BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 662/QĐ-BTP
|
Hà Nội, ngày
03 tháng 04 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔ CHỨC HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT
LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ SƠ KẾT CÔNG
TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số
22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số
74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi
hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành
án dân sự;
Căn cứ Quyết định số 55/QĐ-TTg
ngày 15 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai
thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-BTP
ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Quyết định số
3449/QĐ-BTP ngày 22 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành
Kế hoạch trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2015;
Xét đề nghị của Tổng Cục trưởng
Tổng cục Thi hành án dân sự,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch tổ chức Hội
nghị quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự
và sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Tổng Cục trưởng Tổng cục
Thi hành án dân sự, Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Thủ
trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để t/h);
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (để b/c);
- Tòa án nhân dân tối cao
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
- UB Tư pháp của Quốc hội
- UB Pháp luật của Quốc hội (để p/h);
- Văn phòng Quốc hội
- Văn phòng Chính phủ
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Sở Tư pháp các tỉnh, TP trực thuộc
Trung ương (để t/h);
- Lưu: VT, TCTHADS.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thúy Hiền
|
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC HỘI NGHỊ QUÁN TRIỆT LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ
SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ VÀ SƠ KẾT CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN
SỰ 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 662/QĐ-BTP Ngày 03 tháng 4 năm 2015 của Bộ
Tư pháp)
Thực hiện Quyết định số 55/QĐ-TTg ngày 15/01/2015 của Thủ tướng
Chính phủ và Quyết định số 332/QĐ-BTP ngày 14/02/2015 của Bộ trưởng Bộ
Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch
triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân
sự; Quyết định số 3449/QĐ-BTP ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp
ban hành Kế hoạch trọng tâm công tác thi hành án dân sự năm 2015, Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị
quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và sơ
kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu
năm 2015 (sau đây gọi chung là Hội nghị) với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
-
Quán triệt những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Thi hành án dân sự; thống
nhất nhận thức của cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển
khai thi hành Luật, qua đó nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự
trong thời gian tới.
- Đánh giá khách quan, toàn diện, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ
công tác 6 tháng đầu năm 2015 của hệ thống Thi hành án dân sự; những tồn tại, hạn
chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, trên
cơ sở đó đề ra các giải pháp khắc phục, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ
thi hành án dân sự năm 2015.
2. Yêu cầu
Việc
tổ chức phải đảm bảo thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm; đầy đủ thành phần theo
quy định.
II. THỜI GIAN,
ĐỊA ĐIỂM, HÌNH THỨC TỔ CHỨC HỘI NGHỊ
1. Thời gian: Tổ chức trong thời
gian 01 ngày (buổi sáng từ 8 giờ đến 12 giờ, buổi chiều từ 13 giờ 30 đến 17 giờ
30), dự kiến ngày 24/4/2015.
(Thời
gian cụ thể ghi trong giấy triệu tập, giấy mời và thực hiện theo chương
trình Hội nghị).
2. Hình thức, địa điểm: Hội nghị
được tổ chức bằng hình thức giao ban trực tuyến đa phương tiện (63 điểm cầu) tại
63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
III. THÀNH PHẦN
HỘI NGHỊ
1. Điểm cầu
tại Hà Nội, gồm:
- Đại diện Lãnh đạo Bộ Tư pháp: Thứ
trưởng Nguyễn Thúy Hiền - Chủ trì Hội nghị.
- Đại diện các cơ quan Trung ương:
đại diện Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân
dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Ủy ban Pháp luật
của Quốc hội; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Tài chính, Nội
vụ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bảo hiểm
xã hội Việt Nam; Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương (13
người).
- Các
đại biểu của thành phố Hà Nội: UBND thành phố, Ban chỉ đạo Thi hành án thành phố
(14 người); Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền
đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức tín dụng (đại diện từ 2-3 tổ chức tín dụng
trên địa bàn) và các Văn phòng Thừa phát lại (11 người); một số Sở,
ban, ngành liên quan: Ban Nội chính Thành ủy, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội
thành phố; Trưởng ban chỉ đạo thi hành án các quận, huyện, thị xã của thành phố
(30 người); Lãnh đạo Cục, Trưởng các Phòng thuộc Cục và Chi cục trưởng
Chi cục THADS trực thuộc Cục (38 người). Tổng số dự kiến là: 86 người.
- Đại
diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ có liên quan: Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán
bộ, Thanh tra Bộ, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Vụ Thi
đua – Khen thưởng, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Vụ Các vấn đề chung về
xây dựng pháp luật, Cục Bổ trợ tư pháp, Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Cục
Đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm, Cục Công nghệ thông tin, Cục Bồi thường nhà
nước, Học viện Tư pháp (14 người).
- Tổng cục THADS: Lãnh đạo Tổng cục
THADS và Thủ trưởng các cơ quan thuộc Tổng cục (12 người).
- Cục THADS, Bộ Quốc phòng (03
người).
- Đại
diện một số báo, đài ở Trung ương: Đài truyền hình Việt Nam (VTV1), Truyền hình
Quốc hội, Báo Nhân dân, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Báo Pháp luật Việt
Nam, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp (06 người).
Tổng số đại biểu: Dự kiến khoảng
133 người.
