ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------
|
Số:
66/2002/QĐ-UB
|
Quy
Nhơn, ngày 26 tháng 6 năm 2002
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 24/2000/NĐ-CP ngày 31/7/2000 của Chính phủ quy định chi
tiết Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
- Căn cứ Nghị định số 51/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Nghị định số 35/2002/NĐ-CP
ngày 29/3/2002 của Chính phủ về việc sửa đổi và bổ sung danh mục A, B và C quy
định chi tiết Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (sửa đổi);
- Căn cứ Kết luận số 50-KL/TU ngày 24/5/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI
tại Hội nghị lần thứ 21;
- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số
chính sách khuyến khích phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề
trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2:
Giám đốc Sở Công nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc,
kiểm tra và theo dõi việc triển khai thực hiện quy định kèm theo Quyết định
này.
Điều 3:
Quyết định này thay thế Quyết định số 477/1998/QĐ-UB ngày
11/02/1998 của UBND tỉnh Bình Định và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh,
Giám đốc các Sở Công nghiệp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính - Vật giá, Xây dựng,
Địa chính, Thủ trưởng các sở, ban, các cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch
UBND các huyện, thành phố và các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa
bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3
- TT Tỉnh ủy
- Các đ/c Ban TV Tỉnh ủy
- TT.HĐND tỉnh
- CT, các PCT UBND tỉnh
- Viện KSND, TAND tỉnh
- Báo, Đài
- Lãnh đạo VP + CV
- Lưu VP, K6.
|
TM-
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH ĐỊNH
CHỦ TỊCH
Vũ Hoàng Hà
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT TIỂU THỦ
CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 66 /2002/QĐ-UB ngày 26 /6/2002 của UBND tỉnh)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1:
Quy định này nhằm khuyến khích các nhà đầu tư phục hồi, duy trì và phát triển sản
xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề, ngành nghề thủ công truyền thống, các
làng nghề mới nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động góp phần
cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Điều 2:
Đối tượng, phạm vi áp dụng.
Các doanh nghiệp nhỏ (đăng ký
theo Luật Doanh nghiệp); hợp tác xã, tổ hợp tác (đăng ký theo Luật Hợp tác xã);
hộ kinh tế cá thể, hộ liên kết sản xuất (đăng ký theo Nghị định số
02/2000/NĐ-CP ngày 03/02/2000) có tham gia hoạt động sản xuất tiểu thủ công
nghiệp trên địa bàn tỉnh đều thuộc đối tượng, phạm vi áp dụng theo Quy định
này.
Điều 3:
Một số từ ngữ trong quy định này được hiểu như sau:
1- "Tiểu thủ công nghiệp"
(dưới đây viết tắt là TTCN) gồm:
* Tiểu công nghiệp là loại hình
kinh tế có quy trình sản xuất vừa thủ công, vừa cơ giới, quy mô nhỏ, vốn ít (dưới
5 tỉ đồng).
* Thủ công nghiệp là loại hình
kinh tế có quy trình sản xuất thủ công là chủ yếu.
2- "Làng nghề TTCN":
Là làng có nhiều người, nhiều hộ tham gia sản xuất cùng ngành nghề, trong đó
bao gồm:
2.1- Những nghề Nhà nước không cấm
và tuân thủ tốt các quy định hiện hành của Nhà nước về vệ sinh, môi trường.
2.2- Số hộ hoặc số lao động cùng
ngành nghề chiếm từ 15% trở lên so với tổng số hộ hoặc lao động trong làng.
2.3- Giá trị sản xuất hoặc thu
nhập từ TTCN chiếm từ 20% trở lên so với tổng giá trị sản xuất hoặc thu nhập của
làng trong năm.
3- "Nghề mới":
Là ngành nghề tại địa phương đó từ trước đến nay chưa có.
4- "Hỗ trợ tiền thuê đất",
"Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp": Là khoản tiền thuê đất,
tiền thuế thu nhập của doanh nghiệp đã nộp vào ngân sách Nhà nước và được ngân
sách tỉnh cấp lại cho nhà đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng dự án.
Điều 4:
Ngoài các ưu đãi theo quy định của Chính phủ, các nhà đầu tư trực tiếp đầu tư
phát triển sản xuất TTCN và làng nghề trên địa bàn tỉnh còn được hưởng các ưu
đãi của tỉnh Bình Định tại Quy định này.
