Quyết định 61/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2017-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 61/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/01/2018
Ngày có hiệu lực 12/01/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vương Đình Huệ
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN 27 XÃ KHU VỰC BIÊN GIỚI TỈNH NGHỆ AN, NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẢM BẢO AN NINH - QUỐC PHÒNG GIAI ĐOẠN 2017- 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội Khóa XIII ngày 12 ngày 11 năm 2015 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10388/TTr-BNN-VPĐP ngày 14 tháng 12 năm 2017 về việc đề nghị phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2017- 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2018 - 2020, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, nhm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng giai đoạn 2018- 2020 (gọi tắt là Đề án).

2. Địa bàn thực hiện: Đề án được thực hiện trên địa bàn của 27 xã, với diện tích tự nhiên 472.236,1 ha thuộc 6 huyện, cụ thể: huyện Kỳ Sơn (11 xã); huyện Tương Dương (04 xã); huyện Con Cuông (02 xã); huyện Quế Phong (04 xã); huyện Anh Sơn (01 xã); huyện Thanh Chương (05 xã).

3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 đến năm 2020.

4. Mục tiêu:

a) Mục tiêu chung:

Xây dựng các xã biên giới có kết cấu hạ tầng hướng tới đạt chuẩn nông thôn mới; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; xã hội nông thôn ổn định, bình yên, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường; đảm bảo giữ vững quốc phòng, an ninh ổn định và xây dựng tuyến biên giới Hòa Bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

b) Mục tiêu cụ thể:

Đến năm 2020, các xã đạt tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

- Bình quân đạt 11,4 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 08 tiêu chí;

- Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22,9 triệu đồng/người/năm, bằng 54,5% bình quân chung của tỉnh (khoảng 42 - 45 triệu đồng/người/năm);

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 30 - 32% (theo chuẩn nghèo đa chiều);

- Về kết quả đạt tiêu chí nông thôn mới: 02 xã đạt 19/19 tiêu chí, gồm: Hạnh Lâm; Tam Quang; 04 xã đạt 15 tiêu chí, gồm: Thanh Thủy, Thanh Đức, Môn Sơn, Phúc Sơn; 09 xã đạt từ 11-14 tiêu chí, gồm: Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tri Lễ, Nậm Cắn, Tà Cạ, Tam Hợp, Nậm Giải, Thanh Sơn, Châu Khê; 12 xã đạt từ 8-10 tiêu chí gồm và Ngọc Lâm, Bắc Lý, Mỹ Lý, Na Ngoi, Đoọc Mạy, Keng Đu, Mường Típ, Mường Ải, Na ngoi, Nậm Càn, Nhôn Mai, Mai Sơn.

5. Các nội dung đầu tư:

a) Về Quy hoạch:

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội và quy hoạch sắp xếp bố trí dân cư biên giới, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ưu tiên sắp xếp dân cư các thôn, bản tiếp giáp biên giới, đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào tăng cường giao lưu, trao đổi thương mại.

b) Nhóm tiêu chí Hạ tầng kinh tế - xã hội:

Phấn đấu đến năm 2020: 27/27 xã (100%) có đường giao thông trục xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đảm bảo theo quy định; 13 xã (khoảng 50%) có đường trục thôn được cứng hóa; 18 xã (70%) có đường ngõ xóm sạch sẽ và không lầy lội vào mùa mưa; 16 xã (60%) có hệ thống giao thông nội đồng được hoàn thiện, trong đó bê tông hóa đạt trên 75% đảm bảo phục vụ sản xuất; 20 xã (74%) đạt tiêu chí thủy lợi; 27 xã (100%) đạt chỉ tiêu về tiêu chí điện, với 86,7% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đảm bảo tiêu chuẩn ngành điện; 20 xã (74%) đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất trường học; 10 xã (37%) đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa; 27 xã (100%) có trụ sở làm việc đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; 22 xã (81%) đảm bảo yêu cầu tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 27 xã (100%) đạt chuẩn tiêu chí thông tin và truyền thông; 22 xã (81%) có trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về cơ sở vật chất y tế; 02 xã đạt tiêu chí về nhà ở.

c) Nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất:

Phấn đấu đến hết năm 2020: 10 xã (32%) đạt tiêu chí thu nhập; 27 xã (100%) đạt tiêu chí lao động có việc làm; 19 xã (70%) đạt tiêu chí tổ chức sản xuất.

[...]