Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1707/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử và thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"

Số hiệu 1707/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/09/2022
Ngày có hiệu lực 19/09/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trần Văn Mi
Lĩnh vực Thương mại,Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1707/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 19 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI, THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 2/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược "Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045";

Căn cứ Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19/10/2012 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030”;

Căn cứ Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26/6/2015 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035;

Căn cứ Kết luận số 365-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển thương mại, thương mại điện tử và thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 46/SCT-TM ngày 26/8/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử và thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Trung tâm CNTT&TT;
- LĐVP, các Phòng;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Mi

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG THƯƠNG MẠI, THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ VÀ THƯƠNG MẠI BIÊN GIỚI TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1707/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 của UBND tỉnh Bình Phước)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng đề án

Trong những năm qua, kinh tế tỉnh luôn tăng trưởng cao, đã trực tiếp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, hệ thống thương mại đã có bước phát triển tương đối khá; cơ bản đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Tuy nhiên, hiện trạng phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh còn những bất cập như: tự phát, thiếu cơ sở hạ tầng; chưa được tổ chức thành hệ thống, mạng lưới; khâu quản lý còn chưa được chặt chẽ và thiếu những điều kiện, yếu tố phát triển thuận lợi, đòi hỏi cần được sắp xếp lại để quản lý nhằm phát huy vai trò của bán buôn, bán lẻ đối với quá trình phát triển ngành thương mại nói riêng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung.

Bên cạnh đó, cùng với xu hướng phát triển công nghệ số, thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng chung của hội nhập. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực, phát triển TMĐT là một hướng đi đúng đắn, an toàn để duy trì các hoạt động kinh tế, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước theo hình thái mới.

Hoạt động thương mại biên giới (TMBG) của Tỉnh chưa đạt được kết quả như mong muốn; các cặp cửa khẩu song phương chưa được đầu tư đồng bộ giữa 02 bên; chính sách khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu còn chậm; kết cấu hạ tầng thương mại biên giới chưa đáp ứng được so với yêu cầu của thực tiễn và chưa phát huy được tiềm năng; Hoạt động buôn lậu qua biên giới vẫn còn xảy ra, ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Do vậy, việc phát triển hệ thống thương mại, TMĐT, TMBG trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cần thiết nhằm gia tăng các chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân; trong đó sẽ tập trung tổ chức sắp xếp, đầu tư, nâng cấp mạng lưới hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại; chủ động thu hút các nguồn lực, khai thác các tiềm năng, lợi thế của Tỉnh để phát triển TMBG cũng như phát triển nhanh các hoạt động kinh tế số, TMĐT tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước và theo xu hướng chung của thế giới.

[...]