THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 550/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 04
năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VẬN CHUYỂN, KINH
DOANH GIA CẦM, SẢN PHẨM GIA CẦM NHẬP KHẨU TRÁI PHÉP VÀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày
17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;
Căn cứ Quyết định số 2088/QĐ-TTg
ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng ngừa,
ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái
phép;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông
tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Đề án truyền thông về phòng ngừa,
ngăn chặn vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép
và vệ sinh an toàn thực phẩm” kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với
các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Quyết định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ
quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ban Chỉ đạo 127/TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).KN.
|
KT.
THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|
ĐỀ ÁN
TRUYỀN THÔNG VỀ PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN VẬN CHUYỂN, KINH DOANH GIA CẦM, SẢN
PHẨM GIA CẦM NHẬP KHẨU TRÁI PHÉP VÀ VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM
(Đề án ban hành kèm theo Quyết định số: 550/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ)
I. TÍNH CẤP THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP
LÝ CỦA ĐỀ ÁN
1. Tính cấp thiết
- Trong thời gian
qua, tình hình buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia
tăng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý về xuất nhập khẩu.
- Gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ
nguồn gốc đã được các cơ quan chức năng của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phát hiện ra các chất độc hại Cloramphenicol, Cycline có hàm lượng
cao, thậm chí rất cao. Đây là những chất gây nguy hại đến sức khỏe của người sử dụng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi.
- Gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu
đã làm ảnh hưởng rất nặng nề đến người sản xuất, chăn nuôi
trong nước và người tiêu dùng vì giá rẻ và không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực
phẩm.
- Người tiêu dùng khó nhận biết gia cầm,
sản phẩm gia cầm nhập lậu, nhất là gia cầm đã qua chế biến.
- Do lợi nhuận mang lại từ nhập lậu
gia cầm, sản phẩm gia cầm rất lớn, trong khi chế tài hiện
nay về buôn lậu và vận chuyển về gia cầm, sản phẩm gia cầm còn nhiều bất cập,
chưa đủ độ răn đe. Các đối tượng buôn lậu vẫn tổ chức, vận chuyển, kinh doanh
gia cầm trái phép bất chấp sự kiểm tra, ngăn chặn của các cơ quan chức năng.
- Công tác thông tin, tuyên truyền về
kinh doanh, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu và thực phẩm
không rõ nguồn gốc, thời gian qua tuy đã được các cơ quan thông tấn báo chí cả
nước quan tâm, song còn hạn chế cả về phương thức, cách thức, thời lượng, thời điểm tuyên truyền, vì vậy hiệu quả rất hạn chế.
2. Căn cứ pháp lý của Đề án
- Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày
17 tháng 6 năm 2010 và các văn bản hướng dẫn Luật an toàn
thực phẩm.
- Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP
ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của
Luật an toàn thực phẩm.
- Căn cứ Quyết định số 2088/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng ngừa,
ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm
nhập khẩu trái phép.
II. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG
1. Thông tin về việc kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái
phép, không rõ nguồn gốc; thông tin kịp
thời về việc xử lý các hành vi vi phạm.
2. Thông tin về tác hại của gia cầm,
sản phẩm gia cầm nhập khẩu không rõ nguồn gốc với sản xuất, chăn nuôi trong nước và sức khỏe của người tiêu dùng.
3. Biểu dương, cổ vũ, động viên kịp
thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phát hiện, ngăn chặn
và xử lý việc vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập
khẩu trái phép.
4. Các giải pháp,
hướng đi cho sản phẩm gia cầm sạch; tuyên truyền các mô
hình sản xuất chăn nuôi gia cầm, các địa phương chăn nuôi gia cầm tiêu biểu
trong nước.
III. ĐỐI TƯỢNG TRUYỀN THÔNG
1. Các cá nhân, đơn vị làm công việc
vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia
cầm.
2. Người tiêu dùng.
3. Chính quyền cơ sở cấp quận, huyện,
xã, phường, thị trấn.
4. Cán bộ, công
chức, những người thực hiện nhiệm vụ về quản lý xuất, nhập khẩu, quản lý thị
trường, lực lượng công an, biên phòng, quản lý các trung tâm thương mại và các
chợ.
IV. PHƯƠNG THỨC TRUYỀN THÔNG
1. Truyền thông trên các phương tiện
thông tin đại chúng:
- Báo hình: Thực hiện trên các đài
truyền hình Trung ương và các địa phương, đặc biệt là những địa phương có đường
biên giới và địa bàn trọng điểm tiêu thụ các sản phẩm gia
cầm, gia cầm nhập lậu.
- Báo in: Tập trung tuyên truyền mạnh
trên một số báo của Trung ương, Bộ, ngành có phạm vi ảnh hưởng rộng và đối tượng
độc giả phù hợp với nội dung cần truyền thông, như: Báo
Nhân Dân, Hà Nội Mới, Lao Động, Tiền Phong, Thanh Niên, Nông thôn Ngày nay, Phụ
nữ Việt Nam, Khoa học và Đời sống, An ninh Thủ Đô, Tạp chí Kinh tế, Diễn đàn
doanh nghiệp, Thời báo kinh tế Việt Nam, các tạp chí dành cho phụ nữ... và báo ở
địa phương.
