Quyết định 666/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long

Số hiệu 666/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/03/2019
Ngày có hiệu lực 29/03/2019
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Trần Hoàng Tựu
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 666/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 29 tháng 3 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2019 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021;

Xét Tờ trình số 371/TTr-SKHĐT-TH, ngày 07/3/2019 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hoàng Tựu

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP, NGÀY 01/01/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2019 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2021 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 666/QĐ-UBND, ngày 29/3/2019 của UBND tỉnh Vĩnh Long)

A. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Thực hiện các Nghị quyết số 19 (Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP; 19- 2017/NQ- CP; 19-2018/NQ-CP) hàng năm của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương đã nhận thức ngày càng rõ trách nhiệm và tham gia ngày càng chủ động, tích cực để cải thiện điểm số và thứ hạng các chỉ số, tiêu chí cụ thể thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Kết quả cải thiện nhanh, rõ nét của môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, được doanh nghiệp và người dân ghi nhận. Tuy nhiên, một số ngành, cơ quan còn chậm, thiếu chủ động, chưa quyết liệt đổi mới phương thức thực hiện quản lý nhà nước, nhất là từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro; mới tập trung vào các chỉ số nhằm tháo gỡ vướng mắc khi có sức ép mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp hoặc chỉ đạo trực tiếp của cấp trên. Những chỉ số ảnh hưởng gián tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được quan tâm đúng mức. Một số hành động cải cách chưa thực chất, còn hình thức; chi phí cơ hội, chi phí không chính thức của doanh nghiệp trong khởi sự kinh doanh, trong hoạt động cũng như chi phí về thời gian, tiền bạc của người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận các dịch vụ công đã giảm nhưng vẫn còn nhiều; không ít nơi, ít lúc doanh nghiệp, người dân vẫn bị gây khó khăn, nhũng nhiễu bởi những quy định còn nặng tính cục bộ của một số cơ quan công quyền và một bộ phận công chức, viên chức.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung đối thoại, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đơn giản hóa, giảm thời gian, giảm chi phí thực hiện các thủ tục hành chính,...nên chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong những năm gần đây đã có những bước cải thiện và chuyển biến tích cực, trong đó PCI liên tục trong 02 năm 2016 và 2017 đều xếp hạng 06/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh của tỉnh vẫn còn một số mặt chưa tốt, cải thiện chậm so với các địa phương khác, đặc biệt là so với các tỉnh có điều kiện tương đồng trong khu vực vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Một số cơ quan, đơn vị còn thụ động, chỉ trông chờ vào việc chỉ đạo từ phía Bộ, ngành Trung ương hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh mà không mạnh dạn nghiên cứu đề xuất các giải pháp đột phá, sáng tạo để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực, ngành, địa phương quản lý. Cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được ban hành đầy đủ, kịp thời nhưng còn dàn trãi, chưa có sự đổi mới, tạo ra những hỗ trợ khác biệt đủ sức tạo đột phá; đặc biệt công tác tuyên truyền chưa được chú trọng, kém hiệu quả nên người dân, cộng đồng doanh nghiệp chưa tiếp cận đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ đó dẫn tới việc cảm nhận chưa chính xác đối với những nỗ lực đồng hành của chính quyền địa phương.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các tỉnh, thành trong nước đều đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của địa phương, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, sáng tạo nhằm thích ứng với nền sản xuất mới. Với qui mô kinh tế nhỏ, năng suất lao động thấp, cải cách hành chính chậm, đặc biệt chưa tìm ra được những giải pháp đột phá từ các ngành, lĩnh vực để phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế hiện có thì đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hơn trước rất nhiều; trong đó phải đổi mới mạnh mẽ hơn theo hướng công khai, minh bạch nhằm tạo điều kiện thông thoáng nhất để mọi người dân đều đóng góp công sức, của cải, phát triển sản xuất kinh doanh, làm giàu cho mình và cho quê hương, đất nước.

Nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch này tiếp nối các kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2019 và định hướng đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

B. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 02/NQ-CP) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

- Các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trong kế hoạch bám sát hệ thống các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 02/NQ-CP; phù hợp với đặc điểm, tình hình của ngành, lĩnh vực và phân công, phân cấp quản lý; đồng bộ với các chương trình, kế hoạch, đề án; tỉnh Vĩnh Long đang triển khai đến giai đoạn 2020 và tiếp tục kiên định với các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong các Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ.

- Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phải tạo chuyển biến rõ nét trong chỉ đạo, điều hành, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hành động của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; đảm bảo có sự quyết tâm cao, toàn diện, khắc phục tư tưởng cục bộ sở, ngành, cục bộ địa phương; có sự giám sát, báo cáo đánh giá định kỳ để kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp để đạt được kết quả cao nhất.

C. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG

1. Mục tiêu tổng quát: Tỉnh luôn nỗ lực góp phần cùng cả nước nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng Quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy và của Hội đồng nhân dân tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể: Có bước cải thiện mạnh mẽ về thứ hạng chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số cải cách hành chính (PAR index); giữ môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc nhóm tốt của cả nước, phấn đấu tổng điểm số chỉ số PCI năm 2019 đạt trên 70 điểm; tập trung duy trì và nâng cao điểm số hoặc thứ hạng các chỉ tiêu PCI thành phần, cụ thể:

- Chỉ số “Gia nhập thị trường” đạt điểm số từ 8,5 điểm trở lên hoặc hạng 6 trở lên.

[...]