Quyết định 5955/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025

Số hiệu 5955/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/12/2013
Ngày có hiệu lực 12/12/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Thái Văn Hằng
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 5955/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 12 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ MẠNG LƯỚI PHÂN PHỐI HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020, CÓ TÍNH ĐẾN NĂM 2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 17/2010/TT-BCT ngày 05/5/2010 của Bộ Công Thương quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thương mại;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1201/SCT-QLTM ngày 05/12/2013 về việc đề nghị phê duyệt “Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025”,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể mạng lưới phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020, có tính đến năm 2025, với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển mạng lưới phân phối bán buôn trên địa bàn tỉnh gắn với nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường, khả năng sản xuất, nhằm nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm và thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển phù hợp với các quy luật khách quan của nền kinh tế thị trường: phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ dựa trên nhu cầu tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân, bám sát xu hướng phát triển nhu cầu mua sắm của nhân dân; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đa dạng và ngày càng tăng của các tầng lớp dân cư.

- Phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa phải dựa trên sự kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, kết hợp giữa phát triển các doanh nghiệp phân phối có quy mô lớn với việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ kinh doanh tham gia thị trường.

- Phát triển hài hoà các doanh nghiệp phân phối thuộc mọi thành phần kinh tế. Xây dựng các doanh nghiệp phân phối trong nước lớn mạnh, đủ năng lực phát triển mạng lưới kinh doanh rộng khắp, đảm bảo năng lực dự trữ lưu thông góp phần ổn định giá cả thị trường, hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các sản phẩm sản xuất trong nước.

- Phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa phải đi đôi với việc bảo đảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước; phải nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của Sở Công Thương, hiệp hội các doanh nghiệp thương mại; tăng cường hiệu lực quản lý thống nhất giữa các ngành.

- Phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa phải đảm bảo sự đồng bộ và tương thích với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và các quy hoạch chuyên ngành khác đã được phê duyệt.

2. Mục tiêu

- Mục tiêu tổng quát

Xây dựng mạng lưới phân phối hàng hóa bền vững và hiện đại, dựa trên cấu trúc hợp lý các hệ thống và các kênh phân phối với sự tham gia của các thành phần kinh tế và các loại hình tổ chức, vận hành trong môi trường cạnh tranh có sự quản lý và điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò và vị trí của mạng lưới phân phối trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, định hướng và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của nhân dân, góp phần phát triển xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế.

- Mục tiêu cụ thể:

+ Tốc độ tăng bình quân hàng năm (đã loại trừ yếu tố giá) của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn từ nay đến năm 2015 khoảng 11-12%/năm (đạt khoảng 34.800 tỷ đồng vào năm 2015), và trong các giai đoạn tiếp theo 13-14%/năm (đạt khoảng 67.500 tỷ đồng vào năm 2020).

+ Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 56.000 tỷ đồng vào năm 2015 (tăng bình quân 18%/năm giai đoạn từ nay đến năm 2015) và đạt 120.000 tỷ đồng vào năm 2020 (tăng bình quân 16,5%/năm giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, tốc độ lưu chuyển hàng hóa bán lẻ qua các loại hình thương mại hiện đại tăng khoảng 35 - 40% vào năm 2020, đảm bảo nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong tỉnh.

+ Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa phát triển hiện đại. Nhất là hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại (TTTM, ST, trung tâm mua sắm, khu thương mại - dịch vụ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh, tổng kho bán buôn…) ở các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu; hoàn thành cơ bản chương trình phát triển các loại hình chợ. Đến năm 2020, số thư­ơng nhân hoạt động tại các chợ, cửa hàng, TTTM và ST sẽ có khoảng 70.000 cơ sở, trong đó lực lượng thương nhân hoạt động tại ST và TTTM chiếm từ 15-20%.

3. Định hướng phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, có tính đến năm 2025

3.1. Định hướng chung.

- Xây dựng mô hình các hệ thống tổ chức phân phối theo ngành hàng, nhóm hoặc mặt hàng với nhiều chủ thể tham gia, nòng cốt là các doanh nghiệp có khả năng tích tụ và tập trung vốn, có hệ thống tổ chức kinh doanh, có mạng lưới mua bán gắn với sản xuất và tiêu dùng.

- Từng bước hình thành các cơ sở liên doanh, liên kết sản xuất - phân phối - tiêu thụ với quy mô lớn và năng suất cao, có khả năng đưa hàng hoá đến với tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và ngoại tỉnh hoặc xuất khẩu bằng con đường ngắn nhất, thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất; nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Hình thành, phát triển có trọng tâm và quản lý một cách chuyên nghiệp hệ thống phân phối trên địa bàn tỉnh với khả năng liên kết từ nhà sản xuất, chế biến, thương mại đến người tiêu dùng cuối cùng nhằm đảm bảo hiệu quả phân phối hàng hoá tối đa.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các nhà chế biến, xuất khẩu có quy mô lớn thực hiện mở rộng các quan hệ liên kết ổn định, chặt chẽ với các nhà sản xuất nông nghiệp thông qua hợp đồng, đơn đặt hàng, hình thành các hệ thống phân phối đa dạng, có tác động tích cực đến sự phát triển thị trường của tỉnh.

[...]