BỘ TƯ PHÁP
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 114/QĐ-BTP
|
Hà Nội, ngày
22 tháng 01 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ VIỆC TỔ CHỨC THỰC
HIỆN CÔNG TÁC PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật ngày 16/4/2013 của Ủy
ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 63/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số
22/2013/NĐ-CP ngày 13/3/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Thông tư số
13/2014/TT-BTP ngày 29/4/2014 của Bộ Tư pháp hướng dẫn việc thực hiện pháp điển
hệ thống quy phạm pháp luật;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục
Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Bộ Tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác pháp
điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Điều 2. Quyết định này
có hiệu lực kể từ ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng,
Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Thủ trưởng các đơn vị thuộc
Bộ Tư pháp có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp);
- Lưu: VT, Cục KTVB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Đinh Trung Tụng
|
BỘ TIÊU CHÍ
ĐÁNH GIÁ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC
PHÁP ĐIỂN HỆ THỐNG QUY PHẠM PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 114/QĐ-BTP ngày 22 tháng 01 năm 2015 của Bộ
trưởng Bộ Tư pháp)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích và phạm
vi áp dụng
Bộ Tiêu chí đánh giá việc tổ chức thực hiện công
tác pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật (sau đây viết tắt là Bộ Tiêu chí) được
áp dụng trong hoạt động của Bộ Tư pháp để theo dõi, nắm bắt tình hình tổ chức
thực hiện công tác pháp điển của các cơ quan thực hiện pháp điển, kịp thời đôn
đốc, hướng dẫn thực hiện, góp phần xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu
quả và đúng tiến độ.
Điều 2. Nguyên tắc áp dụng
Việc áp dụng Bộ tiêu chí này phải bảo đảm các
nguyên tắc sau:
1. Phản ánh trung thực, khách quan tình hình tổ
chức triển khai thực hiện pháp điển.
2. Bảo đảm sự phù hợp của các phương pháp, công
cụ đánh giá đối với đối tượng, phạm vi đánh giá.
3. Bảo đảm sự rõ ràng, đầy đủ và thống nhất
của thông tin thu nhận được từ hoạt động đánh giá.
Chương II
BỘ TIÊU CHÍ (100 ĐIỂM)
Điều 3. Bộ Tiêu chí gồm
các nhóm tiêu chí sau:
1. Nhóm tiêu chí về ban hành các quy định, chỉ đạo,
kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác pháp điển (10 điểm).
2. Nhóm tiêu
chí về các điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển (15 điểm).
3. Nhóm tiêu chí về công tác phối hợp giữa các
cơ quan trong quá trình thực hiện pháp điển (20 điểm).
4. Nhóm tiêu chí về hoạt động thực hiện pháp điển
(20 điểm).
5. Nhóm tiêu chí về chất lượng kết quả pháp điển
(15 điểm).
6. Các tiêu chí khác (20 điểm).
Điều 4. Nhóm tiêu chí về ban
hành các quy định, chỉ đạo, kế hoạch để tổ chức thực hiện công tác pháp điển
(10 điểm)
1. Tiêu chí về ban hành các quy định,
chỉ đạo thực hiện pháp điển tại cơ quan (3 điểm).
2. Tiêu chí về ban hành Kế hoạch chung về triển
khai, tổ chức thực hiện pháp điển của cơ quan (3 điểm).
3. Tiêu chí về ban hành Kế hoạch pháp điển theo
đề mục (4 điểm).
Điều 5. Nhóm tiêu chí về các
điều kiện bảo đảm cho công tác pháp điển (15 điểm)
1. Tiêu chí về bố trí biên chế cho Tổ chức pháp
chế, các đơn vị trực thuộc và xây dựng đội ngũ Cộng tác viên để thực hiện công
tác pháp điển (5 điểm).
2. Tiêu chí về tổ chức tập huấn, hướng dẫn
chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ thực hiện pháp điển (5 điểm).
3. Tiêu chí về bố trí kinh phí thực hiện pháp điển
(5 điểm).
Điều 6. Nhóm tiêu chí về công
tác phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện pháp điển (20 điểm)
1. Tiêu chí về công tác phối hợp trong việc xây
dựng, ban hành kế hoạch thực hiện pháp điển đối với mỗi đề mục (5 điểm).