2. Điểm cầu tại 62 địa phương:
-
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban chỉ đạo THADS cấp tỉnh: Trưởng
Ban chỉ đạo và các thành viên (15 người x 62 = khoảng 930 người); Văn
phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm,
tổ chức tín dụng (đại diện từ 2-3 tổ chức tín dụng trên địa bàn) (372 người);
Trưởng Ban chỉ đạo THADS các quận, huyện, thị xã thuộc địa bàn (khoảng 675 người);
Một số sở, ban, ngành có liên quan (Ban Nội chính, Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm
xã hội) (khoảng 186 người). Dự kiến tổng số là 2.163 người.
- 44
Văn phòng Thừa phát lại (44 người).
-
Lãnh đạo Cục THADS (186 người), Trưởng các Phòng thuộc Cục (khoảng
238 người); Chi cục trưởng Chi cục THADS trực thuộc Cục THADS (khoảng
675 người). Dự kiến tổng số là 1.099 người.
- Cơ quan Thi hành án quân khu và tương đương (08 người).
- Phóng viên một số Báo, Đài ở địa
phương (khoảng 250 người).
Tổng số đại biểu: Dự kiến tổng số
khoảng 3.564 người, mỗi điểm cầu khoảng 57 người.
IV. NỘI DUNG HỘI
NGHỊ
1.
Về quán triệt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS
1.1. Nội dung cơ bản của Kế hoạch
triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân
sự (ban hành kèm theo Quyết định số 55/2015/QĐ-TTg
ngày 15/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 332/QĐ-BTP ngày
14/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp);
Những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành
án dân sự; Vai trò của UBND, Tòa án nhân
dân, Viện kiểm sát nhân dân trong công tác thi hành án dân sự.
1.2.
Những nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn
thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự.
1.3. Kết quả rà soát các văn bản
hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự hiện hành và việc triển khai xây dựng
các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi
hành án dân sự.
2. Về sơ kết công tác thi hành
án dân sự
2.1. Báo cáo sơ kết công tác thi
hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2015, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cơ bản
nhằm nâng cao hiệu quả công tác 6 tháng cuối năm 2015 (Báo cáo sơ kết).
2.2. Các chuyên đề (chỉ trình
bày một số chuyên đề tại Hội nghị):
- Chuyên đề 1: Giải pháp nâng cao
hiệu quả công tác thi hành án dân sự đối với đương sự là phạm nhân đang chấp
hành hình phạt trong trại giam.
-
Chuyên đề 2: Thực trạng và một số giải pháp nhằm nâng cao
hiệu quả tổ chức thi hành án các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng; một số nội dung triển khai Quy chế phối hợp giữa
Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Chuyên đề 3: Kết quả kiểm tra
các vụ việc hoãn, ủy thác theo kế hoạch kiểm tra ban hành kèm theo Quyết định số
642/QĐ-TCTHADS ngày 01/10/2014 của Tổng cục THADS, những tồn tại, hạn chế
và giải pháp khắc phục; Công tác giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo
dài, giải quyết khiếu nại, tố cáo, những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục.
- Chuyên đề 4: Tình hình và kết quả
triển khai Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội về việc tiếp
tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
- Chuyên đề 5: Những tồn tại, hạn
chế trong công tác thu, nộp, quản lý tiền thi hành án và giải pháp khắc phục.
- Chuyên đề 6: Những khó khăn, vướng
mắc trong việc miễn, giảm thi hành án và giải pháp khắc phục.
- Chuyên đề 7: Những tồn tại, hạn
chế trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; công tác kiểm tra, tự kiểm tra
và giải pháp khắc phục.
2.3. Tham luận của địa phương: Mỗi khu vực dự kiến từ 02 đến 03 ý kiến tham
luận: Tham luận của Ban Chỉ đạo Thi hành án, các cơ quan thi hành án, Viện Kiểm
sát, các ban, ngành của địa phương (Các ý kiến phát biểu phải tập trung, vào
thẳng vấn đề và không quá 7 phút).
2.4. Phát biểu ý kiến của các cơ
quan, đơn vị có liên quan.
V. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Phân công nhiệm vụ
1.1.
Văn phòng Bộ
Chủ
trì, tham mưu giúp Lãnh đạo Bộ chỉ đạo tổ chức Hội nghị quán triệt Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và sơ kết công tác thi hành án
dân sự 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015; phối hợp
với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức Hội nghị.
1.2. Tổng cục THADS
- Chuẩn bị nội dung, tài liệu, các
thủ tục hành chính liên quan đến tổ chức Hội nghị.
- Chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo
UBND, Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cùng cấp bố trí địa điểm, hội trường,
phương tiện kỹ thuật, đón tiếp đại biểu, thanh quyết toán kinh phí...
1.3.
Cục Công nghệ thông tin
Chuẩn bị về kỹ thuật trực tuyến
cho Hội nghị tại Hà Nội và giữa điểm cầu Trung ương với 62 điểm cầu tại tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương.
1.4. Cục Thi hành án dân sự tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương
- Phối
hợp với Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Lãnh đạo UBND
tỉnh, thành phố tạo điều kiện bố trí phòng họp trực tuyến của UBND tỉnh để đặt
các điểm cầu và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác phục vụ Hội nghị.
- Xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện
nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 của địa
phương và gửi về Bộ Tư pháp (qua Tổng cục Thi hành án dân sự) trước ngày
12/4/2015; chủ động chuẩn bị nội dung tham luận, trao đổi tại Hội nghị theo hướng
dẫn của Tổng cục.
2. Kinh phí
Kinh phí tổ chức Hội nghị và thực
hiện các nhiệm vụ liên quan được thực hiện theo chế độ tài chính hiện hành./.