Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 644/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 644/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/05/2012
Ngày có hiệu lực 14/05/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Nguyễn Viết Hưng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 644/QĐ-UBND

Nam Định, ngày 14 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP, THỦY SẢN VÀ MUỐI TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2010-2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông báo số 166-TB/TU ngày 20/3/2012 kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về “Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;

Căn cứ biên bản họp Hội đồng thẩm định “Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 97/TTr-SNN ngày 27/4/2012 về phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN VÀ CÁC ĐỘT PHÁ

1.1. Quan điểm phát triển

- Phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, thuỷ sản và muối tỉnh Nam Định giai đoạn 2010-2020 và tầm nhìn 2030 phải gắn với xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện từng vùng, từng lĩnh vực để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội.

- Phát triển nông nghiệp hàng hoá, chất lượng cao, bền vững, chủ động giải quyết các vấn đề thiết thực về đời sống và đáp ứng nhu cầu của nông dân và nông thôn trong đó chú trọng tạo điều kiện cho các xã khó khăn, hộ nghèo tổ chức sản xuất vươn lên thoát nghèo.

- Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng nông sản, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Phát huy lợi thế các tiểu vùng sinh thái (vùng đồng bằng ven sông, vùng ven biển, vùng đô thị) để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung (lúa năng suất cao, lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi, thủy sản...) gắn với hệ thống chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

- Phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội ở nông thôn, chú trọng việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu, củng cố đê điều, xây dựng giao thông nông thôn, giao thông nội đồng để bảo đảm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, cải thiện nâng cao đời sống sinh hoạt của dân cư nông thôn, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

1.2. Các đột phá

- Ứng dụng công nghệ biến đổi gen để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông thủy sản và ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Xây dựng các khu chăn nuôi trang trại và gia trại tập trung ngoài khu dân cư để gia tăng sản phẩm hàng hoá và xuất khẩu, bảo đảm an toàn dịch bệnh và bền vững về môi trường.

- Phát huy lợi thế của tỉnh để sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn sản xuất một loại sản phẩm"; phát triển sản xuất rau, màu, hoa theo hướng an toàn, công nghệ cao.

- Phát triển thủy sản tập trung, thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Ứng dụng công nghệ sản xuất muối sạch.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

2.1. Mục tiêu tổng quát

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên cơ sở ưu tiên đầu tư cho các loại cây, con có hiệu quả cao; khuyến khích tập trung ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung, sản xuất trang trại, gia trại là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi lên trên 41,2% năm 2015; ngành trồng trọt 55,2%; ngành dịch vụ 3,6% vào năm 2015; Đến năm 2020: Ngành chăn nuôi 46,6%, ngành trồng trọt khoảng 49,7% và dịch vụ 3,7%.

[...]