Quyết định 667/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 667/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/05/2009
Ngày có hiệu lực 27/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

Số: 667/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 05 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CỦNG CỐ, NÂNG CẤP HỆ THỐNG ĐÊ BIỂN TỪ QUẢNG NGÃI ĐẾN KIÊN GIANG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tờ trình số 2818/TTr-BNN-ĐĐ ngày 18 tháng 9 năm 2008),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Xây dựng hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang thành một hệ thống khép kín, đảm bảo việc ngăn mặn, thoát lũ, phục vụ cấp thoát nước và các mục tiêu liên quan khác, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương ven biển.

2. Hệ thống đê biển được xây dựng trên cơ sở tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, kết hợp chặt chẽ và khoa học giữa giải pháp công trình và phi công trình, gắn với sắp xếp dân cư ven biển; đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn trước mắt đồng thời phù hợp với lâu dài, thích ứng với tác động xấu của biến đổi khí hậu tới vùng ven biển nước ta.

3. Chú trọng công tác quản lý và duy tu bảo dưỡng sau đầu tư xây dựng, đặc biệt coi trọng trồng rừng ven biển là bộ phận không thể tách rời của hệ thống đê biển. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng dân cư nâng cao ý thức và trách nhiệm bảo vệ đê ven biển; đồng thời mở rộng việc hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đê biển với quốc tế.

II. MỤC TIÊU

1. Hoàn thiện hệ thống đê biển khép kín từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để phòng tránh những tác động bất lợi từ biển, bảo vệ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các địa phương ven biển.

2. Góp phần tạo cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng của từng địa phương, trước hết là những vùng có nhu cầu cấp bách.

3. Về lâu dài, hệ thống đê biển đảm bảo an toàn cho dân sinh, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái vùng ven biển, thích ứng với nguy cơ nước biển dâng và những tác động xấu của biến đổi khí hậu; đồng thời từng bước hình thành trục giao thông ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng vùng ven biển.

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CHƯƠNG TRÌNH

1. Củng cố, nâng cấp các tuyến đê hiện có và xây dựng các công trình phụ trợ khác, trồng và giữ rừng chắn sóng ven đê, thành một tuyến đê thống nhất, bền vững, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển.

2. Trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, theo từng thời kỳ, có tính tới tác động xấu của biến đổi khí hậu, các địa phương ven biển định kỳ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống đê biển phù hợp với các chương trình, chiến lược chung của ngành và của toàn quốc.

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhóm giải pháp công trình:

a) Điều chỉnh và xác định tuyến đê: việc điều chỉnh tuyến đê hiện có và xác định các tuyến đê mới được thực hiện theo nguyên tắc:

- Lựa chọn tuyến đê qua vùng có địa thế cao, có địa chất nền tương đối tốt đảm bảo ổn định và cách xa khu vực sạt lở.

- Trước tuyến đê phải có bãi trồng rừng ngập mặn có chiều rộng tối thiểu 500m.

- Tận dụng tối đa các cồn cát, đồi núi, công trình đã có để hoàn thiện tuyến đê; nối tiếp bền vững với các vị trí ổn định. Đối với đê vùng cửa sông phải đảm bảo không ảnh hưởng đến thoát lũ, cách xa bờ sông khu vực đang bị sạt lở.

- Tuyến đê lựa chọn kết hợp phục vụ giao thông ven biển phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành giao thông.

- Đối với những đoạn bờ biển bồi, từng bước có thể bố trí thêm tuyến đê ngoài tuyến đê chính để lấn biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Đối với đoạn bờ biển bị xói lở, nghiên cứu, xem xét kỹ việc di dân và lùi tuyến đê vào phía trong. Trường hợp không thể lùi, phải xây dựng công trình chống xói lở và có các biện pháp gây bồi, giữ bãi.

b) Tiêu chuẩn thiết kế đê:

Căn cứ vào tầm quan trọng của khu vực bảo vệ để xác định tiêu chuẩn thiết kế phù hợp, nhưng tối thiểu chống được bão cấp 9 và thủy triều ứng với tần suất 5%, theo thứ tự: các khu đô thị và khu dân cư tập trung; các công trình quốc phòng, an ninh; khu kinh tế, văn hóa và hạ tầng quan trọng; khu vực sản xuất nông nghiệp.

[...]