BỘ
GIAO THÔNG VẬN TẢI
*****
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số: 59/2007/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH "QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN
TRONG QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ
NƯỚC DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI QUẢN LÝ"
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Luật Xây dựng số
16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 04 năm 2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 về quản lý dự
án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng
09 năm 2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP của
Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về
quản lý chất lượng công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ hướng
dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban
hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 06 năm 2007 của Chính phủ về quản
lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao
thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về phân cấp,
ủy quyền trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân
sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng
Công báo.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ,
Cục trưởng các Cục thuộc Bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công
chính, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Ban Kinh tế TW (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư
pháp);
- Công báo (để đăng);
- Website Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Lưu: VT,CGĐ (5 bản);
|
BỘ TRƯỞNG
Hồ Nghĩa Dũng
|
QUY ĐỊNH
VỀ PHÂN CẤP, ỦY QUYỀN TRONG QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU
TƯ XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC DO BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-BGTVT ngày
22 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)
Chương 1:
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về việc
phân cấp, ủy quyền trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn
vốn ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý (sau đây gọi tắt là dự
án).
2. Việc quản lý các dự án sử dụng
vốn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là dự án ODA) do Bộ Giao
thông vận tải quản lý thực hiện theo Quy định này và tuân thủ các quy định của
pháp luật Việt Nam về quản lý dự án ODA và điều ước quốc tế về ODA mà Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp điều ước quốc tế về
ODA mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với
các quy định của pháp luật Việt Nam thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc
tế đó.
Điều 2.
Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với đơn
vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư gồm các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao
thông vận tải, Sở Giao thông công chính, Sở Y tế giao thông vận tải, các trường,
viện, doanh nghiệp… và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản
lý dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ
Giao thông vận tải quản lý.
Chương 2:
GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ ĐẦU
TƯ
Điều 3.
Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng công trình
1. Bộ trưởng quyết định đầu tư:
a) Các dự án nhóm A, B;
b) Các dự án nhóm C sử dụng nguồn
vốn đầu tư phát triển có ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới;
c) Các dự án nhóm C liên quan đến
từ hai Cục quản lý chuyên ngành trở lên hoặc không thuộc phạm vi quản lý của
các Cục quản lý chuyên ngành.
2. Cục trưởng các Cục Hàng không
Việt Nam, Đường bộ Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường sông
Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam quyết định đầu tư:
a) Các dự án nhóm C không quy định
tại điểm b, c khoản 1 Điều này;
b) Các công trình chỉ phải lập
Báo cáo kinh tế - kỹ thuật sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển sau khi có thỏa
thuận bằng văn bản của Vụ Kế hoạch đầu tư;
c) Các dự án sử dụng nguồn vốn sự
nghiệp để đầu tư quản lý, bảo trì các công trình thuộc phạm vi quản lý chuyên
ngành của mình.
Điều 4.
Điều chỉnh dự án đầu tư
1. Việc điều chỉnh dự án đầu tư thực
hiện theo Điều 13 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của
Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình (sau đây viết tắt là Nghị
định số 16/2005/NĐ-CP), khoản 8 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP ngày 29
tháng 9 năm 2006 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
16/2005/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định số 112/2006/NĐ-CP) và các quy định
hiện hành.
2. Trường hợp điều chỉnh dự án
đã được duyệt mà làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư thì chủ đầu tư có tờ
trình xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung hạng mục; cấp có thẩm quyền ra quyết định
về chủ trương cho phép điều chỉnh, bổ sung hạng mục. Chủ đầu tư tổ chức lập dự
án điều chỉnh đối với hạng mục điều chỉnh, bổ sung và thực hiện các thủ tục thẩm
định, phê duyệt dự án điều chỉnh và các công việc tiếp theo theo quy định như đối
với hạng mục mới nằm trong dự án.
3. Trường hợp các hạng mục điều
chỉnh, bổ sung dự án cần thực hiện ngay để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện
chung của dự án thì chủ đầu tư có tờ trình xin chủ trương điều chỉnh, bổ sung hạng
mục, trong đó nêu rõ tính cấp thiết của hạng mục điều chỉnh và kiến nghị về việc
tổ chức thực hiện. Cấp có thẩm quyền ra quyết định về chủ trương điều chỉnh, bổ
sung hạng mục, trong đó cho phép tiến hành đồng thời việc lập dự án điều chỉnh,
lựa chọn nhà thầu khảo sát thiết kế và thực hiện công tác khảo sát thiết kế.
Căn cứ chủ trương cho phép của cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư triển khai
công tác khảo sát thiết kế, thẩm định, phê duyệt để kịp thời phục vụ thi công.
Đồng thời lập, thẩm định, trình duyệt dự án điều chỉnh theo quy định để đảm bảo
việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật được thực hiện ngay sau khi có quyết định phê
duyệt điều chỉnh dự án.
4. Trường hợp điều chỉnh dự án
làm vượt tổng mức đầu tư, sau khi hoàn thành việc lập dự án điều chỉnh theo các
nội dung nêu tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, chủ đầu tư trình tổng mức đầu tư
điều chỉnh đồng thời với việc trình dự án thành phần hoặc hạng mục điều chỉnh của
dự án để thực hiện việc thẩm định, phê duyệt theo quy định. Chủ đầu tư chỉ được
phê duyệt dự toán điều chỉnh của gói thầu sau khi có quyết định phê duyệt điều
chỉnh tổng mức đầu tư.
Chương 3:
GIAI ĐOẠN THỰC HIỆN ĐẦU
TƯ
Điều 5.
Công tác lựa chọn nhà thầu trong hoạt động xây dựng
1. Công tác lựa chọn nhà thầu
trong hoạt động xây dựng được thực hiện theo quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đấu
thầu, Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ hướng
dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng
(sau đây viết tắt là Nghị định số 111/2006/NĐ-CP) và các quy định hiện hành.