Điều 5: Tỉnh
Bình Định bảo đảm thực hiện ổn định chính sách khuyến khích đầu tư và tạo điều
kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư phát triển sản xuất tiểu thủ
công nghiệp. Trường hợp có sự thay đổi quy định về ưu đãi, gây bất lợi cho các
nhà đầu tư đã được cấp phép thì tỉnh có biện pháp hỗ trợ thỏa đáng đối với các
nhà đầu tư.
Chương II
CÁC CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI ĐẦU
TƯ
Điều 6:
Điều kiện ưu đãi.
1- Ngành nghề ưu đãi: Bao gồm
các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, ngành nghề pháp luật không cấm, có sử dụng
lao động bình quân tối thiểu trong năm là:
+ Thành phố Quy Nhơn : 50 người/
1 cơ sở
+ Địa bàn B : 15 người/ 1 cơ sở
+ Địa bàn C : từ 5 - 10 người/ 1
cơ sở
2- Địa bàn ưu đãi:
* Địa bàn A là địa bàn có điều
kiện kinh tế - xã hội thuận lợi gồm thành phố Quy Nhơn và các khu công nghiệp tập
trung.
* Địa bàn B là địa bàn có điều
kiện kinh tế - xã hội khó khăn gồm các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn,
Hoài Nhơn, Tuy Phước.
* Địa bàn C là địa bàn có điều
kiện đặc biệt khó khăn gồm các huyện Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh và
các xã đặc biệt khó khăn ở các huyện thuộc Chương trình 135 của Chính phủ.
Điều 7: Hỗ
trợ tiền thuê đất.
1- Hỗ trợ 100% trong 4 năm tiếp
theo đối với dự án đầu tư tại địa bàn A, 6 năm tiếp theo đối với các dự án đầu
tư tại địa bàn B, 10 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư tại địa bàn C nếu
có ngành nghề và lao động phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định
này.
2- Đất dùng làm mặt bằng sản xuất,
kinh doanh do được chuyển nhượng lại một cách hợp pháp quyền sử dụng, thì cơ sở
được chuyển nhượng, được tiếp tục sử dụng mà không phải nộp thêm tiền thuê đất
cho Nhà nước.
Điều 8: Hỗ
trợ tiền thuế sử dụng đất.
Hỗ trợ 100% trong 5 năm tiếp
theo đối với các dự án đầu tư tại địa bàn A, 7 năm tiếp theo đối với các dự án
đầu tư tại địa bàn B, 12 năm tiếp theo đối với các dự án đầu tư tại địa bàn C nếu
có ngành nghề và lao động phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định
này.
Điều 9:
Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp.
Hỗ trợ 100% trong 3 năm tiếp
theo đối với các dự án đầu tư tại địa bàn A, 5 năm tiếp theo đối với dự án đầu
tư tại địa bàn B, 7 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư tại địa bàn C nếu có
ngành nghề và lao động phù hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Quy định
này.
Điều 10: Hỗ
trợ về tài chính đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thua lỗ.
Đối với các cơ sở sản xuất TTCN
mới thành lập, thực hiện đầy đủ chế độ kế toán thống kê theo quy định, trong 3
năm đầu kể từ ngày đi vào hoạt động, nếu kết quả sản xuất, kinh doanh bị lỗ được
xem xét hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ phần lỗ, nhưng tối đa không quá số thuế
giá trị gia tăng doanh nghiệp đã nộp ngân sách.
Điều 11:
Hỗ trợ tín dụng và kinh phí tham dự hội chợ, triển lãm.
- Các cơ sở sản xuất TTCN được
hưởng các ưu đãi về vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh hoặc được bù chênh lệch
lãi suất nếu vay ở các ngân hàng thương mại, tùy theo quy mô và tính chất của từng
dự án.
- Các cơ sở sản xuất TTCN được hỗ
trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm với mức trong nước 30% và ngoài nước
50%.
- Được hưởng tiền thưởng xuất khẩu
theo quy định tại Quyết định số 24/2000/QĐ-UB ngày 23/02/2000 và Quyết định số
69/2001/QĐ-UB ngày 10/7/2001 của UBND tỉnh.
Điều 12:
Hỗ trợ kinh phí đào tạo phát triển ngành nghề.
