Quyết định 609/QĐ-UBND năm 2018 thực hiện Nghị quyết 92/2017/NQ-HĐND về thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 609/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/02/2018
Ngày có hiệu lực 13/02/2018
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Võ Văn Chánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 609/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 13 tháng 02 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 92/2017/NQ-HĐND NGÀY 08/12/2017 CỦA HĐND VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH ĐỒNG NAI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 92/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 139/TTr-STNMT ngày 30/01/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 92/2017/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc thông qua Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cụ thể như sau:

1. Mục tiêu chung

Bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài và nguồn gen nguy cấp, quý hiếm, cây dược liệu và các giống cây đặc hữu có giá trị của địa phương; duy trì và phát triển dịch vụ chi trả môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của tỉnh. Bảo tồn đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng và người dân địa phương cùng chia sẻ lợi ích trong việc bảo tồn, gắn quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học với phát triển du lịch.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2020

- Bảo vệ và phát triển bền vững các Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, các hệ sinh thái rừng tự nhiên, bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh, hệ sinh thái rừng tre nứa thuần loại và hỗn giao, hệ sinh thái rừng ngập mặn.

- Hoàn thành việc xây dựng khu bảo tồn loài và sinh cảnh cấp tỉnh núi Chứa Chan.

- Quy hoạch, nâng cấp hệ thống các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ đa dạng sinh học (các vườn sưu tập cây thuốc, vườn động vật, vườn thực vật, các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã).

- Xây dựng khu Safari (vườn thú hoang dã) tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, kết hợp giữa hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch, nhằm tăng cường xã hội hóa công tác bảo tồn.

b) Mục tiêu đến năm 2030

- Đến cuối năm 2026, hoàn thành việc quy hoạch chi tiết, thành lập khu bảo vệ cảnh quan cấp tỉnh tại rừng phòng hộ Tân Phú. Bảo tồn, phát triển nguồn gen cây Trinh nữ hoàng cung (Crinium latifolium) tại xã Long Phước, huyện Long Thành.

- Đến cuối năm 2030, hoàn thiện hệ thống các khu bảo tồn, các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ đa dạng sinh học (các vườn sưu tập cây thuốc, vườn động vật, vườn thực vật, các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã).

3. Nội dung quy hoạch

a) Quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn:

- Giữ nguyên hiện trạng đối với Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai (diện tích 100.535 ha bao gồn 68.015 ha rừng và đất lâm nghiệp; 32.520 ha mặt nước hồ Trị An).

- Thành lập mới đối với Khu bảo vệ cảnh quan Tân Phú (diện tích tự nhiên là 13.902,1 ha), Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh núi Chứa Chan (diện tích 2.025 ha).

[...]