Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 610/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do tỉnh Lâm Đồng ban hành

Số hiệu 610/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/03/2015
Ngày có hiệu lực 11/03/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Trần Ngọc Liêm
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 610/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 11 tháng 03 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 92/NQ-CP NGÀY 08 THÁNG 12 NĂM 2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ MỚI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ vào Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

Căn cứ vào Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, với một số nội dung chính như sau:

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

- Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch để đẩy mạnh phát triển du lịch trong giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho ngành du lịch, xây dựng ngành du lịch Lâm Đồng trở thành điểm đến An toàn - Thân thiện - Chất lượng, góp phần phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.

- Định hướng phát triển du lịch trên diện rộng sang phát triển theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng chất lượng hiệu quả, có thương hiệu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

- Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của du lịch, ưu tiên đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế tổng hợp vừa là động lực, vừa là điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển và ngược lại; mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, xóa đói giảm nghèo; tạo điều kiện thuận lợi và bảo đảm môi trường cho phát triển du lịch.

- Tăng cường hỗ trợ của nhà nước cho phát triển du lịch thông qua các chương trình, đề án, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; đề xuất các chính sách đặc thù, đột phá để thu hút khách du lịch từ một số thị trường tiềm năng; hoàn thiện cơ chế bảo tồn, khai thác sử dụng hiệu quả các tài nguyên du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

- Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch; nâng mức ưu đãi, giảm thuế sử dụng đất, thuế thuê đất đối với các dự án đầu tư, hoạt động kinh doanh các lĩnh vực cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

Thực hiện đồng bộ các mục tiêu trong Kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Chiến lược phát triển du lịch; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lâm Đồng; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:

a) Tốc độ tăng trưởng:

- Đến năm 2020: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch 10%, trong đó khách quốc tế chiếm 15%; số ngày lưu trú bình quân đạt 2,7 ngày. Toàn tỉnh có khoảng 25.000 phòng nghỉ, trong đó số phòng khách sạn 3 - 5 sao chiếm 55% tổng số phòng khách sạn từ 1 - 5 sao; thu hút khoảng 15.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp du lịch; trong đó 85% lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

- Đến năm 2030: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm về khách du lịch 10%, trong đó khách quốc tế chiếm 20%; số ngày lưu trú bình quân đạt 3 ngày. Toàn tỉnh có khoảng 40.000 phòng nghỉ, trong đó số phòng khách sạn 3 - 5 sao chiếm 60% tổng số phòng khách sạn từ 1 - 5 sao; thu hút khoảng 20.000 lao động làm việc tại các doanh nghiệp du lịch; 90% lao động trực tiếp phục vụ du lịch được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ.

b) Phát triển sản phẩm:

- Tập trung phát triển các loại hình du lịch có nhiều lợi thế:

+ Du lịch sinh thái, đặc biệt sản phẩm du lịch dưới tán rừng, du lịch thể thao - mạo hiểm (leo núi, vượt thác ghềnh, nhảy dù, vượt địa hình...).

+ Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần kết hợp với vui chơi giải trí, mua sắm.

+ Du lịch kết hợp nghiên cứu, đào tạo thực tập giảng dạy du lịch canh nông.

+ Du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, triển lãm, trưng bày, xúc tiến thương mại.

+ Du lịch văn hóa với các sản phẩm như tham quan nghiên cứu về tự nhiên, kiến trúc, khảo cổ, nghệ thuật, văn hóa - lễ hội các dân tộc, làng nghề truyền thống...

[...]