2. Đối với các dự án Bộ phân cấp
thẩm quyền quyết định đầu tư, cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư tổ chức thẩm
định và phê duyệt toàn bộ các khâu trong quá trình đấu thầu.
3. Đối với các dự án Bộ quyết định
đầu tư, Bộ trưởng ủy quyền cho các chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt hồ
sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với tất cả các gói thầu thuộc các dự
án nhóm B, C.
Điều 6.
Điều chỉnh thiết kế đã được duyệt
1. Trường hợp điều chỉnh thiết kế
đã được duyệt không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không làm vượt tổng
mức đầu tư thì chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế điều chỉnh.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thường
xuyên cập nhật về kinh tế-kỹ thuật những thay đổi, điều chỉnh để đảm bảo các điều
chỉnh, bổ sung, phát sinh không làm vượt tổng mức đầu tư.
2. Trường hợp điều chỉnh thiết kế không làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu
tư nhưng làm vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư thực hiện ngay các thủ tục điều
chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định để trình duyệt.
Trong khi tổng mức đầu tư điều chỉnh chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
để đảm bảo sự liên tục thực hiện dự án, chủ đầu tư phải có văn bản trình cấp có
thẩm quyền cho phép thực hiện các nội dung phải điều chỉnh, bổ sung hoặc tiếp tục
thực hiện kèm theo kinh phí dự kiến và chỉ được thực hiện theo quy định sau khi
được cấp có thẩm quyền có văn bản chấp thuận về chủ trương.
Điều 7.
Điều chỉnh dự toán công trình
1. Dự toán công trình được điều
chỉnh theo quy định tại Điều 11 của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 06
năm 2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình (sau đây
viết tắt là Nghị định số 99/2007/NĐ-CP).
2. Điều chỉnh dự toán trong trường
hợp không làm vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư tổ chức thẩm tra, phê duyệt dự
toán điều chỉnh theo quy định. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thường xuyên cập nhật
để đảm bảo các điều chỉnh, bổ sung, phát sinh không làm vượt tổng mức đầu tư.
3. Điều chỉnh dự toán trong trường
hợp vượt tổng mức đầu tư thì sau khi hoàn thành việc lập tổng mức đầu tư điều
chỉnh, chủ đầu tư trình cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt tổng mức
đầu tư điều chỉnh làm căn cứ thực hiện việc thẩm tra, phê duyệt điều chỉnh dự
toán theo quy định. Dự toán điều chỉnh chỉ được chủ đầu tư phê duyệt sau khi có
quyết định duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Trường hợp cần giải quyết các thủ
tục thanh toán thì chủ đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép tạm duyệt
dự toán điều chỉnh.
Điều 8.
Quản lý thi công và quản lý chất lượng công trình
xây dựng
1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm
thực hiện việc quản lý thi công và quản lý chất lượng xây dựng công trình theo
quy định tại các Điều 30, 31, 32, 33, 34 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định
số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng
công trình xây dựng.
2. Bộ trưởng giao Cục Giám định
và Quản lý chất lượng công trình giao thông (sau đây viết tắt là Cục Giám định)
tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý thi công, quản lý chất lượng
công trình xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình do Bộ Giao
thông vận tải quản lý. Trường hợp phát hiện những nghi ngờ về chất lượng xây dựng
công trình, Cục Giám định yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc kiểm định chất lượng
theo kế hoạch và đề cương quy định.
3. Bộ trưởng giao chủ đầu tư trực
tiếp làm việc với các Hội đồng thẩm định nhà nước, Hội đồng nghiệm thu nhà nước,
các hội đồng khác và các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các dự
án được quy định phải có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nêu trên.
Điều 9.
Quản lý chi phí, quản lý tài sản công thuộc dự án và thực
hiện thanh, quyết toán trong đầu tư xây dựng công trình
1. Chủ đầu tư thực hiện các nội
dung quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng tại các điều từ Điều 38 đến Điều
43 Nghị định số 16/2005/NĐ-CP, khoản 14 Điều 1 Nghị định số 112/2006/NĐ-CP, Nghị
định số 99/2007/NĐ-CP và các quy định hiện hành.
2. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm
trong việc quản lý chi phí, thực hiện thanh quyết toán, quản lý tài sản trong
quá trình thực hiện dự án, thu hồi tài sản sau khi kết thúc dự án.
Bộ trưởng giao Vụ Tài chính tổ
chức kiểm tra việc quản lý tài sản trong quá trình thực hiện dự án và việc thu
hồi tài sản sau khi kết thúc dự án.
3. Cấp có thẩm quyền quyết định đầu
tư tổ chức thẩm định, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án xây dựng công trình
hoàn thành và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với các dự án nhóm B, C do Bộ
quyết định đầu tư, Bộ trưởng giao Vụ Tài chính đề xuất việc ủy quyền hoặc phân
cấp cho cơ quan cấp dưới trực tiếp thuộc Bộ phê duyệt quyết toán dự án hoàn
thành.
Chương 4:
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
Tổ chức thực hiện
1. Trong toàn bộ
quá trình quản lý dự án, các tổ chức, cá nhân liên quan phải tuân thủ các quy định
hiện hành của Nhà nước, các quy định của Bộ Giao thông vận tải và Quy định này.
2. Các quyết định được ban hành
theo thẩm quyền hoặc ủy quyền đều phải được gửi Bộ Giao thông vận tải và các Cục,
Vụ chức năng để báo cáo và tổng hợp.
3. Trong quá trình thực hiện nếu
có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận
tải để xem xét, hướng dẫn, chỉnh sửa hoặc bổ sung cho phù hợp./.