2. Tiêu chí về công tác phối hợp trong việc thực
hiện pháp điển trong trường hợp pháp điển đề mục do nhiều cơ quan thực hiện (5
điểm).
3. Tiêu chí về công tác phối hợp trong việc xây
dựng, hoàn thiện hồ sơ kết quả pháp điển theo đề mục (5 điểm).
4. Tiêu chí về công tác phối hợp trong việc khác
liên quan đến hoạt động pháp điển (5 điểm).
Điều 7. Nhóm tiêu chí về hoạt
động thực hiện pháp điển (20 điểm)
1. Tiêu chí về thực hiện đúng trình tự, thủ tục,
quy trình thực hiện pháp điển theo đề mục (5 điểm).
2. Tiêu chí về thực hiện thu thập, rà soát, xử
lý văn bản trước khi sử dụng để pháp điển (5 điểm).
3. Tiêu chí về thực hiện kiểm tra kết quả pháp
điển tại cơ quan (5 điểm).
4. Tiêu chí bảo đảm đúng thời hạn gửi kết quả
pháp điển theo đề mục để Bộ Tư pháp thẩm định (5 điểm).
Điều 8. Nhóm tiêu chí về chất
lượng kết quả pháp điển (15 điểm)
1. Tiêu chí về tính chính xác, đầy đủ các quy phạm
pháp luật được pháp điển trong đề mục (5 điểm).
2. Tiêu chí về sắp xếp hợp lý, lô-gích các quy
phạm pháp luật trong đề mục; thực hiện ghi chú, chỉ dẫn, ký xác thực, đóng dấu
đúng quy định (5 điểm).
3. Tiêu chí về chất lượng Hồ sơ kết quả pháp điển
theo đề mục gửi thẩm định (5 điểm).
Điều 9. Các tiêu chí khác
(20 điểm)
1. Tiêu chí về thực hiện cập nhật quy phạm pháp
luật mới trong mỗi đề mục; bổ sung chủ đề mới, đề mục mới (5 điểm).
2. Tiêu chí về
thực hiện phổ biến, tuyên truyền kết quả pháp điển (5 điểm).
3. Tiêu chí về
thực hiện chế độ báo cáo tình hình công tác pháp điển (10 điểm).
Chương III
CHẤM ĐIỂM VÀ XẾP LOẠI
Điều 10.
Thực hiện hoạt động thu thập, tổng hợp thông tin, đánh giá, chấm điểm
Cục Kiểm tra văn bản quy phạm
pháp luật thu thập, tổng hợp thông tin dựa vào báo cáo của các cơ quan thực hiện pháp điển gửi về Bộ Tư pháp; kết
quả kiểm tra, khảo sát, tọa đàm; xử lý thông tin thu thập được,
xây dựng Báo cáo đánh giá việc tổ chức triển khai thực hiện pháp điển hệ
thống quy phạm pháp luật của các cơ quan và thực hiện chấm điểm, xếp loại.
Trên cơ sở đánh giá, chấm điểm,
xếp loại các cơ quan, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm
giúp Bộ trưởng kịp thời đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan tổ chức triển khai thực
hiện công tác pháp điển góp phần xây dựng Bộ pháp điển bảo đảm chất lượng, hiệu
quả và đúng tiến độ.
Điều 11. Thực hiện xếp loại
Việc xếp loại được thực hiện
căn cứ vào tổng số điểm của mỗi cơ quan, cụ thể như sau:
1. Cơ quan xếp loại A (rất tốt) nếu tổng số điểm
từ 90 điểm trở lên.
2. Cơ quan xếp
loại B (tốt) nếu tổng số điểm từ 80 điểm đến dưới 90 điểm.
3. Cơ quan xếp
loại C (khá) nếu tổng số điểm từ 70 điểm đến dưới 80 điểm.
4. Không xếp loại đối với cơ quan có tổng số điểm
dưới 70 điểm.
Điều 12. Tổ chức thực hiện
1. Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có
trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Bộ Tiêu chí này. Trong quá trình thực
hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật báo
cáo kịp thời để Lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện.
2. Vụ Kế hoạch - Tài chính phối hợp với Cục Kiểm
tra văn bản quy phạm pháp luật bố trí kinh phí bảo đảm triển khai thực hiện Bộ
Tiêu chí này./.