Quyết định 68/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 68/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/01/2021
Ngày có hiệu lực 15/01/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Quốc Khánh
Lĩnh vực Thương mại,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 68/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 15 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC VÀ CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2021

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/06/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2021;

Căn cứ Kết luận số 52-KL/TU ngày 03/12/2020 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2021 và thực hiện Kết luận số 91-KL/TW ngày 22/10/2020 của Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 88-KL/TU ngày 15/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kịch bản tăng trưởng năm 2021;

Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh số 239/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; số 243/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 về dự toán thu, chi ngân sách địa phương tỉnh Sơn La năm 2021;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 25/TTr-SKHĐT ngày 15/01/2021,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2021 như sau:

Năm 2020, mặc dù còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, hạn hán; song được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự giúp đỡ của các Bộ, ngành, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, chỉ đạo, điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy với phương châm “chống dịch như chống giặc”, việc kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế; thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh; chủ động cung cấp kịp thời, chính xác thông tin tình hình, diễn biến dịch bệnh trong và ngoài nước để ổn định tâm lý và tạo sự đồng thuận xã hội. Trong bối cảnh khó khăn song đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát của năm 2020; trong đó đã hoàn thành 23/27 chỉ tiêu chủ yếu, kinh tế của tỉnh duy trì ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đạt kết quả tích cực; thương mại điện tử được đẩy mạnh; các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm; thông tin, tuyên truyền kịp thời, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh; an ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; tổ chức các hoạt động chào mừng và chuẩn bị các điều kiện góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu, có ý nghĩa nền tảng triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025. Dự báo bối cảnh tình hình thế giới tiếp dục diễn biến phức tạp, khó lường như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn; Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và sâu rộng đến mọi mặt của đời sống; đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực có thể kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là đối với đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải. Kinh tế của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều nhân tố mới xuất hiện sẽ là tiền đề vững chắc để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tuy nhiên, trong giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra như: cơ sở hạ tầng còn hạn chế so với yêu cầu phát triển; quy mô và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực còn nhỏ bé; đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; thời tiết, dịch bệnh còn có thể có những diễn biến phức tạp.

I. PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG VÀ TRỌNG TÂM CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH

Kỳ họp thứ 15 - HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021: “Tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn về kết nối giữa tỉnh Sơn La với các khu vực, các trung tâm kinh tế xã hội của cả nước. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể; phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Phát huy vai trò nền tảng của giá trị văn hóa; xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh kịp thời. Tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế” và xác định 28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội - môi trường chủ yếu.

Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, kế thừa những kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được, tỉnh Sơn La tiếp tục thực hiện có hiệu quả phương châm hành động của Chính phủ “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 quan điểm, giải pháp trọng tâm chỉ đạo điều hành như sau:

1. Tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và các Đề án thuộc Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện, tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp.

2. Tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách để thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và các ngành, lĩnh vực, vừa giữ ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, kịp thời dự báo và chuẩn bị phương án, kịch bản, biện pháp đối sách ứng phó hiệu quả với những biến động, vấn đề mới phát sinh.

3. Thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng cường huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, thúc đẩy liên kết vùng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Quyết liệt thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm hiệu quả, thực chất gắn với đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số quốc gia, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, thu hút mạnh mẽ đầu tư, thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập, giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, tập trung cải thiện bền vững năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) phấn đấu tăng điểm từng chỉ số và tổng số điểm PCI qua từng năm.

5. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tự hào dân tộc. Đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút, trọng dụng nhân tài. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

6. Tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tập trung đầu tư các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm, kết nối trong vùng, giữa các địa phương, với trung tâm kinh tế của các tỉnh và cả nước; ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, giáo dục, y tế, hạ tầng nông thôn, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, hạ tầng khu công nghiệp.

7. Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển nhanh, bền vững.

8. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Triển khai hiệu quả các nhiệm vụ phục vụ tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; chuẩn bị, ban hành và triển khai ngay các Đề án trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV

Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố:

[...]