Thông tư 12/2010/TT-BCA hướng dẫn Pháp lệnh công an xã và Nghị định 73/2009/NĐ-CP do Bộ Công an ban hành

Số hiệu 12/2010/TT-BCA
Ngày ban hành 08/04/2010
Ngày có hiệu lực 24/05/2010
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 12/2010/TT-BCA

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2010

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CỤ THỂ THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH CÔNG AN XÃ VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 73/2009/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 9 NĂM 2009 QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH CÔNG AN XÃ

Căn cứ Pháp lệnh công an xã ngày 21 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh công an xã;
Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;
Bộ Công an quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh công an xã như sau:

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định cụ thể thi hành một số điều của Pháp lệnh công an xã và Nghị định số 73/2009/NĐ-CP ngày 07/9/2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh công an xã (Nghị định số 73/2009/NĐ-CP) về xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; về nhiệm vụ, quyền hạn của Công an xã; tổ chức, xây dựng lực lượng Công an xã và trang bị cho Công an xã.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an xã, Công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức Công an chính quy (gọi chung là Công an xã) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tổ chức, hoạt động của Công an xã trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự

1. Xã, thị trấn (gọi chung là xã) trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự bao gồm: xã có đường biên giới quốc gia; xã đảo; xã nội địa, xã ven biển có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng hoặc xã có tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội thường xuyên có diễn biến phức tạp.

2. Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Công an cấp tỉnh) có trách nhiệm đề xuất, lập danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp duyệt, ký đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định.

Cục Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, các đơn vị có liên quan của Bộ Công an nghiên cứu, trình Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, quyết định danh sách xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; trường hợp cần thiết thì mời Giám đốc Công an cấp tỉnh để trao đổi thống nhất trước khi trình Bộ trưởng Bộ Công an.

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỤ THỂ CỦA CÔNG AN XÃ

Điều 4. Nắm tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tiếp nhận, phân loại, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã

1. Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà Công an xã phải nắm vững bao gồm những vấn đề chủ yếu sau đây:

a) Tình hình hoạt động của các đối tượng có tiền án, tiền sự; người được đặc xá, tha tù trước thời hạn; người chấp hành xong hình phạt tù; bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc được hưởng án treo; người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân; người phải chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng nhưng được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định; người nghiện ma túy hoặc sau cai nghiện ma túy;

b) Biểu hiện và hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các hiện tượng tụ tập, gây rối trật tự công cộng, khiếu kiện đông người; chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nhân dân; tổ chức, lôi kéo, kích động người khác chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các vụ việc về chính trị, hình sự, kinh tế; các tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa bàn xã;

c) Tình hình biến động về dân cư và những người ở nơi khác đến cư trú, làm ăn, sinh sống trên địa bàn xã. Đối với xã biên giới, bờ biển, hải đảo, cần nắm vững tình hình xâm nhập, hoạt động và cư trú trái phép của người nước ngoài trên địa bàn xã;

d) Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội xảy ra trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học, tổ chức, đoàn thể ở cơ sở và tình hình khác có liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; sơ hở, thiếu sót trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đề xuất biện pháp khắc phục.

2. Các tin tức, vụ việc về an ninh, trật tự, an toàn xã hội đều phải được thẩm tra, xác minh, phân loại để có biện pháp xử lý thích hợp:

a) Trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức phải xử lý bằng biện pháp pháp luật thì phải nhắc nhở, giải thích, giáo dục người có hành vi vi phạm, giúp họ có ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng đạo đức xã hội và quy định của địa phương;

b) Trường hợp hành vi vi phạm đến mức phải xử lý vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm đó thuộc thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng Công an xã thì tiến hành xử phạt; trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của Trưởng Công an xã thì chuyển hồ sơ vi phạm lên cấp có thẩm quyền để xử phạt theo quy định; trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm thuộc đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác thì lập hồ sơ chuyển lên cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm thì lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại, người biết việc, tổ chức cấp cứu nạn nhân, bảo vệ hiện trường (nếu có), thu giữ, bảo quản hiện vật, phương tiện vi phạm theo quy định của pháp luật và báo ngay cho cơ quan Công an cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời;

d) Trường hợp tụ tập đông người, gây rối trật tự công cộng hoặc những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, vượt quá thẩm quyền và khả năng giải quyết của Công an xã thì phải tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp có biện pháp xử lý phù hợp, không để tình hình phức tạp thêm, đồng thời phải báo ngay cho Công an cấp trên để có biện pháp xử lý thích hợp.

3. Tình hình an ninh, trật tự và các vụ việc, tin tức thu nhận được có liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội đều phải lưu vào hồ sơ theo đúng quy định và hướng dẫn của Công an cấp trên. Những thông tin quan trọng phải báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và Công an cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.

Điều 5. Làm nòng cốt trong xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

[...]