Quyết định 1058/QĐ-BGTVT năm 2010 giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Ban quản lý dự án trong quản lý đầu tư xây dựng đối với dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư

Số hiệu 1058/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 22/04/2010
Ngày có hiệu lực 22/04/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Hồ Nghĩa Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1058/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 22 tháng 04 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO NHIỆM VỤ VÀ ỦY QUYỀN CHO BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN DO BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI LÀM CHỦ ĐẦU TƯ

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 113/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư;

Căn cứ Thông tư số 03/2009/TT-BXD ngày 26 tháng 3 năm 2009 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ và ủy quyền cho Tổng giám đốc, Giám đốc Ban quản lý dự án (sau đây viết tắt Ban QLDA) được giao nhiệm vụ quản lý các dự án do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư (sau đây viết tắt là Bộ GTVT) theo hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án thực hiện một số nhiệm vụ của chủ đầu tư, như sau:

1. Khảo sát lập báo cáo đầu tư (đề xuất dự án), dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư:

Ban QLDA thực hiện các quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định trừ các công việc sau:

- Thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu;

- Thẩm định, phê duyệt đề cương nhiệm vụ, chi phí khảo sát lập báo cáo đầu tư (đề xuất dự án), dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư;

- Thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn trừ tư vấn thẩm tra các dự án nhóm B, C;

- Các trường hợp khác, Bộ GTVT sẽ có ủy quyền và giao nhiệm cụ thể.

2. Về thiết kế, dự toán:

2.1. Ban QLDA tổ chức thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình thiết kế 3 bước trừ những công trình đã được Bộ quy định cấp thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tại quyết định phê duyệt thiết kế kỹ thuật.

2.2. Ban QLDA tổ chức thẩm định, phê duyệt các nội dung điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật (đối với công trình thiết kế 3 bước), điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công (đối với công trình thiết kế 2 bước), điều chỉnh bổ sung dự toán đảm bảo nguyên tắc những nội dung điều chỉnh không làm thay đổi địa điểm, quy mô, tiêu chuẩn thiết kế của dự án đã được phê duyệt, mục tiêu dự án và không vượt tổng mức đầu tư.

2.2.1. Việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế theo nguyên tắc sau:

a) Công trình đường, cầu đường bộ và đường sắt:

- Bình đồ: Điều chỉnh khoảng cách dịch chuyển ngang tim tuyến nhỏ hơn hoặc bằng 3m, thay đổi bán kính đường cong bằng (tăng hoặc giảm) để phù hợp với điều kiện địa hình thực tế nhưng không làm thay đổi tính chất kỹ thuật của tuyến so với thiết kế đã được duyệt và không nhỏ hơn bán kính đường cong bằng tối thiểu (Rmin) đã được phê duyệt.

[...]