngày 22/02/2001 của Chính phủ quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và Thông tư số 02/2001/BCA ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Bộ Công an hướng dẫn thi hành Nghị định này;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 296/TTr-SCN ngày 06 tháng 10 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của “Quy định quản lý, bảo quản, vận chuyển và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” ban hành kèm theo Quyết định số 84/2003/QĐ-UB ngày 29 tháng 10 năm 2003 của UBND tỉnh Bắc Giang, như sau:

1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung:

“Điều 2. Các thuật ngữ

1. Vật liệu nổ công nghiệp (gọi tắt là VLNCN): Bao gồm thuốc nổ và các loại phụ kiện nổ sử dụng trong công nghiệp, nghiên cứu khoa học và các mục đích dân dụng khác.

2. Bảo quản VLNCN: Là hoạt động cất giữ VLNCN trong kho hoặc trong quá trình vận chuyển đến nơi sử dụng theo những quy định riêng nhằm đảm bảo nguyên vẹn chất lượng, số lượng VLNCN và không để xảy ra cháy, nổ.

3. Sử dụng VLNCN: Là hoạt động dùng VLNCN trong thăm dò, khai thác mỏ, xây dựng, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác theo quy trình đã được xác định.

4. Dịch vụ nổ mìn: Là hoạt động nổ mìn của bên có chức năng tiến hành nổ mìn nhằm thực hiện hợp đồng với bên có nhu cầu nổ mìn đáp ứng một mục đích nhất định được pháp luật cho phép.

5. Người chỉ huy nổ mìn: Là người chịu trách nhiệm tổ chức và trực tiếp chỉ huy đơn vị thực hiện việc nổ mìn theo thiết kế hoặc phương án nổ mìn đã được duyệt; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đầy đủ các quy định về kỹ thuật và an toàn trong quá trình nổ mìn.”

2. Điều 4 được sửa đổi, bổ sung :

“Điều 4. Sử dụng vật liệu nổ công nghiệp

1. Các đơn vị có nhu cầu sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh, phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phải làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng VLNCN. Trình tự, thủ tục cấp giấy phép sử dụng VLNCN được quy định tại Điều 12, Điều 13 của quy định này.

2. Các đơn vị có nhu cầu nổ mìn nhưng không đủ điều kiện thực hiện, được quyền ký kết hợp đồng thuê toàn bộ công việc nổ mìn với đơn vị có chức năng làm dịch vụ nổ mìn. Hợp đồng thuê dịch vụ nổ mìn phải ghi rõ trách nhiệm của đơn vị hoạt động dịch vụ nổ mìn về đảm bảo các điều kiện an toàn trong toàn bộ hoạt động liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, bảo quản và sử dụng VLNCN.

Các đơn vị sau khi đã thuê dịch vụ nổ mìn không phải xin giấy phép sử dụng VLNCN và giấy xác nhận điều kiện an ninh trật tự nhưng không được phép trực tiếp thực hiện bất cứ hoạt động nào liên quan đến VLNCN.

Đơn vị hoạt động dịch vụ nổ mìn có trách nhiệm đăng ký giấy phép sử dụng VLNCN, kho tàng, thiết kế hoặc phương án nổ mìn với Sở Công nghiệp; thoả thuận các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, trật tự an toàn xã hội với Công an tỉnh; thông báo với Thanh tra lao động tỉnh về địa điểm, thời gian, quy mô nổ mìn, khoảng cách an toàn và các điều kiện an toàn khác trước khi tiến hành nổ mìn.

3. Các đơn vị không còn nhu cầu sử dụng VLNCN, số VLNCN còn lại trong kho bảo quản phải chuyển giao lại cho doanh nghiệp đã cung ứng. Việc chuyển giao này phải có ý kiến của Công an tỉnh (Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy) bằng văn bản.”

3. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung:

“Điều 5. Điều kiện để được sử dụng VLNCN

1. Điều kiện đối với chủ thể :

a) Là tổ chức sử dụng VLNCN vào mục đích sản xuất, dịch vụ nổ mìn, đào tạo, huấn luyện, nghiên cứu khoa học và thử nghiệm.

b) Có kho bảo quản VLNCN, có thiết bị nổ mìn và phương tiện vận chuyển VLNCN thoả mãn các quy định hiện hành. Trường hợp đơn vị sử dụng không có kho, không có phương tiện vận chuyển, phải ký hợp đồng thuê với các đơn vị đã được phép thực hiện nhiệm vụ này.

[...]