Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 239/NQ-HĐND năm 2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 239/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2020
Ngày có hiệu lực 08/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Thái Hưng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 239/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 08 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2021

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 15

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 230/TTr-UBND ngày 18 tháng 11 năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 1285/BC-BKTNS ngày 04 tháng 12 năm 2020 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

1. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu năm 2021

1.1. Mục tiêu

Tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Cải thiện rõ rệt môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, thành phần kinh tế. Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch và du lịch. Thu hút đầu tư, đẩy mạnh xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông, tháo gỡ điểm nghẽn về kết nối giữa tỉnh Sơn La với các khu vực, các trung tâm kinh tế - xã hội của cả nước.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể; Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Phát huy vai trò nền tảng của giá trị văn hóa; xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh kịp thời. Tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

1.2. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2021: 28 chỉ tiêu tổng hợp (có Biểu chi tiết kèm theo).

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế bảo đảm thực chất, hiệu quả; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực

1.1. Tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và các đề án thuộc Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

1.2. Tập trung hoàn thành nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh, bổ sung kịp thời các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành đáp ứng nhu cầu phát triển. Rà soát lại các cơ chế, chính sách, các văn bản lãnh đạo, điều hành chưa hiệu quả để đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc dừng thực hiện. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động đầu tư kinh doanh của các thành phần kinh tế. Tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

1.3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp nhằm tăng năng suất, chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động theo kinh nghiệm thực hành tốt để giảm ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh thái. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ nông sản với nông dân; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

1.4. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ, trí tuệ và giá trị gia tăng của sản phẩm. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện môi trường; công nghiệp chế biến sâu đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và dược liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng gió, năng lượng mặt trời; công nghiệp sử dụng nhiều lao động phát triển ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

1.5. Xây dựng và phát triển mạnh thương mại nội địa theo hướng hiện đại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử với sự tham gia của các thành phần kinh tế, tiến tới xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm của địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu thông qua các hội nghị do các bộ, ngành tổ chức.

1.6. Tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch bền vững. Tiếp tục đầu tư, tôn tạo các khu, điểm du lịch: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Sơn La, Bảo tàng Sơn la, Đền thờ Vua Lê Thái Tông, các điểm du lịch cộng đồng tại các bản có tiềm năng du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; khai thác hiệu quả các khu, điểm du lịch tại các huyện, thành phố. Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Sơn La theo hướng trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa cả về số lượng và chất lượng.

1.7. Chủ động trong điều hành ngân sách đảm bảo cân đối ngân sách toàn tỉnh. Thực hiện triệt để tiết kiệm trong chi dùng ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên, hội họp, công tác trong và ngoài nước; sử dụng hiệu quả tài sản công, đảm bảo kinh phí thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, chương trình giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, ưu tiên vốn đầu tư thực hiện các chính sách đã được HĐND tỉnh quyết nghị.

1.8. Quản lý hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng và dư nợ theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế tập thể và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tín dụng xanh góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng cường bảo vệ môi trường.

1.9. Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước. Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn toàn tỉnh, nòng cốt là phát triển hợp tác xã. Nghiên cứu, rà soát, bổ sung, cụ thể hóa và ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể theo chủ trương của Đảng và các quy định của Nhà nước, phù hợp với thực tiễn của địa phương.

1.10. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh trong tất cả các ngành, lĩnh vực và tại tất cả các cơ quan, đơn vị tổ chức doanh nghiệp và cộng đồng. Chủ động bố trí nguồn lực và thực hiện các giải pháp phù hợp (bao gồm các giải pháp về tín dụng, thuế, phí, lệ phí...) để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid 19, nhất là ngành du lịch, dịch vụ, người lao động, người dân bị mất, thiếu việc làm, bị giảm sâu thu nhập.

2. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư; ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, đầu tư các nhà máy chế biến nông sản, công nghệ cao; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La; năng lượng điện mặt trời, điện gió. Chuẩn bị đầy đủ điều kiện, nội dung tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La năm 2021.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, hình thành cơ cấu đầu tư công hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, có biện pháp quản lý dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ giải ngân thanh toán, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Xây dựng kế hoạch, phương án cân đối nguồn lực để đảm bảo hoàn thành sớm nhất mục tiêu cứng hóa đường giao thông đến trung tâm 07 xã còn lại.

[...]