Quyết định 57/2007/QĐ-UBND hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và ngành nghề nông thôn tỉnh Khánh Hòa do Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành

Số hiệu 57/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/09/2007
Ngày có hiệu lực 29/09/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Khánh Hòa
Người ký Võ Lâm Phi
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 57/2007/QĐ-UBND

Nha Trang, ngày 19 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

HỖ TRỢ KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NÔNG THÔN VÀ NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09/06/2004 của Chính phủ về việc khuyến khích phát triển Công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/07/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/05/2005 giữa Bộ Tài chính và Bộ Công nghiệp về hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công;
Căn cứ Thông tư số 03/2005/TT-BCN ngày 23/06/2005 của Bộ Công nghiệp về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 134/2004/NĐ-CP;
Căn cứ Thông tư 113/2006/TT-BTC ngày 28/12/2006 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn một số nội dung về ngân sách nhà nước hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng được hỗ trợ

1. Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp nông thôn, ngành nghề nông thôn tại các huyện, thị xã và các xã ngoại thành thuộc thành phố (sau đây gọi là cơ sở sản xuất công nghiệp, dịch vụ nông thôn) bao gồm:

a) Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập hoạt động theo Luật Doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã thành lập, hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

c) Hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động dịch vụ khuyến công gồm: Các hoạt động dịch vụ trong việc tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại và các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư sản xuất công nghiệp nông thôn.

3. Các làng nghề, cụm cơ sở ngành nghề nông thôn được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận là nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Các đối tượng trên đây ngoài được hưởng ưu đãi theo Quyết định này còn được các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế... theo các quy định của Chính phủ.

Điều 2. Danh mục ngành nghề được hỗ trợ

Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất vào các ngành, nghề công nghiệp nông thôn được hưởng các chính sách khuyến công, bao gồm:

1. Chế biến nông sản - lâm sản - thủy sản;

2. Sản xuất các sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động (từ 50 lao động trở lên);

3. Sản xuất sản phẩm mới (sản phẩm mới là sản phẩm khi tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở sản xuất, tại huyện, thị xã, thị trấn chưa sản xuất được);

4. Sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp;

5. Xây dựng thủy điện nhỏ, điện sử dụng năng lượng mới hoặc năng lượng tái tạo có công suất lắp đặt dưới 10.000 KW để cung cấp điện cho nông thôn, vùng sâu, vùng xa;

6. Sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm và dịch vụ cho các cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh;

7. Đầu tư vốn xây dựng kết cấu hạ tầng cho cụm, điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề;

8. Khôi phục và phát triển ngành nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và đưa những nghề truyền thống từ các tỉnh, thành phố khác vào địa phương.

Điều 3. Nội dung chi hoạt động khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn và ngành nghề nông thôn theo quy định tại khoản 2, phần II Thông tư Liên tịch số 36/2005/TTLT-BTC-BCN ngày 16/5/2006 của Liên Bộ: Tài Chính - Công nghiệp.

Điều 4. Về mức chi cụ thể cho việc xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ sản xuất tiên tiến

1. Các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đang hoạt động có hiệu quả cần phổ biến tuyên truyền, nhân rộng mô hình để các tổ chức, cá nhân khác học tập: Kinh phí khuyến công hỗ trợ để hoàn chỉnh tài liệu về quy trình công nghệ, quy trình sản xuất… phục vụ cho việc trình diễn kỹ thuật với mức chi hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/đề án trên cơ sở dự toán kinh phí được lập theo chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

2. Các cơ sở sản xuất đang hoạt động nhưng cần cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu trình diễn kỹ thuật. Kinh phí khuyến công hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Chi phí đầu tư của cơ sở sản xuất để thực hiện cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất để đáp ứng được yêu cầu trình diễn kỹ thuật có giá trị dưới 50 triệu đồng: Mức chi hỗ trợ bằng 30% tổng chi phí nhưng tối đa không vượt quá 15 triệu đồng/mô hình;

[...]