- Báo nói: Thực hiện trên Đài Tiếng nói Việt Nam với các kênh dễ tiếp cận đến với các đối tượng cần
tuyên truyền, như: VOV1, VOV giao thông; các đài phát thanh ở địa phương.
- Báo điện tử: Một số báo điện tử có
lượng độc giả lớn, cập nhật thông tin thường xuyên, nhanh
chóng, như: VnExpress, Dân Trí, Dân Việt...
2. Truyền thông xã hội:
- Xây dựng các chuyên đề, các nội
dung trên các forum (diễn đàn) lớn được số lượng lớn độc giả, người tiêu dùng
quan tâm và theo dõi, như: Lamchame.com, webtretho.com.
- Xây dựng các chuyên đề, nội dung
tuyên truyền trên 01 diễn đàn tại trang báo mạng có uy tín và có lượng độc giả
tham gia thường xuyên.
- Tổ chức thực hiện thí điểm việc can
thiệp thông tin vào các mạng xã hội, cụ thể:
+ Xây dựng các clip tuyên truyền mang
thông điệp nội dung cần truyền thông lên các trang mạng xã hội có lượng người
truy cập cao vào mỗi ngày;
+ Xây dựng các từ khóa liên quan tới
nội dung cần truyền thông lên thanh công cụ Google (tìm kiếm) để độc giả có thể
tìm hiểu và tra cứu những thông tin nóng nhanh chóng như: Gia cầm, gia cầm nhập
lậu, sản phẩm gia cầm không nguồn gốc...
- Xây dựng Website cung cấp các thông
tin chính thống và mang tính bền vững đăng tải văn bản hướng dẫn, các quy định,
các bài viết hướng dẫn độc giả, người tiêu dùng phân biệt
sản phẩm nhập lậu và sản phẩm sản xuất
trong nước; lập diễn đàn để những người tiêu dùng có thể giao lưu và chia sẻ
thông tin, cung cấp các địa chỉ kinh doanh gia cầm sạch cho người tiêu dùng.
- Thiết kế, in tờ rơi, quảng cáo, áp
phích để tuyên truyền tại các địa điểm công cộng như: Siêu thị, chợ, trên xe
buýt, nhà chờ xe buýt...
- Xây dựng tổng đài điện thoại di động
để chuyển thông tin cảnh báo tới các thuê bao.
- Tổ chức các sự kiện liên quan tới nội
dung cần truyền thông.
- Tổ chức các hoạt động nhằm tôn
vinh, ghi nhận các cá nhân, tập thể có thành tích trong công tác phòng ngừa,
ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái
phép.
3. Truyền thông ở cơ sở:
- Đây là phương thức tuyên truyền hiệu
quả với các hình thức:
+ Tổ chức các hội nghị chuyên đề, các
lớp tập huấn;
+ Tổ chức phát các tờ rơi, áp phích tại
các chợ đầu mối giao dịch gia cầm, siêu thị, chợ, địa điểm công cộng ở các khu
dân cư;
+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền
lưu động tại các địa phương trọng điểm về kinh doanh, vận chuyển và tiêu thụ
gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
- Nội dung tuyên truyền:
+ Trang bị kiến thức và định hướng
nhiệm vụ tuyên truyền theo từng nội dung, giai đoạn cho cán bộ là tuyên truyền
viên ở cấp xã và huyện;
+ Các hình thức, mức xử phạt đối với
các hành vi, vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh, buôn bán gia cầm, sản phẩm
gia cầm nhập lậu;
+ Cách nhận biết và tác hại của gia cầm,
sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
V. THỜI GIAN VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN
1. Thời gian thực hiện: Giai đoạn
2013 - 2014.
2. Phạm vi thực hiện: Tất cả các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; ưu tiên tập trung tuyên
truyền tại các địa phương có đường biên giới và các thành phố có sức tiêu thụ lớn
gia cầm, sản phẩm gia cầm.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm:
- Ngân sách nhà nước, bao gồm cả ngân
sách trung ương và ngân sách địa phương.
- Huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Bộ phận thường trực để
đôn đốc triển khai thực hiện Đề án. Bộ phận thường trực đặt tại Bộ Thông tin và
Truyền thông.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch chi tiết trình Thủ tướng Quyết định trong tháng 4 năm
2013 và triển khai thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Y tế, Công an, Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cử người phối hợp với Bộ Thông
tin và Truyền thông để cùng thực hiện Đề án.
4. Trên cơ sở kế hoạch truyền thông,
Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng dự toán kinh
phí thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí
ngân sách nhà nước để triển khai thực hiện Đề án này.
5. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng
nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và
địa phương chủ động tổ chức tuyên truyền theo kế hoạch của đơn vị, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng
tâm của các năm 2013, 2014.
6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc cung
cấp thông tin và tác nghiệp trên địa bàn, chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thông tin tuyên truyền ở cơ sở.