1- Hỗ trợ tối thiểu 50% đối với
địa bàn A, 60% cho địa bàn B, 70% cho địa bàn C về kinh phí đào tạo nghề phổ
thông (với điều kiện lao động được đào tạo xong có việc làm tại địa bàn đó).
Riêng đối với con em diện chính
sách, hộ nghèo thì được hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề phổ thông.
2- Hỗ trợ 30% kinh phí đào tạo lại
nghề bậc cao, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn kỹ thuật cho địa bàn B và
50% cho địa bàn C (được cấp thẩm quyền chức năng cấp giấy chứng nhận nghề đã
đào tạo và lao động được đào tạo có nhu cầu và làm việc địa bàn đó).
3- Tổ chức, cá nhân có công du
nhập ngành nghề mới vào các địa bàn trong tỉnh áp dụng có hiệu quả, tạo việc
làm cho nhiều người lao động được khen thưởng theo các mức như sau: địa bàn A: 12
triệu đồng; địa bàn B: 18 triệu đồng; địa bàn C: 24 triệu đồng.
Điều 13: Hỗ
trợ kinh phí xây dựng hạ tầng.
1- Kinh phí xây dựng hạ tầng
dùng chung và giải phóng mặt bằng các khu, cụm TTCN theo quy hoạch được cơ quan
thẩm quyền phê duyệt, được ngân sách tỉnh hỗ trợ theo các mức:
- Địa bàn A: 30% trên tổng kinh
phí xây dựng hạ tầng và giải phóng mặt bằng.
- Địa bàn B: 50% trên tổng kinh
phí xây dựng hạ tầng và giải phóng mặt bằng.
- Địa bàn C: 100% trên tổng kinh
phí xây dựng hạ tầng và giải phóng mặt bằng.
2- Các cơ sở thuộc diện di dời
ra khỏi khu dân cư đến các khu, cụm TTCN quy hoạch tập trung được hỗ trợ 30%
kinh phí di dời, được miễn 2 năm phí sử dụng hạ tầng kể từ khi có quyết định
giao đất (trừ thời gian chờ giải phóng mặt bằng, nếu có) và được hưởng các ưu
đãi khác như doanh nghiệp mới thành lập.
Điều 14:
Xúc tiến đầu tư.
Các tổ chức, cá nhân có thành
tích trong việc vận động các nhà đầu tư tham gia phát triển TTCN có hiệu quả, sẽ
được UBND tỉnh xem xét tặng thưởng số tiền có giá trị bằng 0,3% so với tổng vốn
đầu tư của dự án đã đầu tư tại địa bàn B và 0,4% đối với địa bàn C.
Chương III
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH ĐẦU
TƯ
Điều 15: Thực
hiện cơ chế quản lý "một cửa, một đầu mối".
UBND các huyện, thành phố là cơ
quan "đầu mối" hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các thủ tục
hành chính đối với các dự án đầu tư phát triển sản xuất TTCN và các làng nghề
trên địa bàn của mình. Nhà đầu tư khi đầu tư vào địa bàn nào thì chỉ làm việc
"một cửa, một đầu mối" tại UBND huyện, thành phố đó.
Điều 16:
Thời hạn giải quyết đầu tư.
1- Đối với những dự án không thuộc
diện phải thẩm định: thời gian cấp quyết định dầu tư không quá 5 ngày làm việc.
2- Đối với những dự án phải thẩm
định: thời gian cấp quyết định đầu tư không quá 10 ngày làm việc.
3- Trường hợp yêu cầu bổ sung sửa
đổi hồ sơ dự án, UBND các huyện, thành phố phải thông báo bằng văn bản cho các
nhà đầu tư trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ và có trách nhiệm
hướng dẫn nhà đầu tư hoàn chỉnh lại dự án.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17:
Các lĩnh vực ưu đãi không nêu trong Quy định này được áp dụng theo các quy định
hiện hành của Nhà nước và của UBND tỉnh Bình Định.
Sở Công nghiệp có trách nhiệm
theo dõi, phổ biến tuyên truyền việc thực hiện Quy định này và kịp thời đề xuất
UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi những nội dung có liên quan (nếu cần).
Điều 18:
Thủ trưởng các sở, ban, cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành
phố và các nhà đầu tư phát triển sản xuất TTCN trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.