Quyết định 67/2007/QĐ-UBND Quy định về công tác Phòng không nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An

Số hiệu 67/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/05/2007
Ngày có hiệu lực 21/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Phan Đình Trạc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 67/2007/QĐ-UBND

Vinh, ngày 21 tháng 05 năm 2007.

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND - UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 65/2002/NĐ.CP ngày 01/7/2002 của Chính phủ về công tác Phòng không nhân dân; Thông tư số 118/2004/TT.BQP ngày 07/9/2004 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 65;

Theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo công tác Phòng không nhân dân tỉnh Nghệ An) tại Công văn số 591/CV.ĐN ngày 20/3/2007; Ý kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 430/STP.VB ngày 07/5/2007.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công tác Phòng không nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Các thành viên Ban chỉ đạo công tác Phòng không nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phan Đình Trạc

 

QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG TÁC PHÒNG KHÔNG NHÂN DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 67/2007/QĐ-UBND ngày 21 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh).

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, vai trò, mục đích, phạm vi công tác phòng không nhân dân.

1. Công tác phòng không nhân dân là một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân; là bộ phận của thế trận chiến tranh nhân dân; là một trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, các tổ chức và nhân dân trên mặt trận đối không.

2. Mục đích của công tác phòng không nhân dân là phòng tránh, đánh trả và khắc phục hậu quả các hành động đột nhập, tiến công bằng đường không của địch; góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ tài sản của nhà nước; tính mạng, tài sản của nhân dân.

3. Phạm vi công tác phòng không nhân dân được tổ chức thực hiện từ Trung ương đến địa phương; được chuẩn bị triển khai thực hiện cả trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra do toàn dân tham gia, trong đó lực lượng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ làm nòng cốt.

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức hoạt động phòng không nhân dân.

1. Công tác phòng không nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được tổ chức điều hành tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương theo sự hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

2. Chính quyền các cấp tổ chức điều hành mọi hoạt động phòng không nhân dân theo cơ cấu 4 cấp: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã.

a) ở cấp tỉnh do UBND tỉnh tổ chức điều hành hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp tỉnh; Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp huyện, thành, thị.

b) ở cấp huyện, thành, thị do UBND cấp huyện, thành, thị tổ chức, điều hành hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp huyện, thành, thị; Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp huyện, thành, thị chỉ đạo hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không nhân dân cấp xã, phường, thị trấn.

c) ở cấp xã, phường, thị trấn do UBND cấp xã, phường, thị trấn tổ chức điều hành hoạt động Ban chỉ đạo công tác phòng không cấp mình thực hiện công tác phòng không nhân dân theo kế hoạch.

3. Các cơ quan tổ chức nhà nước có thẩm quyền tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh vận động nhân dân tham gia công tác phòng không nhân dân.

[...]