Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 56/2014/QĐ-UBND về Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2014 - 2020

Số hiệu 56/2014/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/08/2014
Ngày có hiệu lực 21/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Lưu Xuân Vĩnh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 11 tháng 8 năm 2014

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN” GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;

Căn cứ Pháp lệnh Công an xã số 06/2008/PL-UBTVQH12 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá 12 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã;

Căn cứ Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Căn cứ Nghị quyết số 15/2014/NQ-HĐND ngày 22 tháng 7 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng Công xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2014 - 2020;

Thực hiện Quyết định số 367/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh Công an xã;

Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ trình số 235/TTr-CAT-PV28 ngày 29 tháng 7 năm 2014 và Báo cáo thẩm định số 990/BC-STP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng Công an xã trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” giai đoạn 2014 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã trong tỉnh; thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

ĐỀ ÁN

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC CỦA LỰC LƯỢNG CÔNG AN XÃ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2014 - 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 56/2014/QĐ-UBND ngày 11 tháng 8 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ

I. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án

Ninh Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung bộ, diện tích tự nhiên 3.360km2, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hoà, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp biển Đông với 105km bờ biển, là địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế nhưng lại có tính đặc thù về chính trị - xã hội, nhất là tình hình về an ninh tôn giáo, dân tộc, an ninh nông thôn. Toàn tỉnh có 06 huyện và 01 thành phố với 47 xã, 15 phường, 03 thị trấn, trong đó có 24 xã loại 1, 20 xã loại 2 và 03 xã loại 3 (theo quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã của Ủy ban nhân dân tỉnh); trong 47 xã có 24 xã được Bộ Công an công nhận là xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. Dân số khoảng 575.000 người, với 27 thành phần dân tộc, chủ yếu là dân tộc Kinh chiếm 76,5%, dân tộc Chăm chiếm 11,3%, dân tộc Raglai chiếm 10,9%, còn lại là các dân tộc khác; đồng bào có đạo 144.665 người, chiếm 25,16% dân số, số đông theo đạo Thiên chúa và Phật giáo; dân số phân bố không đồng đều, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển; mặt bằng về trình độ dân trí còn thấp, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Những năm qua, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn toàn tỉnh nói chung và địa bàn các xã nói riêng cơ bản được giữ vững ổn định. Tuy nhiên, có thời điểm còn diễn biến phức tạp, số đối tượng cực đoan lợi dụng chính sách tôn giáo gia tăng các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo tín đồ tham gia các hoạt động tôn giáo trái phép, việc tranh chấp, khiếu kiện có nơi, có lúc diễn ra gay gắt, nhất là việc giải toả, áp giá đền bù các dự án; các vụ mâu thuẫn, xung đột của một số thanh thiếu niên ở những khu vực giáp ranh giữa đồng bào người dân tộc Kinh và đồng bào người dân tộc Chăm diễn biến phức tạp, tội phạm và các vụ phạm pháp hình sự tuy được kiềm chế nhưng vẫn có xu hướng gia tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ. Tội phạm trong lứa tuổi thanh niên, thiếu niên ngày càng cao, số vụ xảy ra ở địa bàn các xã luôn chiếm từ 70% đến 80% tổng số vụ phạm tội trên địa bàn tỉnh; các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, đánh bạc với nhiều hình thức ngày càng gia tăng và đang có xu hướng chuyển về các vùng nông thôn, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều trên các tuyến giao thông liên xã, liên huyện.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình ANTT ở địa bàn toàn tỉnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ở địa bàn các xã, khu vực nông thôn; các thế lực thù địch sẽ tiếp tục lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền kích động nhân dân để thực hiện âm mưu “Diễn biến hoà bình” gây chia rẽ khối đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn; công tác đảm bảo ANTT cho quá trình triển khai xây dựng các nhà máy Điện hạt nhân sẽ làm xuất hiện loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao; các loại tội phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng về hình sự, kinh tế, ma túy, các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông đường bộ, … ở địa bàn các xã tiếp tục diễn biến phức tạp.

Với đặc điểm, tình hình trên, công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh nói chung và ở các xã nói riêng còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải tập trung tìm biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả nhằm phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ phạm pháp hình sự, kịp thời đấu tranh, triệt phá các loại tội phạm, tệ nạn xã hội xảy ra ở địa bàn cơ sở, đó là tiền đề cho việc đảm bảo ANTT, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc đề ra các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn cơ sở trong tỉnh là một yêu cầu cần thiết. Trong đó, việc củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng Công an xã là một giải pháp cấp bách, quan trọng hàng đầu, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương và yêu cầu thực hiện công tác đảm bảo ANTT ở địa bàn các xã.

II. Căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án

1. Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003.

[...]